Người mắc đái tháo đường cần phải theo dõi lượng đường trong máu hàng ngày. Nên ăn gì hay tránh ăn gì luôn là vấn đề được người bệnh quan tâm hàng đầu. Dưới đây là những loại thực phẩm người mắc đái tháo đường type 2 nên tránh xa để không bị tăng đường huyết.
Đồ ngọt
Các loại nước ngọt có gas, kẹo, món tráng miệng và các loại thực phẩm nhiều đường khác được coi là các thực phẩm carbohydrate (chất bột, đường)chất lượng thấp. Chúng là những thực phẩm không chứa nhiều dinh dưỡng, có thể làm tăng cao lượng đường trong máu và làm bạn tăng cân. Cả hai vấn đề trên đều làm trầm trọng thêm các biến chứng bệnh đái tháo đường.
Các loại đồ ngọt làm tăng lượng đường trong máu và làm bạn tăng cân
Thay vì ăn bánh, kẹo, nước ngọt có gas, hãy ăn các loại trái cây tươi như táo, dâu, lê, hoặc cam. Đây là những thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu glucose, do đó giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.
Nước ép hoa quả
Những người mắc đái tháo đường nên tránh các loại nước ép hoa quả, kể cả các loại nước ép nguyên chất. Nước ép trái cây có chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với nước ngọt có gas, nhưng khi dùng nước ép, chúng ta đã vô tình bỏ qua một lượng lớn chất xơ (giúp làm chậm hấp thu đường) nên khiến đường huyết tăng cao sau khi sử dụng.
Nếu bạn muốn có một loại thức uống giải khát, hãy dùng các loại nước không có calorie hoặc nước khoáng tự nhiên.
Trái cây sấy khô
Mặc dù trái cây sấy khô có chứa chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng, nhưng quá trình sấy khô làm mất nước, khiến các loại đường tự nhiên được tập trung lại. Chính vì vậy, khi ăn các loại trái cây sấy khô, lượng đường trong máu của bạn vẫn có khả năng tăng vọt.
Các loại trái cây sấy khô cũng có thể khiến lượng đường huyết tăng vọt
Tốt nhất bạn nên hạn chế các loại trái cây sấy khô và ăn nhiều các loại trái cây tươi như bưởi, dưa đỏ, dâu tây và quả đào.
Thực phẩm nhiều tinh bột như gạo trắng, bánh mì
Những thực phẩm nhiều tinh bột như gạo trắng, bánh mì, mì ống,… là những thực phẩm carbohydrate chất lượng thấp. Carbohydrate trong những thực phẩm này hoạt động như đường khi được cơ thể tiêu hóa, có nghĩa là chúng cũng can thiệp vào lượng đường trong máu của bạn.
Bạn nên chuyển sang sử dụng các loại gạo nâu, lúa mạch, bột yến mạch, ngũ cốc nhiều chất xơ, và bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt…
Các sản phẩm từ sữa còn nguyên chất béo
Các chất béo bão hòa trong các sản phẩm từ sữa có thể làm tăng các cholesterol xấu (LDL) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Những chất béo bão hòa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin ở những người bị đái tháo đường.
Các sản phẩm từ sữa còn nguyên chất béo có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh đái tháo đường
Người mắc đài tháo đường nên tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa như kem, sữa chua còn nguyên chất béo, pho mát,… Thay vào đó hãy sử dụng các sản phẩm từ sữa tách béo.
Mỡ động vật
Mỡ động vật rất giàu các chất béo bão hòa. Các chất béo bão hòa làm tăng cholesterol trong máu và thúc đẩy quá trình viêm nội sinh trên khắp cơ thể. Chính vì vậy, mỡ động vật rất có hại cho những người bị đái tháo đường do chúng làm tăng cao nguy cơ bệnh tim.
Bạn có thể chọn các loại protein nạc như thịt gà (không da), gà tây, các loại hải sản như cá, sò,… Hạn chế sử dụng các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn hoặc chỉ sử dụng các loại thịt đỏ nhiều nạc.
Các loại đồ ăn vặt và đồ chiên, nướng
Ngoài việc chứa nhiều đường, muối và chất bảo quản, các loại đồ ăn vặt và đồ chiên, nướng như khoai tây chiên, bánh quy, bánh rán,… thường có nhiều chất béo không bão hòa. Các chất béo không bão hòa làm tăng các cholesterol xấu (LDL), đồng thời làm giảm các cholesterol tốt (HDL), làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Bạn nên kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo chúng không chứa các chất béo không bão hòa. Tốt nhất là cung cấp các chất béo lành mạnh cho cơ thể từ cá hồi, các loại hạt, bơ, dầu olive và dầu hạt cải.
Đồ uống có cồn
Rượu có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Chính vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu muốn sử dụng các loại đồ uống có cồn. Nếu bạn muốn uống rượu, chỉ nên uống ở một mức điều độ. Điều này có nghĩa là không nên uống nhiều hơn 150ml rượu vang, 350ml bia, hoặc 40ml rượu 1 ngày.
Ngoài một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và các loại thuốc điều trị, bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tránh các nguy cơ biến chứng đái tháo đường.
Yhocvn.net (lược dịch theo Health.com)
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…