Hình ảnh những cánh chim bồ câu chao lượn trên khung trời nhà thờ Đức Bà (Q.1, TP.HCM) có lẽ là nét đẹp bình yên nhất của thành phố giữa những ồn ào, tất bật của nhịp sống thị thành.
Vào năm 2005, sau đợt dịch cúm H5N1 đàn chim bồ câu khoảng 15 đến 20 con bị người ta xua đuổi từ nơi khác bay về phía nhà thờ Đức Bà. Thương đàn chim, anh Nguyễn Phi Cường và một số người dân hàng ngày mang thóc đãi cho chim ăn. Lâu ngày thành quen, đàn chim thân thiết với con người hơn, chúng sinh sôi nảy nỡ lên đến hơn 500 trong vòng 10 năm.
“Nuôi chim bồ câu không khó, chỉ cần hiểu chúng là đủ. Hiểu chúng để biết khi nào chúng đói, khi nào chúng bị bệnh. Cứ hễ một vài con bị bệnh thì phải cho uống thuốc thậm chí đem về nhà đợi khỏi bệnh mới cho nhập đàn” anh Nguyễn Phi Cường chia sẻ.
Theo thường lệ cứ giờ sáng, khi nghe tiếng gạo lắc đàn chim lại sà xuống để ăn
Đàn chim từ khoảng 20 con giờ đây đã sinh sôi nảy nở thành một đàn lớn hàng trăm con
Cứ 6 giờ sáng, tiếng gạo lắc của anh Cừơng như chiếc chuông báo thức, đàn chim ở các nóc nhà cao tầng lại sà xuống sân nhà thờ để ăn. Theo anh Cường đàn chim tập hợp đông nhất và đầy đủ nhất là vào buổi sáng vì lúc này chúng rất đói còn các buổi khác trong ngày chúng sẽ chia từng top để bay đi kiếm ăn ở mọi nơi.
Không chỉ riêng anh Cường, nhiều người dân xung quanh thấy được việc làm ý nghĩa của anh, họ cũng mang thóc ra đãi cho chim. Vào những ngày cuối tuần, nhiều bậc phụ huynh còn cho con ra đây chơi, vừa ngắm chim vừa tập cho con thói quen gần gũi với thiên nhiên với động vật.
Những em bé chìa bàn tay nhỏ xíu đựng đầy hạt thóc, hạt đậu hướng về phía đàn chim bồ câu. Bị đàn chim vây kín, những đứa trẻ cứ thế cười phà lên vì thích thú.
Cuối tuần nhều phụ huynh thường dẫn con mình ra sân chơi với chim bồ câu
Đây cũng là cách tập cho các bé gần gũi và yêu động vật hơn
Không chỉ có người Việt, những du khách người nước ngoài cũng thích xem anh Cường ra hiệu cho đàn bồ câu bay lượn trên nóc nhà thờ Đức Bà bằng tiếng vỗ tay, rồi lại sà xuống sân bằng tiếng huýt sáo hay những tiếng lách cách của những hạt đậu xanh đựng trong lon sắt. Ánh mặt của họ bỗng khiến Sài Gòn buổi sớm mai đẹp bình yên đến kỳ lạ.
Anh Lê Trung Nghĩa, người thường xuyên đến xem chim bồ câu chia sẻ: “Vẻ đẹp mỹ quan đô thị thể hiện qua sự tinh tế ở từng góc phố, từng khu dân cư, đàn bồ câu này đã góp phần tạo nên sự bình yên, nét đẹp riêng có của khu trung tâm Thành phố”.
“Nét đẹp” cần được bảo vệ
Sau một thời gian dài, đàn chim sinh sôi nảy nở tuy nhiên đến thời điểm này số lượng vẫn giữ nguyên, trả lời thắc mắc anh Cường cho biết: “Khi đêm về, khoảng 80% những con chim bồ câu này bay về sau mái hiên Bưu điện Thành phố để ngủ, còn 20% còn lại thì nó bay đi nhiều hướng gần đó. Chính vì đàn chim không tập trung cùng một nơi nên việc quản lý và bảo vệ rất khó”.
Những chú chim mập mạp, lông cánh mượt mà đẹp mắt từ lâu đã lọt vào tấm mắt của những kẻ xấu. Lợi dụng đàn chim trời không ai quản lý, họ ngang nhiên săn bắt chim bồ câu để bán. Đã nhiều lần anh Cường ngăn cản nhưng lại bị họ đe dọa thậm chí đánh anh bị trọng thương.
Khác với ở nhiều nơi đàn bồ câu ở đây luôn thân thiện với con người
Tuy nhiên vì lợi ích cá nhân, nhiều kẻ xấu đang săn bắt đàn chim khiến số lượng chim giảm đi đáng kể
Một số người dân nhớ lại những vụ chim bồ câu bị bắt trộm, thấy kẻ xấu bắt bồ câu nhưng sợ bị đánh không ai dám căn ngăn. Riêng anh Cường do đứng ra can ngăn nhiều lần nên bị kẻ xấu trả thù. Lần nặng nhất là anh bị hành hung phải nhập bệnh viên để cấp cứu.
“Tôi mong sao những bạn bè, anh em đến đây chơi với đàn bồ câu giúp tôi một tay, đừng phá đàn bồ câu này, nó hoảng sợ mà bay đi mất, hãy bảo tồn cho đàn bồ câu ở đây được bền lâu cho cuộc sống ở Sài Gòn mình luôn sống động” Anh Nguyễn Phi Cường bức xúc.
Phan Giang – Trương Ánh (TNO)