Đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con
Theo thông tin từ website Bệnh viện Bạch Mai chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 11/2015, có tới gần 30 bệnh nhân đang có thai hoặc liên quan đến thai sản phải nằm điều trị nội trú vì sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và gần như ngày nào cũng có 1, 2 ca sốt xuất huyết là bà bầu đến khám và nhập viện.
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, tuy thời tiết trở lạnh nhưng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, số bệnh nhân nhập viện do sốt huyết là thai phụ có chiều hướng gia tăng.
Trường hợp chị N.T.H, 34 tuổi (trú tại Đống Đa, Hà Nội) đang mang thai tháng thứ 3 nhưng chị phải nhập viện điều trị do sốt cao liên tục 3 ngày không dứt, toàn thân đau mỏi và xuất hiện chấm xuất huyết dưới da. Rất may mắn, sau 5 ngày điều trị và theo dõi sát sao, đến ngày 24/11/2015, tình trạng của bệnh nhân N.T.H đã tiến triển theo hướng khả quan. Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân đã tăng dần và quá mức nguy hiểm. Ngày 26/11/2015, bệnh nhân N.T.H đã được xuất viện, cả mẹ và thai nhi đều được an toàn.
Theo BS. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, nếu thai phụ bị SXHD thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường. Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXHD có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Với phụ nữ mang thai, việc giảm số lượng hoặc chức năng của tiểu cầu rất nguy hiểm bởi tình trạng chảy máu và rối loạn đông máu, tổn thương gan thận, xuất huyết não, phù phổi,.. có thể xảy ra, đặc biệt là lúc sinh nở. Ngoài ra, những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Bà bầu sốt xuất huyết nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ lẫn con (ảnh minh họa)
Triệu chứng điển hình của bệnh
Các bà bầu nên chú ý, khi mắc sốt xuất huyết, cơ thể thường đột ngột sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, chảy nước mũi trong, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và có thể tiêu chảy hoặc phân đen. Sốt thường hết vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, và thường kèm biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết dưới da chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ban xuất huyết đôi khi có biểu hiện ngứa. Một số trường hợp nặng có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Điều trị bệnh nói chung và SXHD nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó khăn. Cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức,… để xử trí kịp thời khi có biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị, thận trọng trong việc chỉ định dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh,…) vì ảnh hưởng của nó đối với thai. Ngay các thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi thai phụ muốn sử dụng vẫn phải có sự đồng ý của bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa sau khi đã cân nhắc rất kỹ”- BS. Tuấn cho hay.
Đề phòng sốt xuất huyết ở bà bầu
Để phòng bệnh SXH, nhất là với bà mẹ mang thai, các bác sĩ khuyến cáo chị em nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi,… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh. Nên tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia vệ sinh môi trường ở nơi mình đang sinh sống để góp phần phòng tránh SXHD.
Tuyệt đối không được tự động mua thuốc để uống hoặc tiêm, nếu làm như vậy bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi và cả người mẹ. Nếu bác sĩ khám bệnh cho về điều trị và theo dõi tại gia đình (tức là bệnh thuộc loại nhẹ) thì nên nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức.
Cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lượng nước và chất điện giải bị thất thoát do sốt
Nếu có chỉ định của bác sĩ cho dùng thuốc hạ nhiệt khi cần thiết thì tuyệt đối tuân thủ không tự động đổi thuốc, nhất là không được dùng thuốc aspirin hoặc sản phẩm có aspirin vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết và khi có xuất huyết sẽ khó cầm. Điều quan trọng là luôn luôn tự theo dõi bệnh của mình hoặc có người nhà theo dõi giúp thì khi thấy bất thường cần đến bệnh viện ngay không được chần chừ.
Nguồn: Afamily
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…