“Có 1 thời như thế” là chuyên mục của Thời Báo Đại Kỷ Nguyên phác họa lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam: thời bao cấp, với mong muốn thế hệ trẻ có cái nhìn sinh động và chân thực về quá khứ của nước nhà và cùng thế hệ trung niên, lão niên ôn lại thời dĩ vãng không thể quên của mình…
Thời bao cấp với niềm mơ ước sinh tồn “Ăn no mặc ấm” thay vì “Ăn ngon mặc đẹp”
Ở thời nay, ăn mặc “sành điệu”, ăn uống “sành điệu”, chọn nhà hàng nào, thời trang nào… là thứ mà mọi người phải đau đầu suy nghĩ, người đơn giản hơn một chút thì phải là “ăn ngon mặc đẹp”…
Nhưng cách đây 30, 40 năm, vào những năm 70, 80 của thế kỷ 20, các thế hệ người Việt chỉ ước ao đủ ăn đủ mặc. Cái đói trường kỳ gặm nhấm tâm can và dạ dày khiến mọi suy nghĩ của một ngày chỉ xoay quanh vấn đề miếng ăn.
Thế nào là thời bao cấp?
Thời bao cấp, với cách gọi nôm na trong người dân là “thời đặt gạch xếp hàng”, diễn ra từ năm 1957 tại miền Bắc, tới sau 4/1975 thì triển khai trên toàn quốc, mãi tới 4/1989 mới thực sự kết thúc. Giai đoạn này nằm trong ký ức không thể quên của thế hệ đầu 8X, 7X, 6X… Đây là một giai đoạn mà hầu hết hoạt động kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước kiểm soát, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản, không chấp nhận kinh doanh tự do.
Câu thơ lảy Kiều thời đó là một mô tả sinh động về thời bao cấp:
Bắt ở trần phải ở trần
Cho may-ô mới được phần may-ô
▲ Áo may ô thời bao cấp đây! Mỗi năm được 2 chiếc!
Đối với các bạn trẻ hiện nay, làm sao có thể tưởng tượng được áo may-ô, một loại áo lót dùng cho nam giới, cũng thuộc loại hàng hóa cung cấp cho “nhân dân”. Vì thế mới gọi là… bao cấp.
Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê giải thích về định nghĩa “bao cấp”: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”.
Đối với người dân, định nghĩa này đơn giản là:
Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày… Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo.
Tất cả mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo ‘mô hình xã hội chủ nghĩa’, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ.
Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc, pin, cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…
Cái đói đến “mờ mắt” thời bao cấp
Vì sao được nhà nước lo cho toàn bộ mà lại đói?
Toàn bộ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu thiết yếu cuộc sống là thông qua chế độ tiêu chuẩn tem phiếu có định mức cho từng đối tượng. Điểm đặc biệt là định mức này chỉ đáp ứng một phần cực nhỏ nhu cầu sinh tồn của 1 con người, cho nên mới tạo thành cái đói dai dẳng và trường kỳ tháng này qua năm khác.
Các cấp bậc cán bộ nhà nước được tiêu chuẩn cao hơn, từ 3-5 lạng/tháng (300gr-500gr), tùy cấp bậc.
Thông thường nếu chọn thịt thì thôi mỡ, vì chỉ được chọn 1 trong 2. Thời đó không có dầu ăn, phải dùng mỡ để xào, nấu nên mỡ rất quý. Các gia đình vì vậy thường hay chọn “mỡ” thay vì “thịt”, như vậy sẽ có tích cóp được 1 hũ mỡ dùng để chiên xào nấu một thời gian dài hơn là 3 lạng thịt tiêu chuẩn trong tháng.
Tuy nhiên, cán bộ cao cấp lại có tiêu chuẩn gấp 40 lần “nhân dân”: 6kg thịt/tháng. Nhiều người cũng thắc mắc vì sự chênh lệch quá lớn này.
Rau có tiêu chuẩn 3-5kg/người/tháng, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể cần từ 300gr-500gr/ngày.
Em bé dưới 1 tuổi cũng đói, vì tiêu chuẩn của em tất cả là 4 lon sữa đặc có đường “Ông Thọ” trong 1 tháng. Nên mới có cảnh các em bú “nước đường”, một điều mà thời nay dường như không thể tin nổi. Nếu mẹ của các em có giấy tờ chứng minh mất sữa hoàn toàn, thì em bé có khả năng sẽ nhận được 8 lon.
▲ 4 lon 1 tháng thôi các bé nhé! Mẹ muốn pha sữa cho em sao thì pha…
Thậm chí có tiền vẫn phải chịu đói… vì không ai dám bán để mà mua!
