Một trong những biện pháp đang được thực hiện là lưu trữ trứng, tinh trùng trong ngân hàng đặc biệt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc duy trì và bổ sung số lượng trứng hay tinh trùng. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS.Hồ Sỹ Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia.
Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết hiện nay, ngân hàng trứng, tinh trùng đang áp dụng phương pháp gì để bảo quản chất lượng và số lượng tinh trùng, trứng?
PGS.TS.BS. Hồ Sỹ Hùng: Để bảo quản trứng và tinh trùng trong ngân hàng đặc biệt này, các cơ sở điều trị hiếm muộn đang áp dụng phương pháp trữ lạnh tinh trùng hoặc trứng ở nhiệt độ lạnh tới âm 196oC và thường được lưu trữ trong các bình chứa ni-tơ lỏng. Ở bất kỳ một trung tâm điều trị hiếm muộn nào cũng có thể áp dụng phương pháp trữ lạnh tinh trùng được. Tuy nhiên, lưu trữ trứng thì khó khăn hơn nên chỉ ở một số trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm mới có thể thực hiện được vì muốn trữ được trứng thì phải lấy được trứng nhưng quá trình này khá phức tạp, phải trải qua nhiều bước và thực hiện trong phòng labo như kích thích buồng trứng, chọc hút trứng…
Cho đến hiện nay thì phương pháp trữ lạnh thủy tinh hóa là phương pháp trữ lạnh hiệu quả nhất được áp dụng để trữ lạnh trứng, tinh trùng và phôi, phương pháp này cho tỷ lệ sống sau khi rã đông rất cao. Phôi sau rã đông khi chuyển vào tử cung sẽ có khả năng tiếp tục phân chia, làm tổ và phát triển thành thai nhi như bình thường.Thời gian lưu trữ có thể rất lâu. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định thời gian tối đa là bao lâu nhưng về lý thuyết có thể lưu tới 8-10 năm (tuy nhiên nếu càng lâu thì tỷ lệ bị thoái hóa càng cao).
Việc trữ lạnh tinh trùng hay trứng, phôi rất cần thiết cho một trung tâm điều trị hiếm muộn.Thứ nhất đối với trường hợp trữ lạnh tinh trùng, có rất nhiều tình huống cần thiết phải trữ lạnh mẫu tinh trùng như trường hợp người chồng chuẩn bị đi công tác xa, cần lưu trữ mẫu tinh trùng để điều trị, hay trước khi điều trị hóa chất, tia xạ trong ung thư. Trường hợp hiến, nhận tinh trùng cũng cần phải trữ lạnh hay thậm chí một số trường hợp nam giới có nhu cầu bảo tồn sinh sản cho bản thân mình cũng có thể trữ lạnh mẫu tinh trùng để sử dụng sau này. Thứ hai, đối với trường hợp trữ lạnh trứng thì ít hơn so với trữ lạnh tinh trùng. Một số phụ nữ có nhu cầu bảo tồn sinh sản, họ có thể trữ lạnh trứng để sử dụng sau hoặc các trường hợp hiến nhận noãn cho ngân hàng cũng có thể trữ lạnh trứng trong ngân hàng, tuy nhiên kỹ thuật này chưa được áp dụng ở nước ta vì nhu cầu chưa nhiều… Một tình huống bị động trong thụ tinh trong ống nghiệm phải trữ trứng nữa là vào ngày chọc hút trứng, người chồng không lấy được tinh trùng, lúc này bắt buộc phải trữ lạnh trứng lại chờ người chồng lấy tinh trùng sẽ rã đông trứng để cho thụ tinh với tinh trùng sau.
PV: Những trường hợp nào đủ điều kiện thực hiện biện pháp lưu trữ trứng và lưu trữ tinh trùng, thưa BS? Những trường hợp nào được nhận trứng và trong việc cho – nhận cần thực hiện theo yêu cầu gì?
