Categories: Tin tức y học

Để dùng thuốc trị ho hiệu quả

Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp với triệu chứng điển hình là ho.

Khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh rất dễ mắc bệnh về đường hô hấp với triệu chứng điển hình là ho. Vậy khi nào thì phải dùng thuốc ho và dùng thế nào cho hiệu quả?

Nguyên nhân gây ra ho

Về bản chất sinh lý chung thì ho là một phản ứng bảo vệ của cơ thể. Người ta chia ho ra làm hai loại là ho khan và ho có đờm. Nhưng đó chỉ là phân chia về mặt triệu chứng. Còn về nguyên nhân gây ra ho thì có rất nhiều. Một số nguyên nhân sau hay gặp vào mùa lạnh:

Mùa thu đông có đặc điểm thời tiết là khí hậu khô hanh: mang không khí lạnh, khô vào đường hô hấp. Các tế bào niêm mạc đường hô hấp dễ phản ứng với tình trạng này nên dễ bị tổn thương. Chúng bị viêm cục bộ, phù nề, sưng tấy và gây nên ho. Ví dụ như ho do viêm họng.

Viêm phế quản là một trong những nguyên nhân gây ho.

Nhiễm vi khuẩn: do sức miễn dịch đường hô hấp vào mùa lạnh thường giảm so với các mùa khác, nên nguy cơ bị tấn công bởi vi khuẩn khá cao. Khi vi khuẩn tấn công, chúng phá hủy bề mặt niêm mạc, gây viêm. Một mặt chúng kích hoạt phản ứng sốt, một mặt chúng gây ra đờm và dẫn tới ho. Ví dụ như ho do viêm phế quản.

Nhiễm virut: virut có khả năng bám dính và xâm nhập đường hô hấp rất tốt. Ban đầu chúng xâm nhập vào mũi, họng. Sau đó, virut xâm nhập xuống phế quản, phổi. Một mặt chúng gây ra hội chứng viêm nhiễm đường hô hấp chung do virut gây ra, một mặt chúng làm tăng tiết dịch mũi họng và gây ra ho. Ví dụ như viêm mũi cấp tính.

Dị ứng phấn hoa: mùa thu đông cũng là mùa của bụi, phấn hoa bay rải rác trong không khí, mùa của mùi lạ và các chất bẩn trên mặt đường bốc lên. Chúng kích hoạt phản ứng dị ứng cấp tính và gây ra ho. Ví dụ như ho dị ứng.

Dù là nguyên nhân nào, ho ít thì có tính chất bảo vệ và không cần phải dùng thuốc, nhưng ho nhiều lại gây ra tác dụng phụ mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực thì việc dùng thuốc chống ho để cắt cơn ho là cần thiết.

Các thuốc chống ho

Hiện nay, có nhiều loại chống ho thuốc khác nhau. Người ta chia thuốc chống ho ra làm 2 loại chính là thuốc chống ho ngoại vi và thuốc chống ho trung ương.

Thuốc chống ho ngoại vi là thuốc chống ho có tác dụng ngoại vi. Chúng có tác dụng đặc hiệu lên các thụ cảm thể ho nằm dọc trên bề mặt của đường hô hấp. Khi các thụ cảm thể ho bị thuốc chống ho ngoại vi ức chế, chúng bị bất hoạt, không hoạt động, phản xạ ho bị bất hoạt và do đó giúp người bệnh ngừng, hãm được các cơn ho. Thuốc chống ho ngoại vi điển hình như bạc hà.

Thuốc chống ho trung ương là thuốc chống ho có tác dụng trên não bộ. Chúng có tác dụng đặc hiệu lên các trung tâm ho nằm ở hành não, gây ra ức chế các trung tâm này. Khi các trung tâm ho bị ức chế, dù các thụ cảm thể gây ho ở ngoại vi có truyền tín hiệu thần kinh ho về hay không truyền về, thì trung tâm ho vẫn không hoạt động, phản xạ ho được cắt đứt và người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm. Điển hình của thuốc chống ho trung ương là alimemazin.

Dù là thuốc chống ho ngoại vi hay trung ương nhưng chúng đều có một số đặc điểm: giảm ho không đặc hiệu dù cho nguyên nhân gây ho có khác nhau, chỉ điều trị triệu chứng không điều trị nguyên nhân, nhanh hấp thu nhưng cũng nhanh thải trừ.

Cách dùng thuốc hiệu quả

Dùng thuốc chống ho cũng giống như những thuốc khác, nếu là thuốc viên thì uống theo viên, nếu là thuốc sirô thì uống theo mililit, dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ và dược sĩ. Tuy nhiên, để dùng thuốc có hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất, nên chia nhỏ liều trong ngày. Không nên chỉ dùng thuốc chống ho 1 lần/ngày hoặc 2 lần/ngày. Nên dùng thuốc chống ho rải đều ra trong ngày với số lần từ 3-4 lần/ngày. Lý do là thuốc chống ho nhanh hấp thu và nhanh thải trừ. Nếu dùng tập trung vào một số ít lần, khoảng thời gian giữa 2 lần uống thuốc quá xa nhau và không có thuốc để tác dụng.

Thứ hai, nên uống với liều thấp nhất có thể. Không nên gộp thuốc của 4 lần uống vào thành 2 lần uống. Liều của mỗi lần cố gắng thấp nhất trong giới hạn điều trị. Lý do là vì thuốc chống ho hay có tác dụng phụ gây ức chế thần kinh hoặc ngủ gà. Việc dùng liều quá cao là không tốt. Một số thuốc còn có tác dụng phụ gây ức chế trung tâm hô hấp, có thể gây ra ngừng thở trong khi ngủ khi dùng ở liều quá cao.

Thứ ba, một số bệnh có cơn ho xuất hiện vào một số thời điểm trong ngày: ho thành cơn và ho rũ rượi. Để giải quyết tốt tình huống này nên uống chặn trước, chừng 30-45 phút hãy uống 1 liều thuốc chống ho trước khi cơn ho xuất hiện.

Thứ tư, nên kết hợp thuốc chống ho với một số thuốc khác như long đờm, chống dị ứng, kháng sinh, chống chảy mũi nhằm điều trị nguyên nhân. Bởi ho không tự nhiên sinh ra mà phải có một tác nhân gây bệnh. Điều trị đúng tác nhân thì ho sẽ biến mất.

BS. Nguyễn Khánh Trang

Nguồn: suckhoedoisong.vn

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago