Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao không có rùa vẫn gọi là Hồ Con Rùa hay tại sao Khám Chí Hòa nhìn từ trên cao lại có hình thù bát quái, đằng sau đó là cả một câu chuyện.
Khám Chí Hoà
Một kiến trúc khác được cho là biểu tượng phong thủy thứ hai của Sài Gòn là trại giam Chí Hòa, mà người dân vẫn thường gọi là khám Chí Hòa. Toàn bộ khu trại giam này rộng khoảng 7 ha, được người Pháp xây dựng từ những năm 1943. Sở dĩ người ta cho rằng khám Chí Hòa là một biểu tượng phong thủy dùng để trấn yểm Sài Gòn là bởi kiến trúc của nó khá đặc biệt.
Trại giam này được một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái. Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu, có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H, tượng trưng cho 8 quẻ: càn, khôn, chấn, tốn, cẩn, khảm, đoài, ly. Đây là công trình được đánh giá khá cao, bởi nó hòa hợp được những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông. Một vài tài liệu nghiên cứu cho rằng, khám Chí Hòa được xây dựng dựa trân bát quái trận đồ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.
Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín phía ngoài, còn phía trong toàn song sắt. Toàn khu trại giam chỉ có một cửa vào, người ta gọi đó là cửa Tử. Qua cửa này là hệ thống đường hầm. Điều đặc biệt nhất của khám Chí Hòa là tất cả các lối di chuyển bên trong đều được thiết kế theo cung vị.
Chính vì thế, người bình thường khi bước qua cửa Tử sẽ mất hết phương hướng, như lạc vào một mê cung trận đồ, không thể tìm thấy lối ra. Chính giữa hình bát giác là một sân rộng cũng được thiết kế theo hình bát quái đồ, với 8 khu hình tam giác chụm vào nhau. Ngay tâm của bát quái trận đồ cũng có một đài phu nước như cột cao của hồ Con Rùa đã nói ở phần trên. Nhìn từ trên cao, đài phun nước này có hình dáng như một thanh gươm đâm thẳng xuống đất. Những giai thoại về Khám Chí Hòa đều ghi lại vai trò mấu chốt của thanh gươm này và gọi tên nó là “tru tiên kiếm”.
Tru tiên kiếm trấn yểm khám Chí Hòa, khiến những tên tội phạm dù có xảo quyệt, tinh ranh đến đâu cũng không thể trốn được. Nếu tru tiên kiếm bị nhổ lên thì toàn bộ bát quái trận đồ được thiết kế công phu sẽ tự vỡ. Chính lối kiến trúc áp dụng bát quái trận đồ nhuốm màu sắc huyền linh này mà người ta gọi lối vào duy nhất của khám Chí Hòa là cửa Tử.
Nghĩa là đã vào rồi thì không có cách nào để nhận biết đường ra nếu không thông lý số, kinh dịch vốn là môn khoa học không phải bất kỳ ai cũng nghiên cứu và tiếp nhận được. Người ta xem Khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ giữa lòng Sài Gòn, bởi trong lịch sử Khám Chí Hòa chỉ có 2 trường hợp vượt ngục thành công.
Một là của người tù cộng sản vào năm 1945, và hai là của tên giang hồ khét tiếng Phước “tám ngón” sau đó 50 năm. Hiện tại, bát quái trận đồ đã bị san bằng một nóc nhà cũng bởi tính quá hoàn hảo của nó. Trước kia, các nhà nghiên cứu kinh dịch, lý số khi nhìn vào Khám Chí Hòa đều lắc đầu bởi âm binh, chướng khí tại nơi này quá nặng.
Vì những tù nhân chẳng may qua đời ở đây thì linh hồn bị bát quái trận đồ giam giữ, không tài nào thoát ra được. Không biết thật giả ra sao, nhưng chính tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tin vào điều này. Ông Diệm đã cho mời một thầy địa lý cao tay nhằm hóa giải một phần trận đồ. Và sau đó, nóc nhà khu GF của bát quái trận đồ vô cùng hoàn hảo đã bị san bằng.
Thuận theo ý trời, lòng người, ngoài cửa Tử, cửa Sanh đã được mở để cho các linh hồn được bay đi và sớm siêu thoát. Có thể những truyền thuyết, giai thoại nhuốm màu huyền linh, kỳ bí nhưng xét về khía cạnh khoa học ngày nay thì không chứng thực được. Nhưng cũng phải thừa nhận, Khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ hoàn hảo, ở đó giống như một mê cung đồ khiến ta mất hết mọi khái niệm về phương hướng lẫn không gian và thời gian.
