Categories: Tin tức

‘Người Việt dùng thuốc Việt’ tuỳ thuộc vào thầy thuốc

Đây là khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Bộ Y tế và một số cơ sở y tế như Bệnh viện Nhi Trung ương, Công ty Cổ phần Traphaco vào ngày 29/10.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhânphát biểu tại Bộ Y tế.

Cùng đi có ông Phạm Viết Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối các Doanh nghiệp Trung ương; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc; Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cùng đại diện các Bộ Công Thương, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Tỷlệ tiêu thụ thuốc Việt trong các bệnh viện còn thấp

Báo cáo của Bộ Y tế về kết quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, từ năm 2012, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động này, mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Trong năm 2014, 2015, Bộ Y tế triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, triển khai hội thi tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”…

Cùng với đó, nhiều chính sách, cơ chế ưu tiên thuốc Việt cũng được ban hành nhằm ưu đãi đầu tư và ưu tiên lựa chọn trong đấu thầu tại các cơ sở y tế đối với những trang thiết bị y tế trong nước đã sản xuất được có chất lượng…

Đứng trước đề án triển khai mang tính thực tiễn của Bộ Y tế, Công ty dược Traphaco đã đồng hành cùng chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”.

Chương trình đã góp phần quan trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để thầy thuốc và người dân Việt Nam thêm tin tưởng vào chất lượng thuốc Việt, ưu tiên lựa chọn sử dụng thuốc Việt được đầu tư nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả cao trong điều trị với chi phí hợp lý hơn thuốc ngoại.

Để người dân tin dùng, Traphaco đã lựa chọn con đường phát triển thuốc từ dược liệu, dùng nguyên liệu Việt để sản xuất thuốc cho người Việt.

Tuy nhiên, hiện nay, dù một số loại thuốc được thuốc được bán rộng rãi trên thị trường nhưng để vào được các bệnh viện, nhất là bệnh viện công còn nhiều gặp khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, chủ trương khuyến khích dùng thuốc Việt đã được pháp quy hóa chứ không chỉ dừng lại ở vận động, thuyết phục, khuyến khích.

Tuy nhiên, hạn chế là chỉ có 11/24 Bệnh viện Trung ương được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, chỉ đạo sát sao và đã xây dựng một số chính sách chỉ đạo cụ thể.

Một số bệnh viện tuyến cuối, do đặc thù riêng nên tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Lão khoa Quốc gia.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số danh mục thuốc sản xuất trong nước hàng năm đều tăng. Nếu như năm 2013 là 113 danh mục thuốc thì 6 tháng đầu năm 2016 là 117 thuốc các loại.

Tuy nhiên, theo ông Hải, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện vẫn còn thấp.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhândẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát tại bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải cho lý do này là bởi đây là bệnh viện tuyến cuối nên khi bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên đã là bệnh nặng, bệnh khó, bệnh bẩm sinh phải dùng các loại thuốc đặc trị nhập từ nước ngoài.

Chưa kể đến tâm lý của ngay bản thân thầy thuốc và người bệnh thích sử dụng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền.

Để hạn chế việc này, Bệnh viện Nhi Trung ương đang xây dựng những phác đồ chuẩn trong việc điều trị giảm hạn chế sử dụng thuốc đắt tiền, không lạm dụng việc kê đơn thuốc trong việc điều trị nội trú cũng như ngoại trú.

“Bệnh nào sử dụng thuốc nấy, chẳng hạn những bệnh đơn giản như hắt hơi xổ mũi thông thường có thể sử dụng thuốc của Việt Nam, không lạm dụng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền. Còn đối với những bệnh khó, bệnh nặng buộc phải sử dụng thuốc nhập ngoại”, ông Lê Thanh Hải khẳng định.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng thuốc Việt trong bệnh viện, ông Hải đề xuất, Bộ Y tế cần tạo cơ chế thuận lợi trong công tác đấu thầu với các nhà sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cần nâng cao hơn nữa chất lượng bào chế để chứng minh được hàng sản xuất trong nước không kém hàng nước ngoài.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng sẽ quyết tâm nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền đến thầy thuốc và bệnh nhân về việc lựa chọn và sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

Cần sự đột phá

Trao đổi về vấn đề này, các thành viên trong đoàn kiểm tra đã đặt ra nhiều câu hỏi với lãnh đạo Bộ Y tế trong buổi chiều cùng ngày.

Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay, nhiều quốc gia không có Bộ Khoa học – Công nghệ, nước nhỏ không có Bộ Quốc phòng, nhưng nước nào cũng có Bộ Y tế.

Cho nên việc tranh cử ở các nước phát triển luôn có chương trình chăm sóc sức khỏe.

Hiện nay, tổng chi cho Y tế của Việt Nam vào khoảng 6% GDP, đây là con số rất lớn. Có điều đặc biệt là dân chi lớn hơn cả BHYT và BHXH.

“Người dân trực tiếp chi cho y tế là rất lớn, hơn ½ chi phí của Chính phủ cho Y tế. Nếu bảo hiểm và ngân sách chi cho y tế áp đảo tổng chi của người dân cho y tế thì chương trình này sẽ khác. Bởi lẽ, người dân không thể lúc nào cũng biết được mình sẽ dùng thuốc gì trong y tế”, ông Tạc khẳng định.

Chia sẻ với ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng, đối với các trang thiết bị và các thuốc đặc chủng, Việt Nam còn lâu mới “với tới được”. Vì vậy, ngành y tế nên tư vấn cho nhà nước xem các thiết bị nào, thuốc nào chúng ta có thể sản xuất được trong tương lai gần.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc, hiện nay, các nước trong nhóm G7 đang tập trung vào việc xuất khẩu vũ khí, ô tô, máy bay, phần mềm, hóa dược.

Trong đó, loại hàng hoá mang lại “thu nhập khủng khiếp” cho G7 là hóa dược, tập trung tại những ngành có truyền thống nhiều thế kỷ. Khi họ tìm ra một loại thuốc, sẽ có siêu lợi nhuận.

Báo cáo của Bộ Y tế đặt mục tiêu 80% tiêu thụ thuốc sản xuất trong nước.

Lưu ý về mục tiêu này, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ khối các doanh nghiệp Trung ương, nêu thực tế từ 2010-2015, chỉ có vài bệnh viện đạt 80% tiêu thụ thuốc Việt, còn ở các bệnh viện khác thậm chí chỉ đạt 30%.

Vậy từ năm 2016-2020, liệu có thể đạt được tỉ lệ 80% thuốc nội tiêu thụ ở các bệnh viện không? “Có lẽ cần đột phá”, ông Thanh khẳng định.

Cũng theo ông Thanh, tại phòng khám các huyện tỉ lệ sử dụng thuốc nội địa cũng khác nhau, các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương cũng tương tự.

Thuốc, dược phẩm là một loại hàng hoá rất đặc thù. Việt Nam gia nhập WTO và TPP thì đều hướng tới mở cửa thị trường, lộ trình giảm thuế quan sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dược liệu nước ngoài bên ngoài vào.

Trong khi đó, không chỉ thuốc, mà các loại hàng hóa khác đang bị ràng buộc bởi tỉ lệ quảng cáo, tiếp thị, phân phối.

Trước thách thức này, ông Phạm Viết Thanh nêu vấn đề, sản phẩm, kể cả dược phẩm, thuốc của Việt Nam không đủ chi phí để đến với người tiêu dùng, kém hơn so với sản phẩm nước ngoài sẽ đẩy rủi ro về phía nhà sản xuất.

Trong đó, chi phí quảng cáo, tiếp thị không đủ liệu có phải là lý do khiến chính sách người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đối với thuốc nội chưa có hiệu quả như mong muốn?

Trao đổi với các đại biểu về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế cho rằng, khái niệm "sử dụng thuốc sản xuất trong nước" đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.

Tuy nhiên, để nhận thức này lan rộng và mang tính bền vững, các đơn vị trong ngành cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện đề án tại đơn vị.

