Categories: Tin tức

Khan hiếm văcxin viêm não mô cầu

Sáng 4/3, nhiều người đưa con đến Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiêm phòng bệnh viêm não mô cầu, song phải ra về vì không có văcxin.

“Sáng nay tôi đưa con đến sớm để tiêm văcxin nhưng được thông báo hết không biết bao giờ mới có”, chị Hằng ở Hà Đông cho biết. “Bác sĩ bảo văcxin viêm não mô cầu đã hết nửa năm nay rồi”, một người mẹ khác tiếp lời.

Trong phòng đăng ký tiêm văcxin tại Trung tâm y tế  dự phòng Hà Nội, anh Trung hỏi về văcxin mô cầu để tiêm cho con. Anh Trung nói, sáng nay anh lên mạng vào danh mục văcxin tại Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc thì thấy thông báo hết văcxin. Anh ra trung tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh hỏi, kết quả vẫn là hết hàng.

Trẻ tiêm phòng tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Lê Nga.

Tại TP HCM, nhu cầu tiêm văcxin viêm não mô cầu cũng tăng cao. Đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản cho con gái 3 tuổi rưỡi, chị Bình ở quận 12 vẫn đang đợi mũi tiêm viêm não mô cầu. Tháng 3 năm ngoái, chị đưa con đi tiêm ngừa thủy đậu theo lịch thì được biết văcxin viêm não mô cầu có hàng. Tuy nhiên ngay sau đó thì loại này khan hiếm kéo dài. “Vừa rồi trường mầm non có tổ chức tiêm phòng mũi viêm não mô cầu loại BC, chích 2 mũi cách nhau 6 tuần; còn loại AC thì vẫn phải đợi”, chị Bình cho biết.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cho biết: “Hiện tại văcxin viêm não mô cầu đã hết hàng, dự kiến đến khoảng tháng 4 mới có”. Đại diện các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn TP HCM cũng cho biết, văcxin viêm não mô cầu hết trong thời gian dài vừa qua và vẫn chưa biết khi nào sẽ có lại. 

Gần đây viêm não mô cầu đã cướp đi sinh mạng một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương và một người đàn ông Hà Nội đang nằm viện điều trị. Trong 5 năm qua cả nước có 610 ca viêm não mô cầu, trong đó 25 người tử vong. Cao điểm là năm 2012 với 272 ca, 6 người chết. Năm 2015 cả nước có 102 ca, 4 người tử vong. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm cả nước có 6 ca mắc, một người chết. Số ca bệnh không nhiều, nhưng viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính. “Thủ phạm” gây bệnh là vi khuẩn Neisseria meningtidis. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính là A, B, C và D, trong đó A và B thường gặp nhất.

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng sáng 4/3. Ảnh: Lê Nga.

Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Để phòng bệnh não mô cầu, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm chủng các loại văcxin truyền thống thường hay sử dụng.

Văcxin não mô cầu AC: Tên thương mại là Meningococcal polysaccharide văcxin AC. Loại văcxin này có thời gian bảo vệ khoảng 3 năm. Liều lượng tiêm 0,5 ml; có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt. Tiêm một liều văcxin khi trẻ em được 18 tháng tuổi trở lên. Chú ý thận trọng khi tiêm phòng cho phụ nữ có thai, chỉ tiêm khi thực sự có nguy cơ mắc bệnh trong các vụ dịch. Không nên tiêm cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi trừ khi đang có dịch bùng phát.

Văcxin não mô cầu BC: Tên thương mại là VA-MENGOC-BC. Văcxin này được sử dụng nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh B và C. Tiêm cho trẻ em từ tháng tuổi thứ ba và người sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch bệnh. Trước khi tiêm văcxin này cũng như các loại văcxin khác, cần phải sàng lọc đối tượng được tiêm phòng theo quy định.

Cục Y tế dự phòng cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước tổ chức chẩn đoán sớm, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế biến chứng và tử vong, thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho người dân. Các nhân viên y tế làm việc nơi đông người, gần người bệnh hoặc tại ổ dịch cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường, làm thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo bất kỳ ai phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận một bệnh nhân ở Đông Anh Hà Nội dương tính với viêm não mô cầu, 27 người tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly. Đây là ca viêm não mô cầu đầu tiên của Hà Nội trong năm nay. Trước đó, Hải Dương cũng ghi nhận một nữ sinh lớp 12 tử vong do viêm não mô cầu.

Lê Nga – Lê Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 day ago

Căng thẳng và sức khỏe đường tiêu hóa có liên quan như thế nào?

Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…

2 days ago

Sức khỏe đường ruột, mức năng lượng tối ưu với chúng ta

Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…

2 days ago

Đi bộ hàng ngày giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Đi bộ là môn thể thao đơn giản không cần thiết bị tập, không mất…

3 days ago

4 môn thể thao giảm mỡ gan cực hiệu quả

Duy trì tập luyện thể thao hàng ngày mang lại những lợi ích thiết thực…

6 days ago

Những bài thuốc chữa bệnh hay từ cây hoa nhài

Hoa nhài sở hữu mùi hương độc đáo được trồng làm cây cảnh trong vườn…

6 days ago