Thuận Kiều
Thuận Kiều Plaza, một công trình đồ sộ với thiết kế gồm 3 tòa tháp chọc trời, tọa lạc ở vị trí đắc địa của Sài thành. “Tư duy nhạy bén về kinh tế” là điều dư luận vẫn thường bàn tán trước khi tòa nhà này thành hình, bởi nó nằm trên trục đường chính của Q.5 giao thương nhộn nhịp. Thậm chí, một số nhà phong thủy còn khẳng định nó nằm đúng “long mạch” của thành phố, dễ dàng đạt sự thịnh vượng.
Bây giờ, sau 16 năm, tất cả dự đoán đều không trở thành sự thực. Số hộ dân ở cực kỳ thưa thớt, người sở hữu căn hộ đã thi nhau rao bán nhiều năm qua nhưng càng giảm giá thì càng khan hiếm người mua. Đáng sợ hơn nữa khi hàng loạt tin đồn về bùa ngải, quỷ ám và những câu chuyện về những “bóng ma” xuất hiện trong tòa tháp bỏ hoang này càng khiến nhiều người ghê rợn. Để rộng đường dư luận, PV đã vào cuộc làm rõ sự thật.
Tiếng động lạ trong tòa tháp “Ở đó có nhiều oan hồn lắm, tôi khuyên các cô không nên đến đó”, anh Huy Lực (một tài xế taxi ở quận 5) nhắc lại câu cảnh báo đó nhiều lần khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện đi thám hiểm “tòa tháp ma” Thuận Kiều Plaza. Trong cuộc trò chuyện, anh Lực ra vẻ bí ẩn: “Chính tôi từng là nạn nhân của những “oan hồn” này đây. Tôi nhớ rất rõ, đó là vào dịp Tết Trung thu cách đây 2 năm, khi tôi đang nằm trên xe thiu thiu ngủ vì không có khách thì nhận được cuộc điện thoại của một vị khách nữ gọi đến đón ở Thuận Kiều Plaza. Qua giọng nói, tôi đoán chừng cô còn trẻ. Vì vội vàng, tôi cứ nghĩ đó là khách quen nhưng khi đến nơi thì không thấy bóng dáng ai.
Lúc này nhìn đồng hồ cũng đã gần 12h đêm, 3 tòa tháp lừng lững mà chỉ còn có vài ánh đèn leo lét, tôi bất chợt thấy cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Trấn an mình, tôi gọi lại số điện thoại kia thì chỉ nghe tiếng thở khò khè. Tôi hoảng hồn đánh rớt luôn điện thoại”.Sau khi lâm vào tình cảnh khó giải thích trên thì sáng hôm sau, anh Lực bình tĩnh lục lại số điện thoại trong máy với ý định gọi lại lần nữa nhưng một điều khó hiểu là số điện thoại bỗng dưng “bốc hơi”?. “Tôi kể chuyện này lại cho mọi người thì ai cũng bảo đích thị là “oan hồn” cô gái chết trẻ năm xưa.
Theo đó năm 2005, một đôi tình nhân vào nhà hàng để ăn uống, không hiểu hận bạn gái chuyện gì mà chàng trai này rút súng bắn chết người yêu mình tại chỗ. Có lẽ, cô ấy chết oan nên “vong hồn” vẫn chưa được siêu thoát mà còn lởn vởn trong tòa nhà này để chọc phá mọi người”, anh Lực tỏ ra sợ hãi. Mặc dù đã được anh Lực can ngăn và kể lại câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai, chúng tôi cũng quyết định tìm đến địa chỉ 190 Hồng Bàng, P. 12. Q.5 vào một buổi tối trăng tròn. Bên ngoài, phố phường vẫn nhộn nhịp đối lập hẳn với khung cảnh im lìm bên trong Thuận Kiều.
Tòa tháp A dường như lâu nay không tồn tại sự sống của con người, không một ánh đèn, bóng tối bắt đầu bủa vây. Chọn tòa tháp B làm nơi thám hiểm đầu tiên, chúng tôi chầm chậm bước vào. Là một khu phức hợp mua sắm, nhưng hầu như chỉ có người bán mà không hề thấy bóng dáng của vị khách nào. Thấy khách lạ, một vài nhân viên ngước mắt lên nhìn rồi lại mệt mỏi cúi xuống chăm chú vào chiếc điện thoại để chơi game.