Trog thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp và hỗ trợ Hội Dược học Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện khảo sát, đánh giá “Chuỗi thuốc Việt” từ sử dụng đến sản xuất, từ đó đưa ra những kiến nghị về chính sách để đẩy mạnh cuộc vận động dùng thuốc Việt.

Giá, chất lượng như nhau nên ưu tiên hàng Việt

Đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm chính trị của ngành y tế trong việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam để hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Bộ Y tế là một trong những bộ đầu tiên có kết quả tương đối sớm về phát triển đồng bộ chủ trương, chính sách trong việc thực hiện cuộc vận động này.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, việc vận động người Việt dùng hàng Việt nhưng phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt.

“Nếu được lựa chọn thì tôi mua cái rẻ hơn, giá như nhau thì tôi mua cái tốt hơn. Nếu yêu nước thì chọn lựa hàng Việt với giá tương đương, chất lượng tương đương”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là sản phẩm đưa ra phải tốt, tiếp thị hàng hóa phải sâu sát, giới thiệu hàng hóa cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết rõ tác dụng.

“Đối với thuốc, người dân không thể biết thuốc nào tốt, mà phải tùy vào thầy thuốc. Mua xe hơi thì có thể dễ, nhưng mua thuốc thì khó. Người Việt mua thuốc Việt tùy thuộc vào thầy thuốc Việt Nam. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định.

Mặt khác, y tế là ngành đặc thù, là ngành chữa bệnh cứu người, vì vậy yếu tố công nghệ, kỹ thuật trong y tế rất quan trọng. Đơn cử nội soi phải dùng robot, công nghệ nước ngoài. “Không nên gây ấn tượng cái gì cũng phải dùng hàng nội”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

Vì thế, để đẩy mạnh người Việt dùng hàng Việt phải làm từng bước để vận động, phải xây dựng hệ thống chính sách, kế hoạch triển khai, truyền thông. Trong đó, truyền thông rất quan trọng, nếu không có truyền thông, người dân không biết thuốc tốt ở đâu mà mua, hoặc không biết được đâu là sự lựa chọn tốt nhất.

Khẳng định chương trình “Ngôi sao thuốc Việt “ là một sáng kiến tốt, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế cần biểu dương những tấm gương sáng, đồng thời đánh giá sát về chính sách, kế hoạch triển khai và truyền thông để rút ra những bài học trong cuộc vận động này.

“Những chính sách gì vượt khỏi tầm của Bộ Y tế chúng tôi sẽ tiếp thu và bàn bạc sau” – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, trong hội nhập, quốc gia nào cũng phải cố gắng, quốc gia nào cũng phải bảo vệ mình, doanh nghiệp của mình nhưng cũng phải hội nhập. Hội nhập thì không thể tránh khỏi cạnh tranh, điều đó buộc các doanh nghiệp phải trưởng thành hơn, các chính sách phải có tác dụng hỗ trợ phát triển theo đúng thông lệ hội nhập.

Bài học rút ra là muốn thực hiện mục tiêu chung thì phải có chương trình, chính sách cụ thể của từng ngành. Chẳng hạn cơ sở khoa học để người Việt dùng thuốc Việt đã có, giải pháp tuyên truyền khá mạnh mẽ, xây dựng chính sách, biểu dương điển hình Bộ Y tế đều đã làm nhưng chế tài đối với những người không thực hiện thì lại chưa có.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế nên có chế tài thực hiện đồng thời tạo điều kiện để đẩy mạnh thi đua trong việc thực hiện cuộc vận động này.

Một bài học nữa cần rút ra là việc quản lý kênh phân phối bằng ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì hệ thống bán lẻ, việc này Công ty Dược Traphaco hiện đang làm tốt.

Điều này cho thấy, cuộc cạnh tranh bán lẻ hiện nay không chỉ là cạnh tranh địa bàn, mà còn là việc cạnh tranh phương thức quản lý hệ thống, áp dụng công nghệ thông tin.

– Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân-

Một số hình ảnh đoàn giám sát:

Dạ Yến

Ảnh:Hoàng Anh

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago