Thói quen ăn uống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. Đó là điều không khó để tưởng tượng. Nhưng nếu sự ảnh hưởng này đến từ trước khi đứa trẻ được sinh ra? Đó là ý tưởng hoàn toàn bất ngờ được chỉ ra trong một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức.
Trong nghiên cứu trên chuột của mình, các nhà khoa học xác nhận chế độ ăn của chúng có ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì và tiểu đường cho thế hệ sau, ngay cả khi những con chuột con chưa được thụ thai. Tất cả các điều kiện nhiễu đã được loại trừ khi chuột con được thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, chúng được đưa vào cơ thể một chuột cái khỏe mạnh khác, trước khi được sinh ra đời.
Chế độ ăn của cha mẹ ảnh hưởng đến con cái ngay cả khi chúng chưa được sinh ra?
Nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng mới nhất cho biểu sinh học, ngành khoa học nghiên cứu những đặc điểm di truyền thừa hưởng không cần thông qua những mã hóa trên DNA.
“Từ quan điểm của khoa học cơ bản, nghiên cứu ngày rất quan trọng. Nó lần đầu tiên chứng minh một rối loạn chuyển hóa có thể ảnh hưởng đến sự di truyền ngoài gen qua tế bào trứng và tinh trùng”, nhà nghiên cứu Johannes Beckers đến từ Trung tâm Nghiên cứu môi trường và sức khỏe của Đức cho biết.
Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học chia những con chuột giống hệt nhau về mặt di truyền thành 3 nhóm. Một nhóm được cho ăn chế độ giàu chất béo, một nhóm ăn chế độ tiêu chuẩn và nhóm còn lại ăn ít chất béo. Sau 6 tuần, nhóm chuột ăn nhiều chất béo bắt đầu trở nên thừa cân và có biểu hiện của tiểu đường loại 2.
Giai đoạn này, các nhà khoa học sẽ thu thập tinh trùng và trứng của những con chuột trong từng nhóm. Sau đó, chúng được thụ tinh trong ống nghiệm rồi đưa vào cơ thể của một con chuột cái khỏe mạnh khác. Những con chuột con được sinh ra, chúng tiếp tục được cho ăn một chế độ giàu chất béo.
Kết quả quan trọng xuất hiện trong thời điểm này. Các con chuột thụ tinh từ trứng và tinh trùng của nhóm chuột béo phì nhanh chóng bị tăng cân và có dấu hiệu tiểu đường. Ngược lại, con của những con chuột đã ăn chế độ ít chất béo thể hiện sự tăng cân chậm nhất.
“Điều này đã chỉ ra sự thay đổi chuyển hóa ở thế hệ con cái có vai trò quan trọng hơn nếu trứng và tinh trùng được thu thập từ nhóm chuột ăn nhiều chất béo. Chế độ ăn uống của cha mẹ là có ảnh hưởng đến con cái”, Romain Barres, một nhà sinh học phân tử đến từ Đại học Copenhagen nói.
Nghiên cứu được thực hiện trên chuột
Những phát hiện của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Kết luận cũng chỉ ra thêm rằng những con chuột cái dễ bị tăng cân hơn khi cha mẹ chúng béo phì. Những con chuột đực thì dễ mắc tiểu đường loại 2. Nguyên nhân phía sau hiện tượng này vẫn cần được tìm hiểu kỹ càng hơn. Có lẽ sẽ cần nhiều nghiên cứu nữa trong tương lai tập trung vào lĩnh vực này.
Cho đến nay, thí nghiệm mới được thực hiện trên chuột và chưa thể kết luận chắc chắn điều tương tự ở con người. Tuy nhiên, ít nhất nó cũng cho thấy những manh mối quan trọng giúp các nhà nghiên cứu chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực biểu sinh học.
Trong tương lai, để có thể tìm hiểu cơ chế này trên người, các nhà khoa học có thể hướng đến nghiên cứu chế độ ăn kiêng khi mang thai của các bà mẹ. Rất có khả năng một điều gì đó sẽ được hé lộ ở đây. Nếu cơ chế biểu sinh học này đúng với con người, chúng ta có thể sử dụng nó để giải thích một điều khúc mắc trong y học điện nay. “Nó có thể là nguyên nhân chính cho sự gia tăng bệnh tiểu đường trên toàn cầu từ những năm 1960”, Martin Hrabě de Angelis, một trong số tác giả của nghiên cứu nói.
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…