Đi dọc hành lang tầng hai tòa tháp B, chúng tôi không khỏi giật mình bởi hàng trăm ki ốt bỏ hoang. Bên trong, hàng hóa chất ngồn ngộn, nhiều mặt hàng được trùm những tấm vải bố, bụi, mạng nhện bám chằng chịt. Những dãy hành lang dài nối tiếp nhau, thang cuốn lâu ngày không hoạt động. Không gian rộng lớn không một bóng người, nghe rõ cả tiếng chân mình vang vọng. Từ tầng hai, chúng tôi lách qua một chiếc cửa, leo lên một cầu thang hẹp và tối om để tiếp cận với khu căn hộ.
Vừa lên đến đỉnh cầu thang, tôi gặp ngay chiếc thang máy bỏ không nhưng cửa mở toác, bên trong ánh điện mờ tỏ, thảm vải rách ra từng miếng. Ở ngay cửa thang máy, những chân nhang đã cháy hết có lẽ đã được cắm lâu ngày. Đang tần ngần nhìn ngắm, chợt một bàn tay “hộ pháp” vỗ mạnh lên vai tôi. Giật mình quay sang, một người thanh niên, vẻ mặt nghiêm túc nói với chúng tôi: “Con gái mà đi đâu lên nơi hoang vắng này không sợ nguy hiểm à? Cái thang máy này có “ma quỷ” đấy, người ta thường nghe tiếng “ma quỷ” khóc than, réo gọi nhau trong đêm nên mới cắm nhang nhiều như vậy, giờ họ chuyển đi hết rồi, không còn ai đâu, các cô xuống đi”.
Sau khi cảnh báo chúng tôi, anh thanh niên nhanh chóng bỏ đi.
Thực hư tòa tháp bị “yểm bùa” Lỗ Ban
Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu được, Lỗ Ban được xem là ông Tổ của nghề mộc và nghề xây dựng tại Trung Hoa. Vào năm 40 tuổi, ông từ bỏ phố phường nhộn nhịp để về sống trên núi. Tại nơi này, ông đã gặp được một vị thần, chỉ dạy cho ông những loại bùa huyền bí. Sau này, nhiều học trò đã được ông truyền lại và những giai thoại về loại bùa Lỗ Ban vẫn được truyền lại đến ngày nay.
Về bùa Lỗ Ban và thuật “trấn yểm” nhà ngày xưa, trong dân gian hiện này vẫn lưu truyền rất nhiều về truyền thuyết: “Ngày xưa, trong khi làm nhà, những người thợ và chủ nhà thường phát sinh những mâu thuẫn vì những người thợ lúc đó có địa vị rất thấp. Chủ nhà không chỉ tiếp đãi họ qua loa sơ sài mà còn cắt giảm tiền công , thậm chí còn đánh, chửi họ. Để bảo vệ cho những lợi ích của mình và trừng trị những người chủ nhà bất nhân, một số thợ xây đã học theo phép của Bùa Lỗ Ban và sử dụng để “trấn yểm” căn nhà họ vừa xây dựng , khiến cho chủ nhà suy sụp, tan gia bại sản”. Có những truyền thuyết nói rằng, những người thợ biết dùng Bùa Lỗ Ban, cứ 10 nhà họ phải “yểm” một nhà để nuôi Tổ nghề.
Gặp phải nhà thứ 10 đối xử tốt với họ, những học trò Lỗ Ban đó phải dựng một căn nhà giả để “trấn yểm”, sau đó đốt đi mới khỏi bị Tổ hành. Nhiều truyền thuyết trong dân gian nói về việc các người thợ “trấn yểm” nhà và hậu quả xảy ra vô cùng thảm khốc cho gia chủ. Quay trở lại “ma trận” tin đồn về Thuận Kiều Plaza, từ khi khởi công xây dựng công trình này, do bất cẩn trong quá trình làm việc nên đã có 3 người gồm thợ điện và thợ hồ mất mạng tại đây.