Hàng hóa thời đó không được mua bán tự do trên thị trường như bây giờ, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác.
Trao đổi bằng tiền mặt bị hạn chế, nên có người thậm chí có tiền vẫn đói, vì không ai được phép “kinh doanh”. Không có những cái tên mỹ miều như bây giờ là “doanh nhân”, “hộ kinh doanh”, mà chỉ là “phe phẩy” hay “tư thương”, “chợ đen” … những từ mang hàm nghĩa rất tiêu cực và khinh miệt, nếu bị phát hiện sẽ bị công an bắt và tịch thu toàn bộ hàng hóa. “Siêu thị” hay “chợ” là những khái niệm gần như không tồn tại.
Câu nói “Có tiền mua tiên cũng được” ít nhất cũng không thể đúng ở thời bao cấp. Thời này, sổ gạo mới là thứ quan trọng nhất.
Từ sau 30/4/1975 – khi nền kinh tế đặc thù này áp dụng trên toàn quốc, những ai sống ở khu vực phía nam vốn quen với nền kinh tế tự do, chưa quen với cái “đói” trường kỳ của nền kinh tế bao cấp như ngoài bắc, bỗng đột ngột chịu “đói” đến hoảng hốt!
Sự thiếu thốn đi kèm chất lượng “thê thảm”
Sự thiếu thốn cũng đi kèm chất lượng “thê thảm”: gạo mốc xanh đen, gạo hẩm, bột mỳ mốc, rau vàng héo, thịt “bèo nhèo” (phần thịt “ngon” đã được chia chác cho mậu dịch viên và những “mối quan hệ” quen thân của mậu dịch viên).
Gạo thiếu, gạo mốc đen nên cơm thường xuyên là những bữa cơm độn mỳ sợi mốc, bột mì tồn kho (viện trợ từ Liên Xô), sắn khô xắt lát, ngô (bắp), bo bo (hạt lúa mì) hay gạo vỡ (gạo tấm)
Thịt quá ít, có cũng như không, nên thường đổi thành mỡ, để có cái xào nấu rau ăn dần. (Thời đó không có dầu ăn như bây giờ, thi thoảng cũng chỉ có chút dầu lạc (dầu đậu phộng) hôi khét).
Những câu vè thời đó nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:
Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có “đếch”
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu…
Thảm họa “mất sổ gạo”
Tuy “phàn nàn” thiếu thốn như vậy, nhưng thời đó nếu để mất tem phiếu sẽ là thảm họa, so thảm họa này với cảnh thiếu thốn thường nhật thì thiếu thốn vẫn còn là “thiên đường”. Các thế hệ thời đó sẽ đứng trước nguy cơ nhịn đói cả tháng, đi xin, đi vay mượn lương thực, hoặc mua chui lại của “phe tem phiếu” (người tích trữ đầu cơ trái phép tem phiếu).
Vì vậy thành ngữ “Mặt như mất sổ gạo” trở nên vô cùng nổi tiếng thời bấy giờ, dùng để mô tả một khuôn mặt ủ ê não nề không thể đau khổ hơn. Bởi vì thời đó, mất sổ gạo là cầm chắc nhịn đói! Nhịn đói không phải là một ngày hay một tháng mà có khi đến vài ba tháng. Bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn “bảo bối quý giá” này khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại sẽ chạy vạy, vay mượn khắp nơi để sống sót qua ngày đoạn tháng.
Nạn ăn cắp diễn ra phổ biến và rất tinh vi, cũng khiến việc mất tem phiếu, mất sổ gạo diễn ra lại càng thường xuyên hơn.
Cảnh xếp hàng như chơi trò rồng rắn lên mây….
Muốn mua được lương thực thực phẩm, các thế hệ thời đó cần đi xếp hàng 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết lương thực, thực phẩm. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để ‘xí chỗ’ khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào hàng khi mở cửa.
Thậm chí nếu xếp hàng đầu, nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước, bởi vì nếu có những sổ thuộc dạng ‘ưu tiên’ hoặc ‘chen ngang’ do có móc ngoặc với nhân viên thương nghiệp, hoặc đơn giản là xếp hàng tới nơi mới biết đã bị ăn cắp tem phiếu hay sổ rồi.
Rất nhiều khi, mỏi mệt rã rời vì xếp hàng cả đêm, nhưng tới gần lượt, thì cánh cửa hàng mậu dịch sẽ sập xuống phũ phàng trước mặt cùng với câu nói lạnh băng của cô mậu dịch viên “HẾT HÀNG”… Vậy là lê bước về nhà để hôm sau đi xếp hàng tiếp…
▲ Sáng kiến vĩ đại thời bao cấp: nuôi lợn trong nhà tắm hoặc 1 góc bếp căn hộ tập thể 20m2.
