Categories: Tin tức y học

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Các mẹ dừng ngay thói quen lên facebook hỏi đơn thuốc, mua thuốc qua mạng

Lên facebook hỏi đơn thuốc, mua thuốc qua mạng đã trở thành thói quen của không ít người dân trong xã hội phát triển công nghệ thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

Gặp họa khi tin vào “bác sĩ google”

Vào hội, nhóm của các mẹ đang nuôi con nhỏ, không khó để bắt gặp những status hỏi cách chữa bệnh, dùng thuốc, thậm chí là mượn đơn thuốc, chẳng hạn như: “Các mẹ ơi, con mình bị như thế này dùng thuốc gì bây giờ nhỉ. Trời lạnh ngại đi khám bác sĩ quá!”; “Cháu nhà mình ho hắng mấy hôm nay rồi, có bé nào như vậy không cho mình đơn thuốc với”; hoặc “Viêm da cơ địa bôi kháng sinh gì cho nhanh khỏi được mọi người ơi, con tớ bị mấy tháng nay rồi không khỏi”…

Tò mò về những đơn thuốc được chia sẻ trên mạng xã hội, PGS. Dũng đã thử lên mạng tìm các “bác sĩ google” để tra tên thuốc và xem trên mạng người ta hay khuyên nhau như thế nào. Thật bất ngờ, PGS. Dũng cho biết: “Khi vào các trang mạng không phải chuyên ngành y học, tôi thống kê thấy cứ 10 tin bài khuyên nhau uống thuốc này, thuốc kia, chữa bệnh theo phương pháp này, phương pháp kia thì có tới 8 phương pháp sai. Còn lại là nửa đúng, nửa sai. Và nếu chúng ta cứ lấy thông tin không có căn cứ lan truyền trên mạng để chữa bệnh thì tỉ lệ sai rất cao sẽ rất nguy hiểm, bệnh không khỏi lại tốn kém tiền bạc”.

Mua thuốc qua mạng đã trở thành thói quen của không ít người dân nhưng rất dễ gây hại. Ảnh minh họa.

Trong thực tế quá trình điều trị hàng chục năm qua cho các bệnh nhi, PGS. Dũng chia sẻ, ông đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, chỉ vì bố mẹ quá tin vào “bác sĩ google” khiến bệnh tình của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng nặng. Điển hình là trường hợp một cháu bé mới 2 tháng tuổi bị ho nhưng mẹ cháu bé đã lên mạng hỏi uống thuốc gì và áp dụng cho trẻ uống mà không biết rằng, tình trạng của trẻ 2 tháng tuổi diễn biến rất nhanh, buổi sáng cháu còn rất bình thường nhưng sang chiều đã nặng, biến chứng viêm phổi.

“Khi vào viện, bà mẹ khóc lóc bảo rằng con tôi buổi sáng vẫn bình thường, tại sao bây giờ lại viêm phổi được. Đây là điều đáng tiếc bởi viêm phổi ở trẻ sơ sinh không dễ nhận biết và cha mẹ không đưa con đi bác sĩ mà cứ tự theo dõi, tự ý cho con uống thuốc dẫn đến biến chứng nhanh và nặng”- PGS. Dũng cảnh báo.

Lại có trường hợp, con không bị bệnh nhưng cứ nghĩ con mình bị bệnh và cho dùng thuốc một cách vô tội vạ. Trường hợp này rất đặc biệt, PGS. Dũng kể, cháu bé từ tận Buôn Ma Thuột xa xôi ra khám. Cháu vốn khoẻ mạnh, xinh xắn, tự dưng mọi người cứ bảo cháu bị hen, sau đó phụ huynh đã tra mạng và cho uống không biết bao nhiêu loại thuốc. Chỉ đến khi mụn mọc đầy mặt, lưng của cháu, gia đình mới đưa đi khám. Hóa ra, các bác sĩ cho biết, cháu không hề bị hen, nhưng lại bị tác dụng phụ của thuốc có chứa corticoid làm cho toàn thân mọc đầy mụn quá nguy hiểm.

Dùng thuốc không được tùy tiện

PGS. Dũng khuyến cáo, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên chỉ có bác sĩ và dược sĩ mới có thể tư vấn và cung cấp thuốc. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, dược sĩ cũng chỉ được tư vấn cho bệnh nhân nhóm thuốc không cần đơn thuốc. Còn các thuốc bắt buộc phải kê đơn thì bắt buộc phải có đơn thuốc do bác sĩ kê đủ liều lượng, đủ thời gian…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng.

Tuy nhiên, hiện nay xảy ra tình trạng đáng báo động là việc người dân tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc một cách dễ dàng, chỉ cần mô tả lại triệu chứng mình gặp phải là có thể mua thuốc, kể cả thuốc kháng sinh bắt buộc phải kê đơn. Đối với người lớn thì tình trạng mua thuốc kháng sinh còn phổ biến hơn, ho mua thuốc kháng sinh, hơi sốt cũng mua thuốc kháng sinh mà không cần biết nguyên nhân từ đâu. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe.

“Mỗi loại thuốc khi uống vào cơ thể đều phải chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận, do đó nếu dùng lâu dài – nhất là thuốc kháng sinh dễ gây hại, chưa kể là bị dị ứng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được phân làm nhiều nhóm, mỗi loại kháng sinh chỉ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn nhất định, bệnh nặng hay nhẹ, thuốc uống hay tiêm, thời gian ngắn hay dài, dùng cho phụ nữ khác, người già khác, trẻ em khác… đều do bác sĩ chỉ định. Việc tự ý mua thuốc về uống, tự ý tăng hoặc giảm liều, cắt thuốc sẽ rất nguy hiểm tuy nhìn bề ngoài, người bệnh có thể khỏi về mặt lâm sàng, triệu chứng nhưng thực tế vi khuẩn vẫn còn và bệnh sẽ tái phát, hoặc vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị”- PGS. Dũng nhấn mạnh.

Dương Hải

Nguồn: SKDS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

3 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

3 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

5 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

6 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

1 week ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago