Gần một tuần xuất viện, người đàn ông gần 60 tuổi đã hoàn toàn bình phục. Ông một mình quay lại bệnh viện mang theo giỏ quà Tết để tặng các bác sĩ đã cứu sống mình.
Đêm giao thừa, Đà Nẵng se lạnh, chiếc taxi 7 chỗ lao nhanh đến sảnh cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí, chở theo người đàn ông toàn thân tái nhợt nằm bất động ở ghế sau. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, tim đã ngừng đập, huyết áp tụt sâu, có nguy cơ tử vong nhanh, các bác sĩ lập tức cho dùng thuốc vận mạnh và ổn định huyết áp. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được truyền dịch, truyền thuốc bổ trợ, xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng rối loạn điện giải và các yếu tố đông máu…
Bác sĩ Toàn đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: NN.
Nhớ lại khoảnh khắc nghẹt thở giành giật sự sống người đàn ông bị sốc thuốc, bác sĩ Võ Phước Toàn cho biết quá trình hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân có vài lần khựng lại vì tưởng chừng người bệnh không thể qua khỏi. Tuy nhiên trong giờ phút sinh tử ấy, những đôi mắt của người thầy thuốc không ngừng động viên nhau “còn nước còn tát” nhằm giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Sau hơn một tiếng đồng hồ súc rửa ruột và truyền các thuốc hỗ trợ, cơ thể người đàn ông dần hồng hào trở lại, tim đập ổn định hơn, huyết áp và các chỉ số sinh tồn từ từ trở về mức bình thường. Nhận định bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, cả ê-kíp bác sĩ cấp cứu mới thở phào nhẹ nhõm và bắt tay chúc mừng nhau.
Phút giao thừa Tết Đinh Dậu đến trong niềm hạnh phúc của các thầy thuốc và những giọt nước mắt biết ơn từ người nhà bệnh nhân. Mùng 2 Tết, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và hồi phục, được xuất viện về nhà ăn Tết.
Mùng 7 Tết, khi mang giỏ quà đến cám ơn bác sĩ, người đàn ông chia sẻ: “Lúc bị sốc thuốc, tôi thấy trời đất tối sầm lại và cảm nhận rõ cái chết đang đến rất gần. Tỉnh lại thấy mình đang nằm trên giường bệnh, tôi không biết nói gì để cám ơn các bác sĩ đã sinh ra tôi lần thứ hai trong cuộc đời”.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Phước Toàn hiện là Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, có thâm niên gần chục năm trực cấp cứu dịp Tết. Bác sĩ cho biết mỗi dịp xuân về người dân được nghỉ ngơi cũng là thời gian nhân viên y tế phải trực chiến căng thẳng nhất. Số lượt khám bệnh vào ngày Tết giảm nhưng số ca cấp cứu tăng gần gấp đôi. Trong 4 ngày từ 30 đến mùng 3 Tết, bệnh viện tiếp nhận gần 500 ca cấp cứu, chủ yếu là tai nạn giao thông, ngộ độc thuốc hay thực phẩm, người già bị tai biến, trẻ em sốt xuất huyết…
Năm nào bác sĩ Toàn cũng trực Tết nên trước Tết anh đã tranh thủ bay về Khánh Hòa đưa vợ con đi dạo đường hoa rồi phải quay trở lại Đà Nẵng làm việc tiếp. Chứng kiến nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, các thầy thuốc càng ý thức hơn về sứ mệnh cao cả của mình mà tạm hy sinh những ngày xuân đoàn viên bên gia đình.
“Chọn nghề y, chúng tôi đã xác định là phải hy sinh niềm vui cá nhân để đảm bảo sức khỏe cho người dân an tâm vui xuân, tận hưởng Tết một cách trọn vẹn”, bác sĩ Toàn tâm niệm.
Nguồn: VnExpress
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…