Tết nhất việc đảo lộn nếp sinh hoạt là điều khó tránh khỏi, cộng với thời tiết giao mùa thất thường, để kịp thời xử lý các sự cố nho nhỏ về sức khỏe, hãy cùng SKGĐ kiểm tra tủ thuốc của nhà bạn.
BỎ BỚT…
Vứt hết thuốc quá hạn
Hãy kiểm tra hạn sử dụng của các loại thuốc trong tủ thuốc của bạn, những loại thuốc nào đã quá hạn sử dụng thì nên bỏ. Nếu vỉ thuốc không ghi hạn sử dụng bạn có thể căn cứ vào thời gian bạn mua loại thuốc đó (những thuốc đã quá 6 tháng thì nên bỏ). Sử dụng thuốc hết hạn không những không chữa được bệnh mà còn có thể thêm bệnh vào người.
Những loại thuốc có vỉ, vỏ thuốc bị hở, vỡ, viên thuốc có dấu hiệu chuyển màu, vụn thành bột hay thuốc nước có hiện tượng kết tủa, vẩn đục cũng cần bỏ đi. Vì nếu không cẩn thận bạn có thể sử dụng nhầm thuốc, điều đó rất tai hại.
Lưu ý: Nếu nhà có trẻ nhỏ, vật nuôi bạn nên vứt những thuốc bỏ vào bồn cầu, giật nước cho chúng trôi đi để tránh trẻ nhỏ hay vật nuôi tìm thấy mang ra uống hoặc nghịch gây ngộ độc.
Sắp xếp lại tủ thuốc
Lấy hết thuốc trong tủ ra, lau chùi tủ thuốc sạch sẽ. Bước tiếp theo bạn nên phân loại các loại thuốc: Thuốc nhỏ mắt, thuốc đau bụng, thuốc hạ sốt, thuốc cho trẻ em, các loại vitamin…. và cho chúng vào những ngăn hộp nhỏ hoặc cho vào các túi zip riêng biệt để dễ dàng khi tìm kiếm. Đặt tủ thuốc nơi thoáng mát, sạch sẽ, tránh ánh sáng mặt trời hoặc nguồn nhiệt.
Ảnh minh họa |
… VÀ THÊM VÀO
Các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, dị ứng… là những bệnh dễ gặp nhất trong ngày Tết. Bạn nên bổ sung một vài loại thuốc cho tủ thuốc để sẵn sàng đối phó với những bệnh này.
1. Thuốc trị rối loạn tiêu hóa
Đầy bụng khó tiêu
Phòng ngừa: Ngay cả ngày Tết bạn vẫn nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học: ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, cân bằng giữa thực phẩm giàu chất đạm và chất xơ để dạ dày hoạt động nhịp nhàng.
Thuốc cần bổ sung: Có thể dùng các thuốc như Maalox, Simelox, Phosphalugel, Gasvicon khi bị chứng khó tiêu đầy bụng do thừa axit dịch vị. Các men tiêu hóa Neopeptine, Pancrélase, Alipase cũng có thể dùng để giúp sự tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Lưu ý khi sử dụng: Khi dùng thuốc cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ về liều lượng, cách dùng cũng như những chống chỉ định trong đó. Ví dụ: Nếu dùng thuốc dạng sủi bọt kháng acid thì cần biết thuốc này chứa natri (muối) và chống chỉ định với những người bị tăng huyết áp.
Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy
Phòng ngừa: Nhớ kỹ, phải thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm.
Thuốc cần bổ sung: Bạn có thể dự trữ vài gói Oresol hoặc viên hydrite dùng để bù nước trong trường hợp nôn, tiêu chảy.
Lưu ý khi sử dụng: Trường hợp bị ngộ độc thức ăn dẫn tới tiêu chảy cách tốt nhất là để bệnh nhân nôn hết đồ đã ăn sau đó cho uống Oresol liên tục để bù nước. Nếu trong vài giờ mà không thuyên giảm bạn nên đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Tuyệt đối không cho bệnh nhân, dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.
