Nhiều người ở khoa Nhi, Viện huyết học và truyền máu Trung ương (Hà Nội) dần quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông tất bật chạy đi chạy lại chăm sóc vợ và con gái cùng mắc bệnh ung thư. Thi thoảng trong buồng bệnh lại vang lên tiếng trẻ con líu lo ca hát, học toán, học đánh vần. Chị Phạm Thị Thu Hà và chồng anh Nguyễn Xuân Ngọ đều là giáo viên cấp 2.
Tháng 11/2014, cô con gái út Bảo Ngọc bị sốt kéo dài, bố mẹ đưa con đến Bệnh viện Nhi Nghệ An khám thì phát hiện cháu mắc bệnh máu ác tính. Bé Ngọc được chuyển ra Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội) điều trị. Nỗi lo chưa kịp nguôi thì đến lượt chị Hà cũng phát hiện mình bị ung thư hạch – u lympho Hodgkin, một thể của bệnh ung thư máu. Thương cảnh 2 mẹ con nằm 2 bệnh viện khác nhau, nên chị cũng được chuyển về Viện Huyết học điều trị. Hai mẹ con được sắp xếp nằm một giường tại khoa Nhi.
|
Hành trang nằm viện của bé Ngọc luôn có quyển sách toán, tiếng Việt lớp 1. Ảnh: N.Phương. |
Đến giờ chị Hà vẫn nhớ như in Tết năm ngoái, cả nhà 3 người ở lại Viện; cô con gái đầu học lớp 5 gửi sang cho dì trông. Có lẽ đó là cái Tết ảm đạm nhất của gia đình chị; hai vợ chồng thực sự suy sụp, không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Nhà có một người mắc bệnh ung thư đã khổ đằng này lại những hai người. Gia đình neo người, anh chị em đều lập thân ở xa, bố mẹ 2 bên đều đã già nên mọi việc chăm sóc vợ con đều một tay anh Ngọ. Từ ngày bị bệnh chị Hà không thể đứng lớp, anh Ngọc cũng xin nghỉ dài ngày để chăm sóc hai mẹ con.
Tuyệt vọng nhưng cuối cùng hai vợ chồng chị cũng hiểu cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Điều có thể làm lúc này là hai mẹ con kiên trì chiến đấu với bệnh tật, được đến đâu hay đến đấy, quan trọng nhất là giúp cho con trẻ có những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc. Tiền không có thì có thể vay được, điều quan trọng là sức khỏe.
Mẹ con chị Hà tham gia video kêu gọi hiến máu tính nguyện
“Mới đầu nghe tin con bị ung thư đã buồn, tiếp đến là vợ thì mình càng suy sụp. Nhờ bạn bè, các y bác sĩ động viên nhiều nên mình xác định phải mạnh mẽ để là chỗ dựa cho vợ con. Mình không được phép gục ngã vì ngoài mình ra không còn ai có thể lo cho vợ con”, anh Ngọc chia sẻ
Những lúc điều trị hóa chất cả hai mẹ con thường mệt mỏi, đau nhức khắp người, sốt, ho, viêm phổi… Một ngày của anh Ngọc luôn kín những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo như cho con uống thuốc, đưa con đi tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp cho cả vợ và con. Những lúc bé Ngọc sốt, cả hai vợ chồng lo sốt vó; có đợt bé sốt 39-40 độ C, cả ngày hết bố rồi lại đến mẹ liên tục sờ trán con xem còn sốt không, lấy khăn chườm hạ sốt, lau người… Dù vất vả, ông bố vẫn cố gắng chiều con, vì chỉ cần con khỏe được nghe con nói cười hát là anh cảm thấy mọi buồn phiền đều tan biến.
Năm nay Ngọc vào lớp 1 song chỉ mới đi lớp được một tuần. Thi thoảng con được về nhà, bố mẹ cũng không dám cho con đi học vì nhỡ nắng gió mưa con lại sốt thì còn nguy hiểm hơn. Hơn nữa, cháu truyền hóa chất nên tóc rụng hết, đến lớp hay bị bạn trêu. Vì thế về sau Ngọc không đi học. Ở nhà, tại viện bố mẹ lại tranh thủ dạy con học. Vì thế, bé đã có thể đánh vần được những từ đơn giản, làm thành thạo toán cộng trừ trong phạm vi 20. Những lúc con khỏe, anh Ngọ lại đố con toán; bé cũng rất hay tham gia các hoạt động văn nghệ của Viện.
Cuộc chiến của 2 mẹ con xác định còn dài, trước mắt mất một năm điều trị tấn công, sau đó 2-3 năm điều trị duy trì rồi mới chữa theo định kỳ. “Tôi không dám nghĩ trước, nghĩ nhiều vì không giải quyết được. Thôi thì cuộc sống được đến đâu thì biết đến đó, cứ cố gắng làm sao giữ tinh thần vững vàng…”, chị Hà tâm sự.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…