Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10).
Theo Daily Mail, rượu chứa ancol etylic, chất hóa học rất độc hại cho cơ thể vì ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, các cơ quan quan trọng trong cơ thể, sinh ra nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến gan, hệ thần kinh, tim mạch…
Tháng 1/2016, Cơ quan y tế của Vương quốc Anh đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn thay thế cho khuyến nghị cũ được ban hành từ năm 1995, trong đó cảnh báo rằng uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần (1 đơn vị uống của Anh tương đương với 8 gram cồn nguyên chất). Tuy nhiên không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Rượu bia có thể gây ra nhiều thể hại như:
Mức nguy cơ thấp:
Để giảm thiểu nguy cơ, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Mức có hại (hazardous use):
Là mức độ/cách thức sử dụng làm tăng nguy cơ gây hại đối với sức khỏe và hậu quả xã hội. Mặc dù có thể chưa chịu các tác hại trực tiếp về sức khoẻ nhưng có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh tim mạch,…), nguy cơ chấn thương, bạo lực hay các hành vi liên quan đến pháp luật, giảm khả năng làm việc, các vấn đề xã hội do nhiễm độc rượu bia gây nên.
Mức nguy hiểm (harmful use):
Là mức độ/cách thức sử dụng gây ra các hậu quả có hại đối với sức khỏe về thể chất hay tâm thần hoặc các hậu quả xã hội.
Nghiện:
Là tình trạng lệ thuộc vào rượu bia, đặc trưng bởi sự thèm muốn (nhu cầu uống mãnh liệt), mất kiểm soát (không thể ngừng uống mặc dù rất muốn dừng), tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng đến thể chất.
Một số bệnh điển hình có nguy cơ mắc phải do rượu được các bác sĩ khuyến cáo như:
Bệnh tim mạch
Uống nhiều rượu, nhất là nghiện rượu, sẽ làm cho các tiểu cầu trong máu có khuynh hướng tạo thành cục máu đông, nguyên nhân dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng say rượu tăng nguy cơ tử vong gấp đôi ở những người sống sót sau một cơn đau tim.
Rượu cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, tình trạng nguy hiểm làm cơ bắp tim suy yếu, đồng thời làm loạn nhịp tim. Lâu dần gây ra hỗn loạn co giật trong tâm thất, làm mất ý thức nhanh chóng, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây tử vong.
Huyết áp cao
Rượu có thể làm gián đoạn quá trình giao cảm của hệ thần kinh, đó là hệ thống kiểm soát sự co giãn của mạch máu để đối phó với stress, nhiệt độ, sự gắng sức và những yếu tố môi trường khác. Uống rượu, đặc biệt là nghiện rượu, sẽ làm huyết áp tăng cao. Nếu tình trạng này kéo dài, những ảnh hưởng trên sẽ thành mãn tính. Huyết áp cao còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác bao gồm cả bệnh thận, bệnh tim và đột quỵ.
Gout
Bệnh gout là một tình trạng viêm hình thành do sự tích tụ của axit uric ở các khớp và gây ra đau đớn. Ngoài yếu tố di truyền, rượu và chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò lớn gây ra bệnh gout. Những người bệnh gout uống nhiều rượu sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn.
Tổn thương thần kinh
Uống nhiều rượu cũng có thể gây ra tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh do rượu, có các triệu chứng như kim châm, yếu cơ, táo bón, tiêu tiểu không tự chủ, rối loạn chức năng cương dương. Nguyên nhân xuất hiện các tổn thương này là do rượu gây độc cho tế bào thần kinh. Bên cạnh đó, những người uống nhiều rượu thường ăn ít, thiếu chất, dễ bị suy dinh dưỡng, cũng làm suy giảm chức năng tế bào thần kinh.
Viêm tụy
Không chỉ gây viêm dạ dày, uống nhiều rượu còn gây ra viêm tụy. Viêm tụy mãn tính sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, thường là nguyên nhân của đau bụng và tiêu chảy kéo dài mà khó điều trị khỏi. Những trường hợp viêm tụy mãn tính khác có nguyên nhân do sỏi, nhưng có đến 60% các sỏi này là do rượu.
