Categories: Sức khoẻ

Dùng phấn rôm, nhiều nguy hại

Nhiều người vẫn tin rằng phấn rôm là “người bạn” an toàn nhất với trẻ nhỏ. Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa loại phấn này với nhiều căn bệnh.

Cụ thể, tiến sĩ Daniel Cramer, một nhà dịch tễ học Mỹ ước tính, có ít nhất 10.000 phụ nữ bị ung thư buồng trứng do có tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với phấn xoa da trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng nói rằng phấn rôm làm tăng nguy cơ ung thư ở các bé gái.

Thông tin trên khiến nhiều chị em lo lắng bởi đây được xem là “thần dược” trị rôm sảy cho trẻ em mùa nắng nóng. Thậm chí, do tin tưởng sản phẩm dành cho em bé này nên nhiều phụ nữ đã dùng phấn rôm để trang điểm, nhiều người còn thoa vào vùng kín.

Chính bởi vậy, khi nghe mọi người ở cơ quan bàn tán về thông tin này, chị Nguyễn Thị Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) lo ngại: “Nhà mình có hai đứa, 4-5 năm nay đều dùng phấn rôm để bôi cho con, nhất là vào mùa hè. Nếu thực sự sản phẩm này gây hại thì hai đứa con nhà mình sẽ bị bệnh đầu tiên. Chẳng biết mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào”.

Trong khi đó, chị Lê Thanh Mai (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) lại sử dụng phấn rôm để trang điểm. Theo chị, dùng phấn rôm làm lớp nền không chỉ bảo vệ da tốt hơn mà còn giúp da bớt dầu, trắng và mịn hơn. Tuy nhiên, cũng từ khi dùng loại phấn này để trang điểm, da chị Mai mọc nhiều mụn hơn. Vì thế, sau khi nghe tin phấn rôm gây hại, chị thực sự hốt hoảng vì nghĩ mình đang bị biến chứng.

Không nên dùng phấn rôm

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. “Thực chất, phấn rôm không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm hăm da, viêm da nặng hơn”, ông nhấn mạnh.

Đáng lo ngại, những thành phần có trong phấn rôm như bột talc, muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm có thể gây hại nếu hít vào. Trong khi đó, trong quá trình dùng, phấn rôm dễ gây bụi phủ, khả năng hít phải rất cao.

Phấn rôm vào đường hô hấp làm phổi trẻ bị sưng, viêm, gây ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn, khó thở, tím tái… Khi trẻ hít phải nhiều phấn rôm sẽ gây ra tình trạng nghẽn đường thở.

Với kích thước rất nhỏ, các hạt bột phấn sẽ len lỏi vào tận phế nang của trẻ, cản trở hoạt động nhung mao hô hấp. Bụi phấn sẽ tích tụ trong phổi làm tắc nghẽn đường thở ở nhiều mức độ gây thiếu ôxy, viêm nhiễm đường thở và mô kẽ, dẫn tới viêm tiểu phế quản nặng rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Cũng như bác sĩ Dũng, bàn về phấn rôm, TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội, cho biết: “Trước đây người ta hay dùng phấn rôm để làm dịu mát da cho trẻ và trị hăm da, nhưng hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo không nên dùng phấn rôm, đặc biệt tối kỵ việc hít phải bụi phấn, gây hại đường hô hấp, nhất là với trẻ em”.

Riêng việc dùng phấn rôm bôi mặt, ông cho rằng đây là một điều không nên bởi phấn rôm vừa gây bí lỗ chân lông vừa dễ đi vào mũi, miệng của người dùng.

Không để phấn rôm tiếp xúc vùng kín

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa – nam khoa, Trung tâm Y khoa Thái Hà đã cho biết như vậy. Bác sĩ này khẳng định, sử dụng phấn rôm thoa vào “vùng kín” để giữ sự khô ráo và thơm tho gây hại nhiều hơn chúng ta tưởng. Bởi lẽ, phấn rôm khi được thoa vào “vùng kín” sẽ phát tán rộng vào trong tử cung, buồng trứng, các hóa chất sẽ bám vào khu vực này gây dị ứng và lâu ngày có thể dẫn tới ung thư.

Trước khi dẫn tới ung thư, phấn rôm có thể gây ra dị ứng, viêm nhiễm vùng kín mà biểu hiện đặc trưng nhất là ngứa âm đạo, âm đạo có mùi khó chịu… Nguyên nhân là do loại phấn này làm vùng kín bị bí, không thoáng, thoát mồ hôi.

Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không dùng phần rôm bôi vào vùng kín cũng như vùng bụng dưới, nhất là với các bé gái, bởi các hạt bụi phấn li ti có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể và gây viêm nhiễm âm đạo của bé.

Với trẻ bị rôm do nóng, điều duy nhất các mẹ nên làm là cho bé mặc đồ thoáng, tắm nước mát, giữ cho phòng bé thoáng mát và cho bé ăn các thực phẩm mát. Nếu dùng phấn rôm thì chọn những sản phẩm uy tín và chỉ nên bôi vào phần lưng, tay và chân, tuyệt đối không bôi vào vùng bụng dưới trở xuống, tránh hít phải bụi phấn.

Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ; tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt; không thoa phấn lên vùng da bị hăm hay đang bị viêm nhiễm và sau khi sử dụng xong cần đậy nắp, cất nơi cao, tránh xa tầm với của trẻ.

Thanh Thanh

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 hour ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 hour ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

2 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

3 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

4 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago