Categories: Tin tức

Phụ nữ đang mang thai không nên đến các vùng có dịch bệnh do vi rút Zika

Đây là khuyến cáo của PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế trong Buổi họp báo công bố thông tin về 02 trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam.

PGS.TS Trấn Đắc Phu (ngoài cùng bên phải) khuyến cáo các bà mẹ mang thai không nên đến vùng có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành

Khả năng lây lan vi rút Zika là rất lớn

Hai trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên được xác định tại 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, trong đó có một phụ nữ đang mang thai. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khả năng lây nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam, đặc biệt là tại 2 tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa là rất cao. Bởi vì, Việt Nam đã có bệnh nhân dương tính với vi rút Zika ở 2 địa phương nêu trên. Đồng thời, véc tơ truyền bệnh của vi rút Zika rất phổ biến tại các địa phương là muỗi vằn và Việt Nam hiện đang nằm trong vành đai sốt xuất huyết với sự lưu hành của muỗi vằn.

Trước Việt Nam, đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có lưu hành bệnh do vi rút Zika. WHO đã công bố dịch bênh do vi rút Zika là sự kiện y tế công cộng, do có sự quan ngại về mối liên quan giữa vi rút Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

Cần hiểu và không quá lo lắng, tránh tâm lý hoang mang không cần thiết

Mặc dù, dịch bệnh do vi rút Zika đã được phát hiện tại một số địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại hay giao lưu thương mại đối với vùng có dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh do vi rút Zika được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vậy, việc công bố khi có dịch sẽ do địa phương thực hiện. Đối với người bình thường như nam giới hoặc người không mang thai, bệnh do vi rút Zika có đặc điểm diễn biến ở mức độ vừa và nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, được xác định là ít nguy hiểm hơn so với sốt xuất huyết. Tuy nhiên, WHO cảnh báo về mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika. Vi rút Zika có ảnh hưởng chủ yếu và mạnh nhất vào giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ vì đây là khoảng thời gian thai nhi hình thành và phát triển các bộ phận cơ thể. Chứng đầu nhỏ cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và không phải bà mẹ mang thai nào nhiễm vi rút Zika cùng sinh con đầu nhỏ. Hiện nay, Bộ Y tế chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại. Thứ trưởng đề ghị các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chính xác, kịp thời để người dân nắm bắt được tình hình, những nguy cơ và cách phòng chống dịch bệnh, tránh những lo ngại, hoang mang không cần thiết. Điều quan trọng nhất là mỗi người, mỗi gia đình chung tay diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh và làm theo các khuyến cáo của ngành Y tế

PGS.TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoàn trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh như nhiễm khuẩn, rubela… ở người mẹ khi mang thai, chứ không chỉ có vi rút Zika. PGS.TS. Trần Danh Cường cũng cho biết, trong số hơn 6000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ ở Brazil thì chỉ khoảng hơn 900 trường hợp liên quan đến vi rút Zika. Điều này có nghĩa là, ngay cả người mẹ khi mang thai mắc vi rút Zika thì con của họ khi sinh ra chưa chắc bị chứng đầu nhỏ.

Đối với công tác xét nghiệm sàng lọc thai nhi trước sinh để xác định chứng đầu nhỏ, PGS.TS. Trần Danh Cường cho biết, phương pháp siêu âm trước sinh có thể xác định được chứng đầu nhỏ ở trẻ. Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về siêu âm ở ba miền nhằm nâng cao khả năng đọc hình ảnh siêu âm của đội ngũ y, bác sĩ. Do đó, cùng với sự chủ động của phụ nữ mang thai trong các đợt khám định kỳ cũng như sự tích cực theo dõi, hỗ trợ của các tuyến bệnh viện thì có thể kiểm soát được chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do vi rút Zika.

Liên quan đến vấn đề chi trả khi xét nghiệm vi rút Zika, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết, bệnh do vi rút Zika gây nên thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Nếu bệnh nhân được bác sĩ chỉ định xét nghiệm sẽ do cơ quan bảo hiểm thanh toàn theo quy đinh của Luật Bảo hiểm Y tế. Các trường hợp xét nghiệm tự nguyện sẽ tự chi trả. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, đối với hơn 1.000 mẫu cơ quan y tế lấy để xét nghiệm trước đó là hoàn toàn miễn phí.

Ông Nguyên Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế trả lời báo chí về vần đề chi trả khi xét nghiệm Zika

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh

Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau:

1. Nâng mức cảnh báo và triển khai các hoạt động đáp ứng chống dịch theo tình huống 2 của Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

2. Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”, đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch.

3. Các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định 02/2016/QĐ TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nếu có dịch xảy ra nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

4. Tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai, người mang thai bị nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi trong cả nước.

5. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản – nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Zika; hướng dẫn chế độ, chính sách cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế cho biết, sẽ liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới và trong nước.

TS. Masaya Kato, Điều phối viên Nhóm các bệnh truyền nhiễm của WHO khẳng định, đến nay, WHO chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại hay giao lưu thương mại đối với vùng có dịch

Bài, ảnh: Như Hiển

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago