Không chỉ giúp bản thân khỏi bệnh, người phụ nữ này đã nghiên cứu và tuyên truyền phát hiện của mình, cứu thêm được rất nhiều bệnh nhân ung thư khác.
Năm 1993, căn bệnh ung thư vú quay trở lại ám ảnh Jane Plant lần thứ 5, sau lần đầu tiên phát hiện bệnh vào năm 1987. Lần này, bác sỹ cho biết có thể bà chỉ còn sống được thêm 5 tháng.
Là người mẹ 2 con, Giáo sư Plant thảo luận với chồng mình – cả hai đều là những nhà khoa học từng làm việc tại Trung Quốc về vấn đề môi trường – và nhận ra rằng phụ nữ tại đây vốn có tỷ lệ ung thư vú rất thấp: nghiên cứu dịch tễ học vào thập kỷ 70 đã cho thấy căn bệnh nguy hiểm này chỉ ảnh hưởng đến 1/100.000 phụ nữ Trung Quốc, so với con số 1/12 ở các nước phương Tây.
Các bác sỹ, giáo sư kỳ cựu người Trung Quốc xác nhận điều này với Giáo sư Plant, tuy nhiên nói rằng phụ nữ Trung Quốc theo chế độ ăn uống của phương Tây, chẳng hạn trong trường hợp đã ra nước ngoài sinh sống, thì chỉ trong vòng 1 thế hệ là đã “bắt kịp” tỷ lệ tại những nơi này. Điều đó khiến bà đặt ra câu hỏi, “Tại sao phụ nữ Trung Quốc sống ở Trung Quốc lại ít bị ung thư vú?” Chồng bà nhớ lại mình đã được đồng nghiệp cho sữa bởi họ không quen uống, và hai vợ chồng cùng nhận ra rằng vào thời điểm ấy, tại Trung Quốc không hề có ngành công nghiệp sữa.
Không còn gì để mất, giáo sư Plant lập tức chuyển sang chế độ ăn kiểu châu Á khi tiến hành hóa trị. Trước đó đã loại bỏ protein từ động vật (thịt, cá, trứng), nay bà cắt giảm thêm cả những chế phẩm sữa khỏi khẩu phần của mình. Trong vòng sáu tuần, cục u trên cổ bà biến mất, trong vòng 1 năm, bà hết bệnh, không còn bị căn bệnh ung thư quấy phá trong 18 năm.
Tin rằng quyết định thay đổi chế độ ăn của mình chính là “bài thuốc”, Giáo sư Plant tích cực nghiên cứu và tuyên truyền chế độ ăn không-sữa, thay vào đó chủ yếu dựa vào protein từ động vật, như đậu nành giống với chế độ ăn truyền thống của các nước châu Á, nhằm giúp phụ nữ tránh được ung thư vú, đàn ông tránh được ung thư tuyến tiền liệt.
Rất nhiều bệnh nhân ung thư khẳng định phương pháp này đã giúp họ hồi phục. Tuy nhiên, do những áp lực công việc, Giáo sư Plant lơ là trong việc theo đuổi chế độ ăn và lối sống mà mình đã duy trì trong gần 20 năm. Đến năm 2011, căn bệnh ung thư vú tái phát lần thứ 6. “Tôi quay lại ngay chỗ bác sỹ chuyên khoa ung thư, đồng thời cũng quay lại với chế độ ăn nghiêm ngặt của mình, đi bộ đều đặn và thiền tập.” Thần kỳ là chỉ vài tháng sau, một lần nữa, bà lại thoát khỏi ung thư.
Tuy thừa nhận các biện pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… rất quan trọng đối với mình, nhưng Giáo sư Plant tin rằng những thay đổi khác mình đã thực hiện về mặt dinh dưỡng và lối sống, loại bỏ căng thẳng, cũng quan trọng không kém, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng không chứa sữa. “Chúng ta luôn tin rằng sữa tốt cho mình, nhưng giờ đây đã có những bằng chứng cho thấy những hormone và yếu tố tăng trưởng có trong sữa không chỉ gây ung thư vú mà còn nhiều bệnh ung thư khác có liên quan đến hormone như ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn, buồng trứng.” Bà khẳng định lại, “Sữa bò chỉ tốt cho bê, chứ không phải chúng ta.”
Do nhiều người chúng ta nay đã quá quen với sữa trong khẩu phần của mình, người phụ nữ gần 30 năm chiến thắng ung thư này đưa ra những lời khuyên điều chỉnh:
– Thay sữa động vật bằng sữa hạnh nhân, đậu nành, sữa gạo…
– Thay pho mát bằng đậu phụ (đậu hũ);
– Thay bơ, margarine chứa sữa bằng các loại bơ hạt, bơ lạc (đậu phộng);
– Thay kem sữa bằng kem đậu nành, kem dừa hoặc các loại không chứa sữa khác;
– Thay sô-cô-la sữa bằng sô-cô-la đắng;
– Thay các loại dầu tinh chế bằng dầu oliu, thay đường tinh chế bằng đường mía thô, giảm muối và thay bằng các loại rau thơm, sử dụng các loại ngũ cốc thô, hạt, đậu, rau xanh và trái cây…
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: TTOnline