Phục hồi chức năng

Phòng ngừa loét: Dấu hiệu, cấp độ, chăm sóc và điều trị vết loét

Phòng ngừa loét: Dấu hiệu, cấp độ, chăm sóc và điều trị vết loét

Loét do đè ép là một tổn thương ở da do thiếu máu cục bộ gắn liền với sự chèn ép lâu dài của các mô mềm nằm giữa một mặt phẳng cứng và chỗ lồi xương. (Theo National Pressure Ulcer Advisory Panel, 1989).

Khi một vùng da cơ nào đó của cơ thể bị tỳ đè vào vật cứng kéo dài thì sự tuần hoàn tại chỗ khó khăn, máu động mạch không đến được gây thiếu máu nuôi dưỡng, máu tĩnh mạch ứ lại gây sung huyết, phù nề. Da tại chỗ dần dần bầm tím và sau cùng gây nên hoại tử.

Ngoài ra, ở những người bệnh nằm lâu, mồ hôi ra nhiều, đại tiện không tự chủ, vải trải giường không phẳng… cũng tạo điều kiện thuận lợi gây loét ép. Do đó, sự xoay trở cơ thể thường xuyên đồng thời dùng các phương tiện chống loét ép sẽ làm giảm sức ép và kích thích tuần hoàn đến da tại vị trí các chỗ xương lồi là cần thiết để phòng ngừa loét ép.

1. Nguyên nhân gây loét

 Bệnh nhân bị các bệnh lý dễ bị loét ép do bị tì đè kéo dài ở một tư thế:

Hôn mê do tai biến mạch máu não, u não, chấn thương sọ não, viêm não, nhiễm khuẩn nặng, nhiễm độc, urê máu cao, hạ đường huyết.

Người già thiếu dinh dưỡng nằm lâu ngày, vận động kém…

Liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống (chấn thương cột sống có liệt tủy, viêm tủy…)

Sau phẫu thuật thần kinh, sau bố bột chậu, lưng, chân…

Những người già thiếu dinh dưỡng nằm lâu ngày, vận động kém, …

2. Phân loại cấp độ loét

Loét tỳ đè được phân ra thành các cấp độ dựa trên đánh giá mức độ tổn thương mô. Theo hội đồng quốc gia về vết loét tại Hoa Kì đưa ra năm 1989, loét tỳ đè có 4 độ:

Độ 1: Vùng da tỳ đè nổi lên vết rộp màu hồng (dấu hiệu báo trước của loét tỳ đè).

Độ 2: Tổn thương không hoàn toàn chiều dày lớp da bao gồm thượng bì và lớp đáy (loét nông nhìn như vết trầy hay phồng rộp).

Độ 3: Tổn thương hoàn toàn chiều dày, bề dày của lớp da, tổ chức dưới da đã bị tổn thương.

Độ 4: Hoại tử toàn bộ lớp da có khi giới hạn, có khi lan rộng đến cả vùng cơ, xương, khớp.

3. Các vị trí dễ bị loét ép:

– Trường hợp người bệnh nằm ngửa

Nếu người bệnh nằm ngửa kéo dài mà không có người chăm sóc chống loét chu đáo thì các vị trí sau đây dễ bị loét ép:

+ Vùng xương cùng dễ gây loét ép sớm nhất.

+ Vùng chẩm.

+ Vùng xương bả vai.

+ Khuỷu tay.

+ Hai gai chậu sau trên.

+ Gót chân.

+ Dưới mông.

–  Trường hợp người bệnh nằm sấp

Nếu người bệnh bị một bệnh lý nào đó mà không nằm ngửa được mà phải nằm sấp dài ngày, ví dụ:  người bệnh bị bỏng ở vùng lưng, thì vùng dễ bị loét ép là:

– Vùng xương ức, vùng xương sườn, đầu gối, mu chân.

– Trường hợp người bệnh nằm nghiêng

Nếu người bệnh nằm nghiêng kéo dài thì các vị trí thường bị loét ép là :

Mắt cá chân ngoài, vai, một bên ngoài lồng ngực.

Phía ngoài đầu gối bên này và mặt trong đầu gối bên chân kia.

Vùng mấu chuyển lớn xương đùi

– Trường hợp bị suy hô hấp phải ngồi kéo dài

+ Ụ ngồi của xương chậu

+ Vai

+ Xương cùng

+ Vùng khoeo

+ Gót chân

Ở các bệnh nhân béo phì

Dưới ngực

Dưới mông

Nếp gấp trên da bụng

4. Dấu hiệu của loét ép:

Lúc đầu người bệnh có thể đau hoặc không đau ở vị trí tỳ đè…

Da vùng bị tỳ đè đỏ lên do sung huyết, sau đó có nốt phỏng.