Những cái chết này đã khiến nhiều người đồn đoán rằng: “Vì không được đền bù thỏa đáng, mâu thuẫn nội bộ giữa chủ đầu tư và một nhà thầu phát sinh. Nhà thầu này vì căm tức đã rước một thầy pháp từ Hong Kong sang dùng phép thuật thả quỷ vào bên trong quấy rối”. Nhiều người khác lại tin rằng, chính những người thợ này đã tự bỏ bùa và vị trí họ chôn bùa ở đâu thì không ai biết được. Vì vậy, để Thuận Kiều Plaza làm ăn thịnh vượng trở lại là một điều hoàn toàn không thể?”Để tìm hiểu rõ hơn về những câu chuyện nhuốm màu sắc huyền bí này, chúng tôi tiếp tục thám hiểm tòa tháp C. Gặp chúng tôi bên ngoài một hành lang, chị Hà (45 tuổi, người sống tại tòa tháp này) cho biết: “Về những lời đồn đoán “ma quỷ” thì chúng tôi cũng đã nghe rất nhiều nhưng thú thật là mình quan niệm “ai làm nấy ăn”, mình không đụng chạm tới họ thì họ sẽ không hại mình nên chúng tôi vẫn chấp nhận ở lại nơi đây. Mà người ta bảo, “ma quỷ” gì đó hay đi lại ở đây nhưng tôi ở đây cũng lâu rồi, hoàn toàn không hề thấy gì cả”.
Tiếp tục theo chân chị Hà, sau khi giới thiệu, chúng tôi được một gia đình khác mời vào thăm nhà với vẻ khá nhiệt tình, trò chuyện cùng chúng tôi tại phòng khách, anh Hoàng Anh (38 tuổi, nhân viên truyền thông) vui vẻ: “Căn hộ của vợ chồng mình thuê là 70m2 gồm 3 phòng ngủ, một phòng khách, một bếp và 2 tolet. Lúc đầu, mình thấy trần nhà quá thấp nên cũng không ưng ý vì có cảm giác luôn ngợp thở nhưng sống lâu thì quen thôi.
Phòng ngủ của vợ chồng mình thì diện tích cũng tương đối nhưng phòng con mình thì chật lắm, chỉ có thể kê được một chiếc giường đơn, cái bàn học và chiếc tủ quần áo thì cũng bé xíu thôi. Ngày trước mỗi buổi trưa, cháu ngủ đều bị bóng đè, đêm đến thì cứ khóc quấy không chịu ngủ. Lúc đó, mình cũng nghĩ về những chuyện “ma quỷ” người ta đồn đoán. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lại phòng ốc, mình mới nhận thấy, vì nó quá chật hẹp nên khi ngủ cháu bị thiếu oxy mà sinh ra những trạng thái mệt mỏi như vậy chứ hoàn toàn không có chuyện gì liên quan đến ma quỷ ở đây cả”.
Trao đổi cùng chúng tôi, đại diện chính quyền P.12 cho biết: “Chúng tôi từng nghe cả một “ma trận” tin đồn về Thuận Kiều Plaza, có người còn bảo rằng trong bản vẽ, 3 tòa tháp dự tính sẽ được xây dựng theo hình chữ Sơn- (Shan, theo tiếng Trung Hoa- PV) nhưng không biết họ xây làm sao mà ra hình giống như 3 cây nhang nên “oan hồn” từ khắp nơi mới bám vào. Rồi có người còn nói Thuận Kiều Plaza giống như một con thuyền với 3 ống khói nhưng do thiết kế phần dưới bị sai lệch nên con tàu chìm dần. Nhưng chúng tôi khẳng định, đó toàn là những câu chuyện thêu dệt, tưởng tưởng của nhiều người và hoàn toàn không có chuyện “ma quỷ” hay “oan hồn” gì ở đây”.
Dinh độc lập
Người ta truyền rằng Dinh Độc Lập nằm trên thế đất hung hãn cho nên những nhân vật chính trị cư ngụ trong Dinh chẳng ai được lâu dài và an toàn.
Đất hãm sát chủ
Dinh Độc Lập được xây dựng từ thời Pháp thuộc với tên ban đầu là Palais Norodom. Có ý kiến giải thích rằng tên Norodom là do Dinh nằm ở đầu con đường có tên Boulevard Norodom chứ không có liên quan gì đến ông Norodom Sihanuk là Quốc vương Campuchia.
Đến thời kỳ nước Pháp trao trả nền độc lập giả hiệu cho Bảo Đại thì Dinh này được đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Có lẽ cái Dinh này là một trong số ít những công sở được dân chúng quan tâm bàn tán nhiều nhất. Người ta chú ý đến nó vì có nhiều câu chuyện liên quan đến môn phong thủy. Cuốn sách Thiệu – Kỳ một thời hãnh tiến một thời suy vong của nhà báo Lý Nhân – một chứng nhân sống dưới chế độ Sài Gòn, cho biết rằng: Dân chúng đồn rằng Dinh nằm trên mảnh đất rất hung hiểm cho nên hầu hết những chính khách ở trong Dinh chẳng ai có sự nghiệp lâu dài, bền vững.