2. Thuốc trị cảm sốt
Phòng ngừa: Cách tốt nhất là nên tiêm phòng cúm trước. TS. William Schaffner, chuyên gia về y tế dự phòng tại trường y Vanderbilt và Philip Tierno (Mỹ) cho biết, việc tiêm vacxin cúm là cần thiết, vì dù bị cúm bạn cũng sẽ tránh được nguy cơ bệnh chuyển biến xấu như viêm phổi hoặc phải nhập viện.
Thuốc cần bổ sung: Paracetamol, Siro trị cảm cúm cho trẻ em
Lưu ý khi sử dụng: Theo BS. Trần Văn Khanh – Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Tp.HCM, đầu tiên cần hạ sốt bằng cách chườm mát bằng khăn ấm và lau khô mồ hôi, mặc quần áo mỏng cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân sốt trên 38 độ C thì cần làm giảm thân nhiệt nhanh chóng bằng thuốc hạ sốt có chứa Paracetamol theo chỉ định, nên dự trữ sẵn thuốc hạ sốt ngay tại nhà để kịp thời khi có người thân bị sốt.
Cần đến trung tâm y tế khám ngay khi có dấu hiệu sốt cao, ngủ li bì, xuất hiện co giật, buồn nôn, sốt kéo dài trên 5 ngày hay kèm với các triệu chứng chảy nước mũi, ho đàm…
3. Thuốc trị các bệnh về đường hô hấp
Phòng ngừa: Giữ ấm khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm, hạn chế tiếp xúc với người bị cúm, tránh ăn đồ lạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất… là một số cách phòng ngừa bệnh về hô hấp.
Thuốc cần bổ sung: Một số thuốc thường dùng để giảm ho như Terpin, Codein… Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi).
Lưu ý khi sử dụng thuốc: Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ về cách dùng, liều lượng cũng như chống chỉ định của thuốc. Đối với các thuốc nhỏ mũi co mạch không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.
4. Thuốc chống dị ứng
Phòng ngừa: Thời tiết thay đổi cũng khiến cho nhiều người bị dị ứng thời tiết, phấn hóa, thức ăn, côn trùng… đây cũng là bệnh khó phòng nhất. Cách tốt nhất để phòng tránh dị ứng là biết được nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng và tránh xa chúng.
Cần bổ sung thuốc: Đối với những người có tiền sử bị dị ứng thì nên dự trữ trong nhà một ít thuốc dị ứng mà bản thân đã quen và dùng hiệu quả nhất được bác sĩ, dược sĩ chỉ định trước đó. Những người không có tiền sử dị ứng cũng nên dự trữ một số thuốc dị ứng thông thường để giảm triệu chứng dị ứng như: corticosteroid, kháng histamin, thuốc thông mũi, natri cromolyn và bổ leukotriene.
Lưu ý khi sử dụng: Khi mua thuốc cần hỏi cặn kẽ dược sĩ về liều dùng, công dụng, chống chỉ định của thuốc dị ứng.
5. Một số dụng cụ y tế khác
Ngoài những thuốc trên, bạn cũng nên bổ sung một số loại thuốc và dụng cụ cấp cứu khác cho tủ thuốc của mình như: Bông băng, gạc y tế, cao dán (giảm đau bên ngoài), nhiệt kế, thuốc sát trùng (có thể là betadine),… để phòng ngừa những tai nạn xảy ra trong ngày tết như đứt tay, ngã xe…
Sử dụng tủ thuốc an toàn – Khi mua thuốc, cần nhờ dược sĩ tư vấn về cách dùng, liều dùng. Luôn xem kỹ hạn sử dụng (ít nhất còn 1-2 năm), không mua thuốc bị vỡ vụn, bao bì bị nhàu nát. – Đặt tủ thuốc ở xa tầm tay trẻ em, nên có khóa. – Cất giữ thuốc còn nguyên bao bì kèm bảng hướng dẫn sử dụng. Nếu là thuốc rời nên để trong chai lọ, đậy nắp và dán nhãn tên thuốc, cách sử dụng. – Thuốc chuyên khoa nên được bảo quản riêng trong tủ thuốc. – Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. – Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu bệnh có biểu hiện tăng nặng. |
Nguyễn Thơ
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…