Nốt phỏng vỡ thành vết trợt biểu bì, dưới vết trợt có màu đỏ hoặc xanh rồi đen lại.

Cảm giác và nhiệt độ tại chỗ giảm.

Vết loét tăng nhanh gây hoại tử, khó điều trị do có thể bị bội nhiễm.

5. Cách dự phòng loét ép

Nguyên tắc dự phòng loét:

Phải thực hiện ba nguyên tắc sau để giúp máu dễ lưu thông:

+ Giữ gìn da sạch và khô nhất là những vùng bị tỳ đè dễ có nguy cơ bị loét ép.

+ Thường xuyên xoa bóp những vùng dễ bị loét ép.

+ Thường xuyên thay đổi tư thế người bệnh, tối đa 2 giờ một lần.

© Giữ gìn da khô sạch, phát hiện vùng dễ bị loét ép:

Hằng ngày quan sát vùng dễ bị loét ép.

Lau rửa bằng nước ấm những vùng bị ẩm ướt, vùng mông của những người đại, tiểu tiện không tự chủ.

Sau đó lau khô lại những vùng đó.

© Thay đổi tư thế:

Thay đổi tư thế người bệnh ít nhất là hai giờ một lần. Phải thay đổi càng nhiều vị trí càng tốt,tuy nhiên khó thực hiện.Nằm sấp là một phương pháp có hiệu quả để giảm sức ép lên khung xương của phần lưng, khi nằm sấp phải đảm bảo đường thông khí không bị cản trở và nằm ở vị trí thoải mái. Ngồi cũng là phương pháp được áp dụng để thay đổi trọng lượng và sức ép nếu người bệnh có thể ngồi được.

Cho người bệnh nằm trên đệm nước là phương pháp tốt nhất hiện nay và đang áp dụng rộng rãi để phòng chống loét. Khi người bệnh nằm trên đệm nước, sẽ không có vị trí nào của cơ thể bị tì đè vào vật cứng, mà phân phối đều trên bề mặt của đệm nước nên tránh được loét ép. Khi ta dùng tay ấn vào bất kỳ vị trí nào của đệm nước thì nước trong đệm sẽ di chuyển mọi hướng làm cho người bệnh luôn ở tư thế vận động, có tác dụng như thay đổi tư thế người bệnh.

Nếu không có đệm nước thì có thể dùng vòng hơi cao su. Đặt vòng hơi cao su dưới mông của người bệnh. Lót gối ở vai nếu người bệnh nằm nghiêng. Đặt vòng bông ở những ụ xương khác, như mắt cá, gót chân, … Vòng hơi và vòng bông hiện nay ít sử dụng và không đem lại hiệu quả phòng chống loét.

© Xoa bóp:

Xoa bóp có tác dụng kích thích tuần hoàn có thể áp dụng ngay cả trường hợp trợt biểu bì hoặc có hoại thư.

Rửa sạch vùng định xoa bóp bằng xà phòng, lau khô sau đó xoa từ vùng có bắp cơ dày đến vùng dễ bị loét ép.

Xoa khoảng 15 phút mỗi ngày 1 đến 2 lần.

Có thể kết hợp với tập cho người bệnh nhân cử động để tránh tư thế xấu cho người bệnh về sau.

6. Cách chăm sóc và điều trị loét ép

Dự phòng loét ép rất quan trọng, nhưng nếu người bệnh đã bị loét ép cần săn sóc, điều trị đúng qui cách để vết loét ép không tăng thêm mà làm cho quá trình lành vết loét nhanh chóng.

–  Chuẩn bị dụng cụ

+ Chậu nước ấm.

+ Xà phòng.

+ Khăn, bông.

+ Vải trải giường.

+ Đệm nước, hoặc vòng hơi cao su, vòng bông.

+ Nước oxy già, nước muối sinh lý.

+ Đèn nóng, đèn tử ngoại hoặc tia lazer.

+ Một khay dụng cụ băng bó loét ép.

+ Thuốc theo chỉ định điều trị.

© Tiến hành

– Không để vùng loét bị đè ép thêm nữa bằng cách đặt người bệnh nằm trên đệm nước và đồng thời thường xuyên thay đổi tư thế nằm tránh nằm trên vùng đã bị loét ép.