Họ dẫn chứng từ các ông toàn quyền Pháp mà điển hình là ông Ely khi làm cao ủy đóng ở Dinh Norodom thì quân Pháp thua liểng xiểng ở Điện Biên phải rút về nước. Cho đến ông Diệm làm Tổng thống cũng chỉ được 9 năm là bị đảo chính vong mạng.
Hơn thế nữa, ngay trong 9 năm cầm quyền, ông Diệm cũng đã 1 lần suýt chết trong Dinh. Đó là vào ngày 27/2/1962, hai phi công của phe đảo chính đã ném bom vào Dinh làm sập cánh trái của Dinh. Tuy không có tổn thất nào về người nhưng cuộc ném bom cũng làm cho những người sống và làm việc trong Dinh một phen hú vía.
Sau đó ông Diệm quyết định phá Dinh đi xây lại mới hoàn toàn. Công việc thiết kế được giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một người tốt nghiệp trường kiến trúc danh tiếng ở Paris và là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải Khôi nguyên Roma.
Nhưng Dinh chưa thi công xong thì anh em ông Diệm bị đảo chính và chết thảm. Theo sau ông Diệm, chính trường Sài Gòn khủng hoảng, chỉ trong 2 năm mà cả chục chính phủ cứ lập lên rồi lại sụp đổ.
Đến khi Nguyễn Văn Thiệu thâu tóm được quyền lực thì tình hình mới ổn định. Ngày 30/6/1966, Dinh khánh thành và ông Thiệu dọn vào ở trong Dinh. Người ta lại tính rằng kể từ ngày dọn vào đến khi phải tháo chạy ra nước ngoài, ông Thiệu cũng chỉ ở trong Dinh được 9 năm. Và trước khi nó rơi vào tay quân giải phóng thì cũng bị ném bom một lần nữa nhưng may mắn chỉ bị hỏng cầu thang.
Ẩn ý của người thiết kế Dinh
Năm 1966, trong lễ khánh thành Dinh mới, ông Ngô Viết Thụ – tác giả thiết kế Dinh đã phát biểu tóm tắt thiết kế của mình. Trong đó, nhiều ý đến nay vẫn được dẫn lại trong tài liệu giới thiệu về Dinh của ngành du lịch. Nét nổi bật là mặt tiền của Dinh với 3 tầng lầu và cột cờ sổ dọc tạo thành chữ “Vương” trong Hán tự. Nhưng bên trên lại có 1 cái tum giống như một dấu chấm ở trên đầu chữ “Vương” để tạo thành chữ “Chủ”. Lúc ấy, ông Thụ diễn tả chữ “Chủ” này là nghĩa là “Chúa”.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng trên một trang mạng, ông Trần Lê Quang, cựu bộ trưởng Bộ Cải cách điền địa dưới thời ông Diệm tiết lộ một câu chuyện khác về ý nghĩa chữ “Chủ”. Ông Quang viết: “Một tâm sự của KTS Ngô Viết Thụ, nay đã qua đời, được một ông bạn ghi nhớ và thuật lại như sau:
Ngô Viết Thụ cho biết, khi Ông sáng tạo sơ đồ của dinh Độc Lập mới, đương sự có ý định thiết kế dinh với nhiều tầng lầu ngang, dài, giống nhau, như hình Hán tự chữ “Vương”. Theo ý nghĩa của Ngô Viết Thụ, “Vương” là “Vua”.
Nhưng KTS Thụ cũng cho biết rằng Ông cố ý cho thêm ngay ở giữa tầng cuối, một tầng thượng nhỏ, như một nét phẩy trên đầu chữ Hán Tự “Vương”, để chữ Hán tự đó trở thành một Hán tự khác, là chữ “Chủ”, không còn có nghĩa là “Vua” nữa.
Ý kiến của Ngô Viết Thụ là các nhân vật chính trị Việt Nam, nếu có cơ may cư ngụ tại dinh Độc Lập mới, thì chỉ là những người “Chủ nhà” tạm thời mà thôi. Các đương sự phải hành xử thế nào với dân gian và thời cuộc tại Việt Nam, mới mong về sau được trở thành “như một nhà Vua”.
