Trước dư luận bức xúc về việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như thời gian đóng theo năm tài chính (15 tháng) làm tăng gánh nặng cho phụ huynh học sinh – sinh viên, ngày 11-9, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM đã có những giãi bày với báo giới.
Tăng mức đóng để… đón đầu tăng viện phí
Theo Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ, năm học 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh – sinh viên thực hiện theo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, học sinh – sinh viên là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại tự đóng 70%. Mức đóng cũng tăng lên lên 4,5% mức lương cơ sở. Như vậy, theo tính toán của BHXH Việt Nam, nếu đóng đủ 15 tháng, mỗi học sinh – sinh viên phải đóng 543.375 đồng. Với mức đóng cao như vậy, lại dồn vào đầu năm học cùng đủ thứ khoản phải đóng ở trường, ở lớp khiến không ít phụ huynh chạy vạy khó khăn, nhất là công nhân lao động.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao từ mức đóng 3% tăng vọt lên 4,5% và tại sao học sinh – sinh viên lại bị áp đặt vào một “rổ” với tất cả các nhóm đối tượng khác mà không được ưu tiên? Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, chủ trương đó là của liên Bộ Tài chính, Y tế nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, để quyền lợi học sinh – sinh viên được đảm bảo hơn. Ngoài ra, việc tăng mức đóng còn để chuẩn bị cho tăng chi phí khám chữa bệnh từ đầu năm 2016. Có nghĩa rằng, Bộ Y tế đang tiến tới lộ trình tăng viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, bệnh viện phải trả lương cho nhân viên, phải tự thu – tự chi…, tất cả đều tính vào tiền công khám chữa bệnh. Trong khi, tinh giản biên chế trong bộ máy y tế là rất khó khăn, nên người khám chữa bệnh phải trả, trước hết là thông qua BHYT. Do đó, theo các chuyên gia y tế, việc tăng mức đóng BHYT của học sinh – sinh viên không nằm ngoài mục đích “đón đầu” đợt tăng giá dịch vụ y tế, viện phí sắp tới vào đầu năm 2016!
Chờ đợi đóng tiền viện phí bảo hiểm y tế
Nhằm giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, BHXH TP đã đưa ra 2 phương án đóng BHYT: Đóng một lần với số tiền 543.375 đồng; đóng thành 2 đợt, đợt 1 là 217.350 đồng, đợt 2 là 326.025 đồng. “Việc đưa ra hai phương án đóng tiền trên nhằm giúp người dân lựa chọn linh hoạt và cũng giảm bớt căng thẳng đóng tiền đầu năm học”, ông Cao Văn Sang cho biết. Thế nhưng, thực tế để cho “gọn” và “đỡ bất tiện”, nhiều nhà trường đã có hẳn thông báo cho học sinh, phụ huynh là chỉ thu một lần mà không phụ huynh nào dám phản ứng!
Cũng theo BHXH TP, cơ quan này đang linh hoạt hơn về thời hạn sử dụng thẻ BHYT. Thời hạn thẻ BHYT là từ ngày 1-10-2015 hoặc từ ngày hết hạn của thẻ BHYT năm học trước đến 31-12-2016 hoặc 31-3-2016 (tùy theo phương án đóng). Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối được đóng theo số tháng thực tế là 12 tháng (từ 1-10-2015 đến 30-9-2016).
Áp đặt cơ sở khám chữa bệnh
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh, mặc dù BHYT được thanh toán ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh và người dân có quyền lựa chọn thích hợp nhưng một số trường lại áp đặt chỉ được khám chữa bệnh ở rất ít cơ sở mà nhà trường đã chọn. Thông tin từ BHXH TP cho biết đã có phản ánh Trường THCS Phú Thọ (quận 11) chỉ đưa ra 3 cơ sở để học sinh lựa chọn là Phòng khám Đại Phước, Bệnh viện quận 11 và Phòng khám An Phúc. Thậm chí có trường chỉ đưa ra một cơ sở y tế, gần như chỉ định để học sinh – sinh viên phải khám chữa bệnh tại đó. “Việc áp đặt này là không đúng, chưa nói liệu có sự móc ngoặc giữa nhà trường và cơ sở khám chữa bệnh”, một cán bộ BHXH TPHCM đánh giá.
Một số phụ huynh cũng cho rằng, trường học và chỗ ở tại một quận nhưng nhà trường lại chọn phòng khám ở quận khác để đăng ký khám thì rất bất tiện! Trong khi đó, theo BHXH TP, phụ huynh hay học sinh – sinh viên một khi đã đăng ký theo lựa chọn của nhà trường rồi mà không vừa lòng cơ sở khám chữa bệnh thì phải đợi đến tháng đầu của mỗi quý (từ ngày 1 – 10) thì mới có thể mang thẻ BHYT lên cơ quan BHXH để xin đổi. Đây chẳng khác nào lại phát sinh thêm phiền hà cho học sinh – sinh viên và phụ huynh!
Trước thực trạng trên, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP, thanh minh rằng ngành giáo dục, các nhà trường là vai trò phối hợp. Cơ quan BHXH TP đã in tờ hướng dẫn phát về các trường cho biết được lựa chọn tới 48 cơ sở khám chữa bệnh công lập và 43 cơ sở tư nhân, ngoài ra còn có 127 trạm y tế phường xã. “Số lượng cơ sở khám chữa bệnh là rất rộng chứ không phải áp đặt như thế”, ông Sang nói. Hiện BHXH TP đang soạn thảo văn bản gửi cho ngành giáo dục, BHXH các quận – huyện cũng như các nhà trường yêu cầu mở rộng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh theo đề xuất của cơ quan BHXH TP, trong đó ưu tiên các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, không lựa chọn chuyên khoa.
Phải khẳng định rằng, tham gia BHYT là ưu việt, mang lại lợi ích cho học sinh – sinh viên. Tuy nhiên, mức đóng chưa phù hợp, việc triển khai thiếu linh hoạt, áp đặt đã tạo thêm những mối lo, gánh nặng cho phụ huynh đầu năm học. Trách nhiệm triển khai, thực thi là của cơ quan BHXH, các ban ngành khác chỉ có tính chất phối hợp. Do đó, vấn đề ở đây là trách nhiệm của cơ quan BHXH đến đâu, đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Điều này cần xem xét nghiêm túc, nếu không lộ trình tiến tới bao phủ 100% BHYT sẽ còn xa vời.
Theo BHXH TPHCM, năm học 2014-2015 toàn thành phố có hơn 1,5 triệu học sinh – sinh viên tham gia BHYT, đạt 86,4%. Năm học 2015-2016 có gần 1,8 triệu học sinh – sinh viên nhưng chưa biết tỷ lệ tham gia được bao nhiêu. Nếu tham gia 100% thì nguồn thu về cho BHXH TP khoảng 800 tỷ đồng.
TƯỜNG LÂM
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…