– Vi sinh vật gây bệnh có thể lan truyền do tiếp xúc trực tiếp, nên phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc loét ép.

– Dùng gạc vô trùng lau chùi nhẹ nhàng vết loét để lại bỏ dịch mô, mủ, các chất thải sinh ra trong chuyển hóa, tế bào chết, tế bào hoại tử vì chúng gây cản trở quá trình làm lành vết thương. Chấm nhẹ để làm sạch mà không gây tổn thương vết loét.

Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa sạch vết loét (tuyệt đối không nên sử dụng các dung dịch kháng khuẩn vì nó có thể phá hủy các tế bào bình thường khác). Nếu vùng bị loét ép có tổ chức hoại tử thì phải cắt bỏ đi.

– Có thể sử dụng đèn nóng, đèn tử ngoại hoặc lazer chiếu trực tiếp vào vết loét trong vòng 20 phút làm cho vết loét nhanh chóng lên tổ chức hạt và liền sẹo. (Khi sử dụng đèn tử ngoại, tia lazer tránh chiếu đèn trực tiếp vào mắt người bệnh).

– Đắp thuốc theo chỉ định điều trị.

– Băng và bảo vệ vết loét: Hiện nay, bạn có thể sử dụng băng vết thương dạng xịt Nacurgo để bảo vệ vết loét ngăn thấm nước, ngừa vi khuẩn, làm lành nhanh vết loét từ 3-5 lần bằng công nghệ màng sinh học tự phân hủy Polyesteramide, bạn không cần phải thay tháo băng gây đau đớn và tổn thương vết loét do màng sinh học tự phân hủy, chỉ cần xịt lớp màng mới sau 4-5 tiếng. Vết loét sẽ tiến triển tích cực bắt đầu từ dấu hiệu khô bề mặt và lành dần.

– Xoa bóp phần xung quanh chỗ bị loét để kích thích tuần hoàn.

– Người bệnh phải được nuôi dưỡng hợp lý là cần thiết cho quá trình điều trị. Một chế độ ăn giàu protein và đầy đủ các loại vitamin như: hoa quả tươi, cá, đậu, thịt, sữa… sẽ thúc đẩy quá trình lên tổ chức hạt và lành sẹo vết loét ép.

6. Điều trị vết loét

Ở 2 cấp độ sau cùng, khi đã có tổn thương sâu và hoại tử, việc can thiệp ngoại khoa là cần thiết. Cần cắt bỏ những chỗ có da lột và mô hoại tử, việc cắt lọc nhằm loại bỏ các tổ chức hoại tử và bị nhiễm khuẩn, có thể thực hiện cắt gọt ngay tại giường hay tại phòng mổ. Cắt gọt sẽ làm rộng vết loét một khoảng cho phép, nhưng nó lại làm giảm độ tập trung vi khuẩn ở vết thương và loại bỏ mô hoại tử, việc cắt lọc làm tăng cường quá trình liền thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng lan rộng vì các tổ chức hoại tử rất dễ nhiễm khuẩn và là nguyên  nhân gây ra viêm tế bào, tổn thương ăn sâu hơn vào xương.

Biện pháp ghép da có thể được chỉ định để sử dụng, tuy nhiên cũng chỉ áp dụng được  trong 30% trường hợp, thường ở những tổn thương khu trú và nông

Các phương pháp khác như là sử dụng các vạt da cân, vạt da cơ để che phủ các ổ loét rộng, ưu điểm của các vạt da cơ là cung cấp lượng lớn tổ chức có nguồn cấp máu nuôi tốt, tính chất tổ chức ổn định, giảm đến mức tối thiểu các biến đổi chức năng ở vùng kế cận.

Cách tốt nhất để tránh được những vết loét và biện pháp can thiệp ngoại khoa ở những bệnh nhân liệt, nằm lâu là dự phòng và xử lý vết loét ở những dấu hiệu đầu tiên.

Lưu ý:

Nên dự phòng chống loét ép hơn là điều trị loét ép.

Những người bệnh dễ bị loét ép nên cho nằm trên đệm nước, thay đổi tư thế, xoa bóp thường xuyên, …

Theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu khởi đầu của loét ép.

Giữ cho da người bệnh sạch sẽ và khô ráo ngay mỗi khi bẩn, ẩm ướt.

Chế độ ăn cần nhiều chất đạm và vitamin để mau chóng lành vết thương.

Yhocvn.net

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

6 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

6 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago