Tính đến ngày 19/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã lan ra 19 tỉnh/thành, riêng Hà Nội có 4 quận, huyện có dịch. Làm thế nào để lựa chọn được thịt tươi ngon, đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn gia đình và sức khỏe là điều khiến nhiều người tiêu dùng đang băn khoăn.
Giữa tâm dịch, việc tiêu thụ thịt lợn theo ghi nhận của chúng tôi ở một số chợ dân sinh nội thành Hà Nội, vẫn khá sôi động. Giá cả của thịt lợn vẫn không biến động nhiều. Chị Thu Hồng – tiểu thương bán thịt lợn ở chợ dân sinh phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tiêu thụ thịt của chị so với trước đây. Số lượng thịt bán ra giảm nhưng không đáng kể. Hầu hết người dân đi chợ đều nắm được thông tin thịt lợn dù có “dính” phải dịch tả cũng không có cơ chế lây lan sang người nên áp lực lo lắng giảm rất nhiều. “Hơn nữa, chúng tôi dù có muốn trà trộn thịt bệnh vào cũng chẳng qua mắt được người mua. Vì thịt bị dịch bệnh thì nhìn mắt thường có thể biết ngay, màu sắc thâm xỉn không tươi tắn, thịt không dính tay mà rất bã, chưa kể có mùi khó chịu. Ở đây có cả chục sạp thịt, ai bán thịt ôi, thịt bệnh thì coi như hết đường kinh doanh lâu dài” – chị Hồng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, việc bán lẻ thịt lợn thì nghiêm túc do có quan sát lựa chọn trực tiếp bằng mắt thường, song thịt nhập cho các hàng quán thì đúng là khó kiểm soát; việc trà trộn thịt bệnh vào thịt sạch không có gì khó khăn nếu người bán thiếu lương tâm. Chính vì vậy, tốt nhất nên hạn chế ăn uống “cơm đường cháo chợ” để tránh ăn phải thịt bệnh. Được biết, một số trường học ở Hà Nội trong thời gian diễn ra dịch bệnh đã chủ động cắt giảm thực đơn có thịt lợn cho học sinh. Động thái này nhằm giảm thiểu tâm lý lo sợ cho phụ huynh, giúp học sinh yên tâm sử dụng bữa ăn bán trú an toàn.
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Điều đáng nói là dịch bệnh tả lợn châu Phi không lây truyền trực tiếp sang cho con người. Mặc dù không gây bệnh trên người nhưng dịch bệnh tả lợn châu Phi có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn mắc bệnh tả có nguy cơ mắc thêm một loạt bệnh nguy hiểm khác như lợn tai xanh, cúm, thương hàn… Đây chính là đầu mối nguy hiểm sức khỏe con người nếu ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh. Người ăn phải thịt nhiễm virus tả lợn châu Phi lúc này có thể bị rối loạn tiêu hóa, nhất là khi ăn tiết canh, ăn thịt chưa nấu chín kỹ.
Trước tình hình này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyên người dân cần đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, đồ tái từ lợn.Theo ông, để phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh, người dân có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ thấy thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.Thịt con lợn bị bệnh sẽ có màu sắc bất thường. Đặc biệt, với thịt lợn đã chết màu sắc thường nhợt nhạt, tím tái, thâm đen, có mùi khó chịu. Cụ thể:
– Màu sắc: Thịt lợn khoẻ mạnh, có màu hồng tươi tự nhiên, phần mỡ trắng, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.
– Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.
– Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.
– Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
– Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
– Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.
Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh chóng. Cơ quan Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người dân về việc tiêu thụ thịt lợn. Cụ thể, cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; Không tới thăm khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Khi thấy lợn chết, hãy báo cáo chính quyền địa phương; Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài, nếu mang theo, hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng để được hướng dẫn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong thịt lợn có nguồn protein chất lượng cao, có đầy đủ các axit amin thiết yếu cho sức khỏe con người. Theo nghiên cứu, trong 100g thịt lợn chứa các axit amin thiết yếu như: histidin: 5.751mg; isoleucine:6.189mg; leucine: 10.387mg; methionin: 3.469mg; phenylalanine: 5.122mg; threonine: 5.171mg; tryptophan: 1.212mg; lysin: 11.482mg. Ngoài các axit amin thịt lợn còn cung cấp các vitamin quan trọng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vitamin B.
Yhocvn.net/Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…