Đặc điểm của cây
Ngải cứu (diệp) tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ Cúc (Asteraceae). Hái cành và lá vào tháng 6 (tương ứng với ngày 5 – 5 âm lịch). Phơi trong râm cho khô.
Bộ phận dùng: lá. Dùng tươi thì rửa sạch giã vắt lấy nước uống.
Theo Đông y, ngải cứu vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tỳ, can, thận, có tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau.
Nếu phơi khô, vò nát thành ngải nhung, được dùng trong “cứu pháp” của châm cứu.
Kiêng kỵ: người huyết nhiệt, âm hư: không dùng.
Những bài thuốc kinh nghiệm
Trị kinh nguyệt (KN) ra nhiều, tử cung xuất huyết do suy nhược: ngải cứu 12 g, sinh địa 10 g, đương quy 10 g, bạch thược 5 g, xuyên khung 3 g. Sắc với 800 ml nước còn 300 ml, lọc bỏ bã, thêm 12 g a giao vào khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày (Giao ngải thang – Kim quỹ yếu lược).
Trị có thai 2 tháng mà thai bị động không yên: đại táo 12 quả, ngải cứu 24 g, sinh khương 24 g. Sắc uống (Bị cấp thiên kim yếu phương).
Trị tử cung lạnh làm cho vô sinh: bạch thược, đương quy, hương phụ (tứ chế), ngải cứu, thục địa, xuyên khung. Tán bột, làm viên. Ngày uống 12-16 g (Ngải phụ noãn cung hoàn – Nhân Trai trực chỉ phụ di).
Ngải cứu. |
Trị có thai bị thương hàn nóng đến nỗi phát ban, rồi lại biến ra nốt đen, tiểu ra máu: ngải cứu, viên lại to bằng quả trứng gà, sắc với 200 ml rượu, còn một nửa. Chia làm hai lần uống (Thương hàn loại yếu phương).
Trị phụ nữ bị các chứng hư, KN không đều, đau nhói do khí huyết, bụng sườn đầy trướng, chóng mặt, muốn nôn, băng lậu, đới hạ: đương quy, ngải cứu đều 80 g, hương phụ 240 g. Chưng với giấm nửa ngày, phơi khô, tán bột. Dùng giấm nấu với nếp làm hồ, trộn với thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 16-20 g (Ngải tiễn hoàn – Đông Viên thập thư).
Trị dọa sảy thai: ngải cứu, sa nhân đều 6 g; a giao (hòa vào uống), bạch truật đều 15 g; tô ngạnh, hoàng cầm đều 12 g; tang ký sinh, đỗ trọng đều 24 g. Tùy chứng gia giảm, sắc uống. Trị 45 ca dọa sảy thai chảy máu. Kết quả tốt 26 ca, có kết quả 16 ca, không kết quả 3 (Vương Trung Dân – Hà Bắc Trung y tạp chí 1985, 5 : 31).
Trị KN không đều, KN kéo dài, đau bụng lúc hành kinh: hương phụ, ngải cứu đều 500 g, tá dược vừa đủ 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 ml, uống 1 giờ trước bữa ăn sáng và tối (Cao hương ngải – Dược liệu Việt Nam).
Trị phụ nữ sau khi sinh bị suy nhược, biếng ăn, lạnh bụng…: ngải cứu 20 g, gà ác 1 con (200 g). Nấu chung, ăn gà, uống nước thuốc. Bài này dùng có kết quả rất tốt.
Trị động thai hoặc giảm đau thấp khớp: lá ngải cứu tươi 50 g, gạo tẻ 100 g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa, ăn liên tục 3-5 ngày.
Làm thuốc điều kinh: một tuần trước ngày kinh dự kiến, lấy mỗi ngày 6-12 g (tối đa 20 g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10 g) hay dạng cao đặc (1-4 g). Thuốc không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai. Nếu KN không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10 g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường chia uống 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
Giúp an thai: những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16 g lá ngải cứu, 16 g lá tía tô, cùng với 600ml nước, sắc còn 100 ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày.
Một số bài thuốc khác
Trị mụn cơm, mụn cóc: giã ngải cứu tươi đắp trên mụn cơm, mụn cóc nhiều lần mỗi ngày, thấy mụn bay mất trong 3 – 10 ngày.
Trị mụn trứng cá: lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho bạn làn da mịn màng và trắng hồng.
Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy ở trẻ: với những trẻ nhỏ thường hay bị rôm sảy, xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày, các nốt ngứa sẽ lặn mất.
Trị bong gân: lá ngải cứu khô 100 g (nếu lá tươi, chỉ cần giã dập), tẩm rượu hoặc giấm thanh, bó vào nơi bị tổn thương. Ngày bó 1 lần. Có thể bó 2 lần nếu chỗ tổn thương đau nhiều và sưng.
Dưỡng da mặt: ngải cứu rửa sạch và chần sơ với nước sôi. Vớt lên rồi thái nhỏ, đun sôi với 500 ml nước khoảng 20 phút. Lọc bỏ bã, nước để nguội sau đó đổ vào bình đậy kín nắp. Dùng nước ngải cứu để bôi lên mặt vào các buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ.
Tăng cường sức khỏe, chống mỏi mệt:
– Nấu nước lá ngải cứu, cho vào bồn tắm, nằm ngâm thân mình vào nước này. Làm theo cách này có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.
– Uống trà ngải cứu: dùng một thìa lá ngải cứu khô băm nhỏ cho vào cốc nước mới sôi. Đậy kín, sau 3 – 5 phút có thể uống, thêm một chút đường sẽ dễ uống hơn. Phương pháp uống trà này giúp lưu thông mạch, trừ rôm sảy, giảm viêm sưng, rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú và những người cần được bồi bổ.
Bổ não, tỉnh thần, làm nhẹ đầu sáng mắt: lá ngải cứu khô (hoặc dùng ngải nhung cũng được), cho vào vải, làm thành cái gối để gối đầu. Phương pháp này trước đây thường được các đạo sĩ, các bậc tu trì dùng, giúp cho đầu óc của họ lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thản, những người thường xuyên bị đau đầu do stress, do áp lực công việc, dùng gối đầu bằng ngải cứu sẽ tìm thấy niềm “thanh thản, nhẹ nhàng, khoan khoái”…
Theo Lương y Hoàng Duy Tân/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…