Mới 10 tuổi mà bé chỉ có thể nhìn mọi vật như qua ống nhòm, nguy cơ mù do nhỏ thuốc mắt chứa corticoid trong thời gian dài.
Theo bác sĩ Phạm Thu Hà, khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), bé đang được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp, thuốc chống dị ứng…, mục đích bảo tồn thị lực hiện tại. Bệnh nhi được gia đình đưa vào viện khám khi đã bị viêm kết mạc dị ứng rất nặng, đục thủy tinh thể do corticoid, dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng trầm trọng. Thị trường mắt (khoảng không gian mắt bao quát được) bị thu hẹp lại, trẻ như nhìn qua ống nhòm.
“Đáng tiếc là những tổn thương này không thể sửa chữa được. Điều bác sĩ có thể làm là cố giữ lại thị lực của trẻ, giữ cho ‘ống nhòm’ đó không bị hẹp lại song rất khó vì trẻ mới 10 tuổi”, bác sĩ Hà nói. Hơn nữa trẻ nhỏ đáp ứng điều trị kém hơn người lớn nên tỷ lệ tái phát rất cao.
Gia đình cho biết ban đầu bé chỉ bị viêm kết mạc dị ứng, người nhà ra hiệu thuốc gần nhà hỏi và được bán một loại thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Nhỏ 1-2 ngày, bé hết ngứa, mắt trắng ra, thân nhân nghĩ là thuốc hiệu quả. Viêm kết mạc dị ứng là bệnh lý cơ địa, điều kiện khí hậu tại nước ta khiến trẻ bị tái phát rất nhiều lần. Mỗi lần như vậy, gia đình lại mua loại thuốc corticoid về nhỏ mắt cho con. Dần dần thuốc không còn hiệu quả, mắt trẻ không hết bệnh mà ngày càng đỏ, nhìn mờ dần, người nhà mới đưa con đi khám thì đã muộn.
“Việc bé bị suy giảm thị lực là điều vô cùng đáng tiếc. Nếu không dùng thuốc chứa corticoid kéo dài thì mắt trẻ sẽ không chịu ảnh hưởng nặng nề như thế”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Glaucoma, được gọi nôm na là glôcôm hay thiên đầu thống, cườm nước là bệnh thường gặp, nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới.Theo bác sĩ Hà, bệnh rất phổ biến tại Việt Nam trong khi người dân ít hiểu biết về bệnh. Rất nhiều người, thậm chí trẻ nhỏ gặp nạn do nhỏ thuốc mắt chứa corticoid kéo dài. Nhiều trẻ đến khám thì đã bị glôcôm giai đoạn muộn, gần mù, thậm chí hỏng thị lực. Những tổn thương mù lòa này không thể sửa chữa được.
Corticoid là thuốc chống viêm được sử dụng rộng rãi trong nhiều chuyên khoa trong đó có mắt, nhưng nó gây nhiều tác dụng phụ. Với mắt, corticoid chủ yếu gây đục thủy tinh thể và bệnh glôcôm. Trong khi đó mua thuốc nhỏ mắt corticoid ở Việt Nam rất dễ dàng.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân không được tự ý mua thuốc điều trị mắt. Nhóm có nguy cơ cao cần đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bảo tồn thị lực. Nếu có các biểu hiện như đau đầu từng thời điểm, mờ mắt, cảm giác căng tức mắt thoáng qua… thì nên đi khám chuyên khoa mắt. Bệnh tiến triển mãn tính suốt đời, có thể biến chuyển nặng hoặc tái phát sau điều trị. Vì thế người bệnh cần theo dõi chặt chẽ đều đặn suốt cuộc đời.
Tuần lễ Glôcôm thế giới diễn ra từ ngày 12/3 đến 18/3 năm nay với chủ đề Phát hiện và kiểm soát bệnh glôcôm. Tại Hà Nội, ngày 14/3, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mittinh hưởng ứng tuần lễ, khám tư vấn miễn phí cho 100 bệnh nhân.
Yhocvn.net (Theo VnExpress)
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…