Thiếu máu
Uống nhiều rượu có thể làm giảm đột ngột số lượng hồng cầu trong máu giúp vận chuyển oxy để nuôi cơ thể, gây ra thiếu máu. Những người thiếu máu thường bị các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, chóng mặt và kém minh mẫn.
Loãng xương
Uống rượu thường xuyên làm xương trở nên mỏng và yếu, dễ dẫn đến loãng xương. Điều này đồng nghĩa với việc những người nghiện rượu có khả năng cao bị gãy xương và lâu lành. Giải thích về điều này, Sarah Leyland, quản lý cấp cao tại Tổ chức loãng xương quốc gia, Hiệp hội Y học Mỹ cho biết trong cơ thể, quá trình bình thường của xương được xây dựng và tái tạo theo chu kỳ. Rượu làm đảo lộn sự cân bằng này bằng cách ức chế các tế bào tạo xương, gọi là nguyên bào xương. Điều đó có nghĩa mô xương được nhận ít hơn nên mỏng và nhỏ hơn.
Xơ gan
Rượu là chất độc của các tế bào gan, những người nghiện rượu lâu năm dễ bị xơ gan do mô gan biến thành sẹo và mất chức năng hoạt động. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định tất cả những người uống rượu sẽ phát triển thành xơ gan, vì có những người uống rất nhiều rượu mà không hề bị xơ gan, trong khi có những người uống rất ít lại bị xơ gan. Đặc biệt, phụ nữ uống rượu dễ bị xơ gan hơn nam giới.
Ung thư
Theo tiến sĩ Jurgen Rehm, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Toronto, thói quen uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học tin rằng, nguyên nhân là do cơ thể chuyển hóa rượu thành aldehyde, chất gây ung thư mạnh. Bệnh ung thư ở người sử dụng rượu thường liên quan đến miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, vú, và vùng trực tràng. Nguy cơ ung thư càng tăng khi những người uống rượu kèm hút thuốc lá.
Mất trí nhớ
Ở người già, bộ não teo lại, trung bình 1,9% mỗi thập kỷ. Đó là một chu trình bình thường ở những người không uống rượu. Tuy nhiên, khi uống rượu, tốc độ teo lại của một số vùng quan trọng điểm trong não tăng nhanh hơn, dẫn đến mất trí nhớ và một số triệu chứng khác như suy giảm khả năng tính toán, phán xét và khả năng giải quyết vấn đề.
Động kinh
Uống nhiều rượu có thể gây ra chứng động kinh, co giật, kể cả những người chưa từng bị động kinh. Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến những phương pháp và các loại thuốc dùng để điều trị co giật.
Bệnh truyền nhiễm
Uống nhiều rượu gây ức chế hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các bệnh nhiễm trùng như lao, viêm phổi, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những người say rượu còn có nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn. “Say rượu tăng khả năng mắc bệnh tình dục gấp 3 lần so với việc không uống rượu”, tiến sĩ Jurgen cho biết.
Vô sinh
Rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng và hiệu suất “yêu” của nam giới vì nó gây ra rối loạn chức năng cương dương tạm thời. Về lâu dài, điều này làm giảm nồng độ testosterone, dẫn đến mất ham muốn tình dục, gây hại tinh hoàn và tinh trùng. Uống rượu nhiều còn khiến tinh hoàn co lại, dẫn đến liệt dương.
Ở phụ nữ, rượu có thể gây ra sự mất cân bằng hormone kiểm soát sinh sản, thậm chí một lượng rượu nhỏ vẫn ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới và làm giảm cơ hội thụ thai. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy phụ nữ uống 6 đơn vị rượu (khoảng 150 ml) mỗi tuần làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới là 18%, nam giới là 14%. Phụ nữ mang thai uống rượu có nguy cơ sảy thai cao.
Những căn bệnh nguy hiểm do sử dụng rượu, bia
Yhocnvn.net
Các căn bệnh tiêu hoá thường gặp trong mùa thu đông như viêm loét dạ…
Bệnh gan nhiễm mỡ là một trong những nguy cơ dẫn đến xơ gan, suy…
Trong các loại hình thể thao, bơi phối hợp các động tác vận động toàn…
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận chức năng…
Trong cuộc sống, hiện tượng đỏ mặt chỉ xảy ra khi đi nắng, uống rượu…
Trong cuộc sống có những thời điểm không thể tránh khỏi hơi thở có mùi…