Categories: Nuôi dạy trẻ

Cho con đi nhà trẻ, ngổn ngang lòng mẹ

Đi trẻ là một bước ngoặt quan trọng trên hành trình trưởng thành của trẻ

Liệu con mình có non nớt quá không? Liệu con có thích nghi được với môi trường xa lạ, không có người thân nào hay không? Con có phản ứng tiêu cực với trường học, với cô giáo?

Đó chỉ là vài trong vô vàn câu hỏi mà các bậc cha mẹ phải đối mặt trước lần đầu đi lớp của con.

Với nhiều bà mẹ, ký ức về ngày đầu con đi mẫu giáo là mẹ khóc, con khóc. Đau đến xé lòng khi con òa khóc nức nở, dáo dác tìm hình bóng của mẹ dù đang được bế trong vòng tay cô giáo. Vượt qua những ngày đầu tiên đi học là một hành trình gian nan với không chỉ con, mà còn với chính mẹ nữa.

Các chuyên gia tâm lý nói rằng, với cả trẻ lẫn bố mẹ, đi học mẫu giáo là một bước ngoặt thực sự trong hành trình trưởng thành của trẻ. Đó là cột mốc đánh dấu sự hòa nhập xã hội một cách chính thức của con, và vì thế, bố mẹ không chỉ cần chuẩn bị trước tinh thần cho con mà còn phải chuẩn bị tinh thần cho chính mình, lường trước tất cả những vấn đề tâm lý mà trẻ có thể nảy sinh trong giai đoạn này.

Và quan trọng nhất, hãy tỏ ra dũng cảm và kiên trì. Hãy để cho bé hiểu rằng bạn luôn sát cánh bên bé, nhưng việc đi học là cần thiết và không thể né tránh.

Mới đây, tờ Washington Post đã đăng tải một bức thư xúc động của một người mẹ có con ngày đầu đi học. Chắc chắn, nhiều bà mẹ cũng sẽ tìm thấy hình bóng của mình trong thư:

Tôi đeo kính vào và hít thở sâu. Nắm chặt tay nhau, chúng tôi bắt đầu bước ra phố trong ngày đầu tiên đến trường của bé. Tôi biết rằng chỉ vài phút nữa thôi, bé sẽ khóc. Nó luôn thế, khóc to khi hồi hộp, lo sợ trước một trải nghiệm mới. Nhưng tôi cũng biết rằng một khi bước vào lớp học, bé sẽ lớn thêm một bậc.

Trong lúc rảo bước, bé hỏi tôi rằng liệu tôi có chờ ngoài cửa khi lớp tan học hay không. “Bằng cách nào con tìm được mẹ?” – Bé hỏi.

“Chúng ta sẽ cùng tìm một vị trí để mẹ đứng đó và con biết chính xác phải tìm ở nơi nào nhé, được không?” – Tôi trả lời.

“Nhưng nếu không ai nói chuyện với con thì sao?”

“Mẹ biết chắc là cô giáo sẽ trò chuyện với con. Cô sẽ giúp con tìm chỗ ngồi và thậm chí là sẽ giới thiệu con với tất cả các bạn khác nữa. Mẹ cá là các bạn ấy cũng đang cảm thấy hồi hộp hệt như con vậy”.

Bé ngoảnh sang chỗ khác và bắt đầu nghịch quai đeo ba lô. Đêm qua, chúng tôi đã dành 20 phút để chuẩn bị đồ đạc và xếp chúng vào chiếc ba lô này. Bé đã lén nhét vào một con thú bông sáng nay mà nghĩ rằng tôi không nhìn thấy.

“Thế nếu con xấu hổ và không chịu nói chuyện với mọi người? – Bé lại hỏi.

“Con có thể cảm thấy ngượng ngập lúc đầu, nhưng hãy cho chính mình chút thời gian và con sẽ nhận ra rằng đi học sẽ rất vui. Con sẽ cảm thấy thoải mái hơn” – Tôi đáp.

Bé ngước lên và mỉm cười trong lúc chúng tôi đứng đợi ở đèn giao thông. “Con sợ nhưng cũng rất thích mẹ ạ”.

Nhưng đi thêm một góc đường, bé lại xịu mặt xuống. Học sinh đứng tụ tập rất đông trong mọi góc sân trường khiến bé bị ngợp. Mắt bé bắt đầu ngân ngấn nước. “Con có thể làm được việc này mà con yêu. Ai cũng có chỗ trong hàng cả, hãy đi tìm chỗ của con nào” – Tôi động viên.

Chúng tôi đứng xếp hàng cùng với lớp của bé và ngay khi bé chuẩn bị ôm lấy chân tôi thì nó nhìn thấy mấy em bé khác ở gần nhà mà nó vẫn hay chơi cùng.

Chỉ trong tích tắc, bé vui vẻ hẳn lên. Khi cô giáo bắt đầu dẫn các bé vào lớp, bé nhà tôi không khóc, không cố với ra với mẹ, mà cười.

Nhưng khi tôi ngắm đôi bàn chân nhỏ xinh đó bước vào tòa nhà, chính tôi mới là người cảm thấy nghẹn ngào và ngợp trong cảm xúc. Tôi cố giấu đi những giọt nước mắt đằng sau cặp kính và vẫy tay chào con có phần hơi quá khích.

Nhưng đó là một khoảnh khắc tuyệt đẹp. Tôi lau nhẹ nước mắt và nắm lấy tay chồng khi chúng tôi bước ra khỏi trường, cảm thấy thực sự hạnh phúc. Không, còn là cảm giác tự hào nữa.

Cả ngày hôm đó, tôi thấp thỏm không yên, tự hỏi bé giờ này đang làm gì. Nó đã kết bạn với bé nào chưa? Nó có đi vệ sinh được ở trường không? Có bạn nào xử tệ với nó không? Nó có biết cắm ống hút vào cốc nước ở trường không?

Trong lúc chờ đón bé, tôi cảm thấy mình giống như đứa trẻ xếp hàng để được gặp ông già Noel. Bé bước ra với đôi tay vẫy vẫy. “Mẹ ơi con không khóc” – Bé khoe, ôm chầm lấy tôi và cho tôi xem chiếc ba lô đầy đồ trong đó.

Sau 2 giờ nghe con ríu rít kể về ngày đầu tiên ở lớp, chúng tôi trò chuyện về tất cả những cuộc “phiêu lưu” mà bé đã trải qua. Và khi chúc con ngủ ngon, tôi nói với bé rằng bé đã khiến tôi thực sự tự hào. Bé quay lại phía tôi và nói: “Con thích trường này. Nhưng con không thích một thứ”.

“Ồ, gì vậy con?” – “Ở trường chẳng có búp bê Barbie nào cả”.

Tôi mỉm cười và trong một tích tắc, cảm thấy khó hiểu rằng tại sao trên thế giới này lại có một nơi không trưng bày Barbie cơ chứ. Nhưng nếu như đó là điều duy nhất mà con bé không thích ở trường mẫu giáo thì tôi có thể yên tâm rằng ngày đầu tiên đã trôi qua trong yên ả.

Và cũng giống như bé, tôi sẽ không khóc nữa.

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago