Chị Tâm, vợ anh Hoàng ở quận 12, TP HCM, cho biết do gặp khó khăn trong công việc kinh doanh nên người chồng tuyệt vọng đã uống hết chai dung dịch rửa bồn cầu với ý định tự tử. “Chúng tôi đang nói chuyện thì anh bảo lên phòng trước. Khoảng 15 phút sau, tôi lên mở cửa thì thấy chồng sùi bọt mép, co giật. Tôi hoảng quá vội lấy một ít chanh vắt vào miệng anh ấy rồi đưa vào viện cấp cứu”.
|
Anh Hoàng được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn. Ảnh: NH. |
Tiếp nhận nam bệnh nhân 35 tuổi trong tình trạng lơ mơ, kêu đau rát cổ và khó thở, êkip bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu, bù nước, súc ruột, rửa dạ dày để cứu sống nạn nhân. Bác sĩ Nguyễn Minh Nhiên, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, nhận thấy sức khỏe bệnh nhân suy kiệt, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời, do đó ông chỉ đạo mọi thao tác phải tiến hành thật nhanh.
Sau nửa giờ hồi sức cấp cứu và súc ruột, anh Hoàng đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục. Dù vậy bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt. Thông thường trong vòng 12 giờ từ khi ngộ độc, các chức năng gan, thận sẽ giảm nên phải lấy máu 2 giờ một lần để có cách xử trí ngay.
Theo bác sĩ Nhiên, trường hợp của anh Hoàng rất may được đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu cấp cứu trễ, chất độc có thể thấm trực tiếp đến lục phủ ngũ tạng làm cho nạn nhân suy gan, suy thận cấp, biến chứng qua suy tim, suy tủy, uy hiếp tính mạng.
Bác sĩ cho biết thời gian qua bệnh viện cấp cứu khá nhiều ca ngộ độc do thức ăn, hóa chất, động vật, côn trùng đốt… Ngộ độc nào cũng rất nguy hiểm, đặc biệt là trường hợp uống nhầm hoặc tự tử bằng hóa chất.
Khi phát hiện ngộ độc hóa chất như trường hợp trên, người thân thường mất bình tĩnh và có những cách xử trí sai lầm khiến tình trạng nạn nhân trở nên tồi tệ hơn. Việc vắt chanh vào miệng nạn nhân như cách của chị Tâm là phản khoa học. Đặc biệt đối với các hóa chất có thành phần axit hay bazơ, nếu vắt chanh vào miệng hay ép nạn nhân uống nhiều nước lọc sẽ làm tình trạng ngộ độc nghiêm trọng hơn. Hơn nữa khi đó người nhà không đủ bình tĩnh lấy hết hạt chanh có nguy cơ làm cho bệnh nhân tắt thở vì dị vật phế quản.
Bác sĩ khuyên nếu gặp tình huống tương tự, người nhà nên tuyệt đối giữ bình tĩnh, không cho bất cứ vật gì vào miệng nạn nhân. Đặt người gặp nạn nằm nghiêng, móc họng (nếu được) để ói ra sẽ giúp loại bỏ một phần chất độc. Đưa nạn nhân vào bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đừng quên mang theo vỏ chai hay vật đựng hóa chất để thuận tiện cho bác sĩ phân loại và xử lý phù hợp với từng loại chất độc khác nhau. Lưu ý, thời gian cấp cứu quyết định rất lớn đến sự sống còn bệnh nhân.
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net
* Tên nạn nhân và người nhà đã được thay đổi
Nguồn: vnexpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…