▲ Mậu dịch viên thời bao cấp- nghề đáng mơ ước nhất thời bấy giờ, vì đảm bảo có đủ miếng ngon cho nhu cầu sinh tồn của gia đình, và có thể mang “quyền lực” phân phát này để làm mưa làm gió….
Bụng đói cật rét: Không những đói mà còn rét, bụng càng đói thì lại càng rét
Không những đói, các thế hệ thời đó còn chịu rét, vì một năm tiêu chuẩn của một người được 5-7m vải để may quần áo, tương đương với định mức 2-3 bộ quần áo/năm. Nên cảnh mặc quần áo vá chằng vá đụp là điều hết sức thông thường.
▲ Hạnh phúc chờ đợi để được phân phát vải…
Đây được coi như một giai đoạn thất bại, yếu kém và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20
▲ Chiếc xe đạp Favorit – niềm tự hào thời bao cấp.
▲ Bà mẹ và em bé thời bao cấp.
▲ Bám thành tàu điện thời bao cấp, khỏi mất tiền mua vé.
“Cái nghèo” sinh ra “cái hèn”: Cái đói gặm nhấm mất lương tri và những điểm sáng sót lại của tình người thời nghèo đói..
Thế hệ trẻ thời nay sẽ không thể tưởng tượng nổi cảnh thìa nhôm ở cửa hàng mậu dịch ngày xưa của ông cha mình phải bị đục lỗ, và đĩa nhôm ở cửa hàng cũng phải bắt vít chết xuống bàn chứ không thể để tự do. Vì sao vậy?
Ở thời đó, người ta đã phải chấp nhận một nghịch cảnh của xã hội là: Cái đói dai dẳng, thật tàn nhẫn, đã gặm nhấm mất lương tri của nhiều người. Nạn ăn cắp vặt trở nên phổ biến toàn dân, nên các cửa hàng mậu dịch chỉ còn cách đó để tránh bị mất mát đồ đạc.
Ăn cắp thời đó đã trở nên rất tinh vi, tới nỗi hình thành nên một khái niệm là “nghệ thuật móc túi siêu đẳng”… Rất nhiều kẻ cắp lão luyện thường xuyên trà trộn vào các dãy xếp hàng rồng rắn lên mây, vờ như xô đẩy người khác hay bị xô đẩy, để rồi lợi dụng lúc xô đẩy đó mà áp sát đối tượng để “móc túi” một cách “nghệ thuật”. Có quá nhiều người thời đó xếp hàng, mặc dù rất cẩn thận giữ chặt phiếu rồi, mà tới khi đến lượt mua hàng thì phiếu đã không cánh mà bay… Khuôn mặt đầy nước mắt của họ vào thời khắc đó khốn khổ đáng thương hơn bất cứ điều gì… nhịn đói rồi…
Căn bệnh ganh tỵ và kèn cựa cũng trở nên trầm kha hơn ở các cơ quan đoàn thể vì sống theo chế độ tập thể khiến ai cũng coi sự công bằng tuyệt đối là một chân lý, họ bị méo mó tính cách vì tin vào điều đó.
Nhưng một điểm sáng của thời đó so với thời nay mà người ta vẫn nhận thấy đó là tình người, tuy có ganh tỵ và kèn cựa nhau vì miếng cơm manh áo, nhưng người với người cũng vẫn thường hay đối xử tốt bụng, nâng đỡ nhau, sẵn lòng giúp đỡ nhau và “coi việc của bạn như việc của mình…” Nhờ giữ chỗ xếp hàng, nhờ đặt gạch, nhờ bơm xe vá xe đạp, nhờ trông hộ nhà, nhờ trông con nhỏ …vv, nhiều cái nhờ vả thời bao cấp mà không còn tồn tại ở thời nay trong cuộc sống hiện đại mà ai cũng quay cuồng với các vấn đề riêng của cá nhân….
▲ Cặp lồng cơm- vật bất ly thân phổ biến của các công chức khi đi làm.
Những câu chuyện không thể tin nhưng có thật thời bao cấp về cái đói: Xin lỗi lợn!
Các câu chuyện bi hài có thực 100% về cái đói thời bao cấp do bác Trần Thị Thúy Nga ở Hà Nội kể lại cho phóng viên Đại Kỷ Nguyên:
“Ở một đơn vị quân đội, giống như mọi đơn vị khác, có tình trạng nuôi lợn để tăng gia thời bao cấp. Thời đó chưa có cám công nghiệp, toàn bộ thức ăn cho lợn phải dựa vào nguồn cơm thừa canh cặn của bếp ăn tập thể. Thông lệ là phần “cơm cháy” ở đáy nồi cơm của bếp ăn tập thể là để dành cho lợn. (Thời đó không có nồi cơm điện chống dính, nên nồi cơm luôn có cháy)
Nhiều lần nhà bếp bỗng thấy cháy nồi cơm cứ bị “biến mất”, nên đã quyết định “điều tra”, “rình” để bắt kẻ tội phạm.
Cuối cùng kẻ tội phạm là một anh lính trẻ đã bị bắt. Vì quá đói trường kỳ, nên anh đã làm liều, đi ăn vụng cháy dành cho lợn hết lần này đến lần khác.
Hình thức kỷ luật áp dụng cho anh là: Tới chuồng lợn và xin lỗi lợn nhiều lần..”
1 con vịt cỏ 7 lạng cho 200 người ăn và phương châm “Sống cùng sống, chết cùng chết” thời bao cấp
Đó là câu chuyện thời sinh viên của bác Nga. Bếp ăn tập thể sinh viên thời đó lâu lâu có bữa gọi là “cải thiện”, tức là có “thịt” chứ không chỉ rau và muối như thường lệ. Các sinh viên năng động phải tham gia vào công tác hậu trường nhà bếp. Lần ấy bài toán nhà trường đưa ra quá khó khăn cho bác. Món cải thiện cho bếp ăn của trường là một chú vịt cỏ bảy lạng gồm cả xương sau khi bỏ lông. Bài toán là số thịt này nhất định phải được chia đều cho các suất ăn của 200 sinh viên. Làm thế nào đây để đạt được sự công bằng? Các phương án luộc, xào, nấu… đều không thể khả thi.
Vắt óc mãi không thể tìm ra phương án phân chia công bằng, cuối cùng 1 tia sáng cũng phải lóe lên: băm (bằm) toàn bộ con vịt cỏ nhỏ bé đó, bằm cả xương, tới mức li ti như vụn bột, sau đó cho vào nấu canh toàn bộ. Cuối cùng các sinh viên không thể nào nhận ra một dấu tích gì của món “Thịt vịt cải thiện” của nhà trường trong suất ăn tập thể, vì đã bị bằm quá li ti và tan biến mất trong một nồi canh quá lớn cho 200 người ăn… Các sinh viên không phải tranh giành hay kèn cựa, kiện cáo nhau nữa…
Mời độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên ôn lại những kỷ niệm khó quên thời bao cấp, bằng cách chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện bi hài của mình qua hòm thư: contact@daikynguyenvn.com
Loạt ảnh về cửa hàng và tem phiếu thời bao cấp
▲ Xếp hàng gửi xe trước khi vào mua hàng.
▲ Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch Nhà nước.
▲ Các mậu dịch viên chuẩn bị hàng hóa, giá cả trước khi phục vụ người dân.
▲ Mua đồ gia dụng.
▲ Quầy bán vải.
▲ Khu vực bán dép, guốc nhựa.
▲ Tiền mặt hạn chế sử dụng ở thời kỳ này, thay vào đó là hình thức tem phiếu.
▲ Đài phát thanh là một thứ hàng xa xỉ ngày đó.
▲ Phiếu mua thịt.
▲ Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1 mét, và tối thiểu là 10 cm.
▲ Tem lương thực có thể đổi lấy các loại lương thực như: gạo, sắn, ngô, khoai tây, hạt lúa mỳ… với trọng lượng tương đương ghi trên tem.
▲ Có thể mua các phụ tùng xe bằng các tấm phiếu này.
▲ Phiếu mua chất đốt và tem đường. Với phiếu mua chất đốt thì có thể sử dụng để mua: dầu hỏa, củi, than… Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua.
▲ Sổ mua lương thực hay còn gọi là sổ gạo, thời kỳ này viên chức Nhà nước chỉ được mua 13,5kg/1 tháng. Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện từ đây: Mất sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!
▲ Quy định của Nhà nước trong việc dùng tem phiếu.
Một bài báo về chỉ dẫn mua hàng tết bằng tem phiếu.
Mời độc giả đón đọc phần sau: Tình yêu thời bao cấp
Hà Phương Linh
Nguồn: ĐKN
Đột nhiên thấy phân nhạt màu và lặp lại thường xuyên thì đây có thể…
Theo thống kê của Bộ Y Tế có đến khoảng 10-20% dân số cả nước…
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…