Để phòng chống muỗi hoạt động với mật độ cao gây phiền hà trong sinh hoạt và truyền một số bệnh nguy hiểm, các nhà khoa học đã cho rằng việc thay đổi mực nước là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để góp phần hạn chế muỗi phát triển. Ở các địa phương có điều kiện, nên áp dụng phương pháp này.
Thay đổi mực nước ở các hồ, triệt ấu trùng muỗi
Các nhà khoa học đã chứng minh việc thay đổi mực nước tại những hồ lớn chứa nước sinh hoạt hoặc tưới tiêu như hồ thủy điện, thủy lợi có thể hạn chế được sự sinh sản của muỗi bằng cách diệt được ấu trùng muỗi gồm bọ gậy và lăng quăng gần bờ, có khả năng xua ấu trùng muỗi ra khỏi các bụi cây gần bờ để chúng bị sóng nước phá hủy hoặc bị cá ăn. Đồng thời cũng có thể hạn chế các bụi cây cỏ mọc dọc theo bờ nhằm hạn chế chỗ cư ngụ của ấu trùng muỗi.
Theo nguyên tắc, khoảng cách về thời gian giữa các đợt thay đổi mực nước phải ngắn hơn vòng đời của ấu trùng muỗi, có nghĩa là trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày và mực nước phải được thay đổi cách nhau khoảng từ 30 – 40cm. Tại các vùng có trồng lúa, việc tưới tiêu đồng ruộng cách nhật cũng là phương pháp được sử dụng để phòng chống muỗi.
Thay đổi mực nước là một biện pháp triệt ấu trùng muỗi.
Thực tế ghi nhận việc xả nước cũng giống như biện pháp thay đổi mực nước. Phương pháp xả nước được áp dụng đối với những dòng suối nhỏ khi có nước chảy đều và chậm đủ để muỗi có thể đẻ trứng ở những nơi có nước lặng gần bờ. Sau đó chặn dòng nước lại rồi xả nước để làm trôi đi trứng, ấu trùng gồm bọ gậy và lăng quăng ra khỏi bờ hoặc bỏ chúng lại ở trên bờ.
Các nhà khoa học đã chứng minh, ở những vùng trồng cây cao su và chè ở một số nước tại khu vực Đông Nam Á, phương pháp xây đắp đập xả nước để thay đổi mực nước thường xuyên được ứng dụng có hiệu quả để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét Anopheles minimus và Anopheles maculatus.
Ở các hồ tự nhiên và hồ chứa nhân tạo, muỗi thường đẻ trứng dọc theo bờ hồ tại những nơi có bóng râm mát và cây cỏ để bảo vệ khỏi sóng nước và ánh sáng mặt trời.
Việc thay đổi mực nước có thể thực hiện bằng cách xây đắp một đập có cửa xả tại cửa thoát nước của hồ, đây là phương pháp thường được áp dụng phổ biến tại các hồ chứa nước nhân tạo như hồ thủy điện, thủy lợi.
Thực tế cho thấy mực nước hồ được dâng cao và hạ thấp theo chu kỳ khoảng từ 7 – 10 ngày, ngắn hơn thời gian của giai đoạn sinh trưởng ấu trùng muỗi ở trong nước sẽ làm giảm mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành. Ở những nơi cần thiết, có thể áp dụng thêm các biện pháp phụ trợ khác như dọn sạch cỏ, rác trên mặt hồ.
Tưới tiêu cánh đồng giúp thay đổi mực nước
Thực tế việc thâm canh lúa nước và các hoạt động khác cần tưới tiêu có thể tạo ra những điểm sinh sản cho các loài muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và một số loài muỗi Culex khác như Culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở châu Á.
Muỗi thường tìm nơi đẻ trứng ở hệ thống tưới tiêu hoặc gần hệ thống tưới tiêu được vận hành, duy tu và bảo dưỡng kém. Muỗi có thể đẻ trứng dọc các bờ kênh dẫn nước giữa những vùng trồng trọt.
Có thể ngăn ngừa các nơi sinh sản của muỗi trong các kênh mương dẫn nước bằng cách làm bờ dốc và dọn sạch cây cỏ. Việc này cũng có khả năng làm tăng tốc độ dòng chảy và có thể làm cho cá cũng như các loài côn trùng khác dễ dàng tìm thấy ấu trùng muỗi để ăn.
Đối với việc tưới tiêu, trong những giai đoạn nhất định của một vụ mùa thì cây lúa không cần phải cho ngập nước liên tục. Vì vậy, trên thực tế có thể làm khô ruộng lúa trong vòng 1 tuần hoặc từ 2 – 3 ngày để diệt ấu trùng muỗi.
Phương pháp này chỉ có thể thực hiện được nếu có đủ nước để tưới ruộng sau khi đã tháo hết nước. Tuy nhiên, việc tưới tiêu định kỳ phải do chuyên gia am hiểu vấn đề quyết định vì có liên quan đến các đặc điểm về hệ thống tưới tiêu, thổ nhưỡng, giống lúa và các nhân tố khác.
Các chuyên gia cũng cần quan tâm đến khả năng có ảnh hưởng tiêu cực như có thể tăng số lượng muỗi trong thời gian cho ngập nước cánh đồng.
Một vấn đề khác cần lưu ý khi áp dụng phương pháp tưới tiêu định kỳ là sự cần thiết phải giữ cho ruộng lúa ngập nước trong thời kỳ từ 2 – 3 tuần đầu sau khi gieo hạt để hạt lúa có thể phát triển.
Trong giai đoạn này, có thể phòng chống muỗi bằng các biện pháp khác. Nếu thả cá diệt ấu trùng muỗi, cần có những hố sâu ở các cánh đồng và kênh mương để cá có thể sống được trong thời kỳ khô hạn.
Việc dùng biện pháp tưới tiêu định kỳ cần phải được áp dụng đồng thời đối với tất cả các cánh đồng lúa trong cùng một khu vực suốt mùa trồng lúa. Tại một số quốc gia, luật pháp của nước sở tại có quy định phải làm khô ruộng trong các cánh đồng trong một số giai đoạn để góp phần phòng chống muỗi phát triển ở địa phương.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…