Và ông Trần Lê Quang phân tích thêm về sự khác nhau trong ý nghĩa của hai chữ nói trên: “Tin tưởng của Ngô Viết Thụ rõ ràng bị ảnh hưởng bởi thuyết Phong Thủy. Tại Trung Quốc, cũng như tại Việt Nam hồi xưa, dư luận thường cho rằng ân huệ được làm Vua, là một ân huệ “Trời cho”, có thể truyền lại trong trật tự cho con cháu kế vị của nhà Vua, hay cho người thừa kế được lựa chọn.
Nhưng nếu thêm trên đầu Chữ Hán tự “Vương” một nét phẩy, thì chữ đó trở thành Chữ Hán Tự “Chủ”, như chủ nhà, chủ tịch, chủ sự, dân chủ, v.v. Các chức vụ “Chủ” thông thường không phải là “Trời cho”, mà là “Người cho”. Các đương sự thụ hưởng chức vụ “Người cho” đó, phải hành xử thế nào với thành viên của cộng đồng liên hệ, mới được hưởng chức vụ “Chủ”, mà cộng đồng đó giao cho, thông thường trong một thời gian có hạn mà thôi”.
Hồ con rùa
Hồ Con Rùa có tên chính thức là Công trường Quốc tế (trước là Công trường Chiến sĩ trận vong). Đây là nút giao của 3 con đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân. Tuy không chính thức được xác nhận, nhưng rất nhiều giai thoại cho rằng hồ Con Rùa được thiết kế thêm hồ phun nước hình bát giác, con rùa đội bia. Và trụ đứng vươn lên cao ở giữa hồ chính là biểu tượng bát quái đồ, Kim Quy cùng chiếc đại đinh đóng xuống đất là để yểm đuôi rồng.
Các vị cao niên kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của vùng đất này đã kể những giai thoại rằng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn là người đa nghi và cuồng tín. Bởi vậy, sau khi nhậm chức tổng thống, ông luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng cho vị thế của mình. Vào năm 1967, nghe tin có thầy địa lý cao tay ở Hong Kong, Thiệu liền cho người mời sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập.
Thầy địa lý nghiên cứu đến mấy ngày sau rồi phán: “Dinh Độc Lập được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1 km, rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững”.
Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu lập tức tin theo, cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa. Hồ có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá.
Ngoài ra, khu vực trung tâm còn có một cột cao mang hình cánh hoa xòe phía trên. Cột cao này được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Năm 1972, Công trường Chiến trị trận vong được đổi thành Công trường quốc tế. Vào đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.
Lại có giai thoại khác liên quan đến việc hồ Con Rùa là sản phẩm trấn long mạch Sài Gòn. Giai thoại này gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục.
Người Pháp biết rõ điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá vỡ thế chữ Vương (gồm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pastuer – Phạm Ngọc Thạch hiện nay), thêm một chấm thành chữ Chủ nhằm phá luôn long mạch của Dinh. Do vậy phải xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên.
Nhưng còn một điều rất huyền diệu về hồ Con Rùa mà rất ít người bình thường để ý đến, chỉ có các thầy phong thủy và các kiến trúc sư học thêm bộ môn trấn yểm mới hiểu tận tường những bí ẩn trong thiết kế tổng quan của Sài Gòn xưa. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay giữa ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn xưa chính là chùa Khải Tường. Chùa Khải Tường là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường bôn tẩu tránh sự truy đuổi của Tây Sơn có ghé qua tá túc. Và hoàng tử Đảm – sau này trở thành vua Minh Mạng – đã được sinh tại nơi đây.
Tương truyền, khi hoàng tử Đảm – chân mệnh đế vương – ra đời, chùa Khải Tường đã phát ra hào quang đến 3 đêm liền. Nếu nhìn trên bản đồ chụp từ vệ tinh thì chùa Khải Tường thẳng trục với Dinh Độc Lập và vuông góc với hồ Con Rùa. Việc trấn yểm này còn liên quan đến ngũ hành, âm dương, phá thủy, giả sơn mà các thầy chiêm tinh, địa lý nào cũng phải biết.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hồ Con Rùa nằm thẳng trục với nhà thờ Đức Bà trên đường Phạm Ngọc Thạch, còn chùa Khải Tường thẳng trục Dinh Độc Lập. Bốn công trình nổi tiếng này đều được xây dựng tại những địa điểm mà xưa kia ít nhiều đều dính dáng đến long mạch của Sài Gòn và càng không phải ngẫu nhiên mà tạo thành một hình vuông, nếu chiếu bóng sẽ trở thành một đường thẳng.
Video: Top 10 sinh vật kỳ lạ trong thần thoại, truyền thuyết
Sưu tầm
Nguồn: ĐKN
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…