PGS.TS.BS. Hồ Sỹ Hùng: Việc trữ lạnh trứng hay tinh trùng không thực sự bắt buộc phải có điều kiện nào. Miễn là người bệnh có nhu cầu trữ lạnh. Đối với lưu trữ tinh trùng thường thực hiện trong các trường hợp như trữ lạnh cho vợ điều trị hiếm muộn, bảo tồn khả năng sinh sản, tinh trùng hiến tặng… Tuy nhiên một số các bệnh lây truyền như viêm gan siêu vi B, nhiễm HIV, giang mai và Chlamydia trachomatis… vẫn cần phải được sàng lọc để phòng tránh lây nhiễm. Việc trữ lạnh tinh trùng dễ hơn nhiều so với việc trữ trứng vì số lượng tinh trùng rất nhiều và đối với nam giới thì không bị giới hạn về tuổi tác, còn đối với nữ thì khó khăn hơn. Chẳng hạn, để đảm bảo trứng đủ chất lượng, yêu cầu người cho trứng phải dưới 35 tuổi (vì khi càng lớn tuổi, số lượng trứng không còn đủ nhiều để có thể kích thích buồng trứng, chọc hút trứng ra để trữ lạnh)…
Với người nhận trứng, phải đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe và ở độ tuổi được quy định. Hai bên cho và nhận trứng phải vào bệnh viện hay các trung tâm được phép điều trị vô sinh để làm các thủ tục theo quy định, phải cam kết việc cho và nhận trứng là tự nguyện, không mua bán. Đặc biệt cần chú ý, các phòng mạch tư không được phép kích thích buồng trứng để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm mà phải được thực hiện tại bệnh viện hoặc các cơ sở điều trị hiếm muộn được sự cho phép của Bộ Y tế.
PV: Xin bác sĩ cho biết, hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản gặp khó khăn gì trong việc duy trì ngân hàng tinh trùng và trứng? Biện pháp nào đang và sẽ được thực hiện để khắc phục?
PGS.TS. BS Hồ Sỹ Hùng: Khó khăn chủ yếu là vấn đề ngân hàng tinh trùng. Thường thì không có người hiến nên ở các trung tâm điều trị vô sinh thường khan hiếm mẫu tinh trùng trong khi nhu cầu thực tế rất nhiều. Tỷ lệ nam giới vô sinh không có tinh trùng chiếm khoảng 2% quần thể nam giới trong đó chỉ có một số điều trị được, còn lại bắt buộc phải xin mẫu tinh trùng như trường hợp không có tinh trùng, tinh trùng bất thường nặng, bất thường về gen…Nhu cầu nhiều trong khi nguồn mẫu hiến thiếu nên đôi khi xảy ra nhiều vấn đề phức tạp như mua bán tinh trùng, mặc dù chúng ta có những quy định rõ trong việc hiến nhận mẫu tinh trùng.
Bên cạnh đó, đối với ngân hàng trứng cũng gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, vô sinh do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng có khoảng 5% số trường hợp cần đến trứng của người phụ nữ khác để điều trị do lớn tuổi, suy buồng trứng hay mắc bệnh lý khác… Nhưng số phụ nữ tự nguyện hiến trứng hay lưu trữ lại rất ít do việc chọc hút để lấy trứng là một quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, gây mê, tốn thời gian đi lại…
Mặc dù ngân hàng trứng, tinh trùng được chứng minh là rất cần thiết cho việc điều trị vô sinh vì nguyên nhân hiếm muộn do nam và nữ có tỉ lệ cao, chiếm 40% trong số các nguyên nhân gây vô sinh như nguyên nhân phối hợp hay không rõ nguyên nhân nhưng ở nước ta hiện nay mới chỉ có ngân hàng tinh trùng, chưa có ngân hàng trứng. Nguyên nhân là do để lấy và lưu trữ trứng đòi hỏi nhiều điều kiện ngặt nghèo, ngoài ra còn khó bảo quản vì chỉ có một thay đổi nhỏ khi đưa ra khỏi môi trường tự nhiên cũng đã bị hư hỏng không thể thụ thai được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Thu Lương (thực hiện)
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…