Tờ “đơn xin cho con học dốt” của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng với hơn 30.000 lượt thích, gần 9.000 lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận sau chưa đầy 24 giờ đăng tải.
Chia sẻ với VnExpress về lá đơn này, Ngọc Thạch cho biết những gì anh viết là những câu chuyện anh từng nghe, từng thấy từ mọi người xung quanh.
Thạch chia sẻ thêm, một người chị anh quen cũng từng tạo cho cậu con trai đang học cấp 3 nhiều áp lực. Chị chỉ nhận ra điều đó khi một lần lén đọc được tâm sự “chán nản, muốn chết cho rồi” của con. “Đến lúc đó, chị ấy mới hoảng sợ nhận ra mình đã bắt con học quá nhiều thứ, khiến con luôn căng thẳng, chán nản và nhiều lúc như bị trầm cảm. Từ đó, chị mới tìm hiểu về cuộc sống của con, không đặt nặng chuyện học hành, để con thoải mái hơn”, Thạch nói.
Đóng vai một bà mẹ trong status, Thạch cho biết người anh thực sự muốn nhắn nhủ chính là các bậc phụ huynh.
“Cha mẹ hãy bỏ nhiều thời gian dành cho con mình hơn, đừng đẩy hết trách nhiệm giáo dục cho thầy cô hay chỉ trông chờ vào những thay đổi của Bộ Giáo dục. Hãy quan sát, hiểu rằng con mình là một cá thể độc lập và duy nhất, từ đó tìm hiểu, định hướng và có cách dạy con phù hợp. Cũng đừng áp đặt tư duy học là để kiếm tiền, có việc làm… Tư duy đó, theo tôi, biến sự học trở nên thực dụng và làm hư giá trị của tri thức. Học, là để bản thân chúng ta hiểu hơn về con người, về cuộc đời, và từ đó chúng ta sống bao dung hơn, hạnh phúc hơn”, Thạch chia sẻ.
|
Nguyễn Ngọc Thạch là tác giả trẻ được nhiều bạn trẻ yêu mến. |
Đơn xin cho con tôi học dốt.
Kính gửi Bộ giáo dục cùng các vị nhiều thâm niên trong lĩnh vực giáo dục.
Tôi viết đơn này, chỉ mong quý nhà trường, quý bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành học sinh dốt trong năm học này.
Tôi cũng như bao nhiêu người mẹ khác, thường quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và độc lập, không giống bất kỳ ai… nên tôi vẫn thường so sánh nó với con chú Sáu hàng xóm, con chị Ba tổ trưởng… để khi con tôi được 8 điểm, tôi trách nó là sao không được 10 điểm như con chú Sáu…
Con tôi chưa bao giờ nhận được lời khen nào từ tôi, thay vào đó là những lời trách cứ vì sao không giỏi bằng những đứa trẻ xung quanh. Và con tôi rơi vào trầm cảm từ đó… Thật tuyệt vọng biết bao khi mọi cố gắng của mình đều bị người thân khước từ nhìn nhận.
Con tôi học giỏi từ lớp một đến lớp chín, chỉ khi đến lớp 10, mọi thứ trở nên tệ hại khi điểm số nó giảm thê thảm. Con tôi không thể giỏi đều mười mấy môn học nhà trường yêu cầu, cháu rất cố gắng học để giỏi Toán, Hoá, Sinh vì thích trở thành bác sĩ dù rằng nghề đó học lâu, chi phí cao và hiểm nguy trùng điệp. Nhưng các môn khác cháu không thể giỏi, cháu chạy chậm do thể lực yếu, cháu viết văn không tốt, lúng túng về diễn đạt, cháu không thuộc được hết ngày nào quân ta thắng quân địch, quân ta chết bao nhiêu… Và điểm số của cháu ở những môn không phải thế mạnh chỉ là bốn năm điểm.
Tôi như người điên… Nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm… Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp… Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học.
Lịch của cháu là học trường sáng chiều, tối đến trung tâm, thứ bảy, chủ nhật thì học nhà thầy… cốt yếu chỉ để con tôi giỏi lại ở những môn còn lại, đạt trên 6,5 và trở thành học sinh giỏi.
Cháu cố tự tử đêm qua…
Liên tục đập đầu vào tường, rất mạnh, cả tôi và chồng đã phải giữ cháu lại, ôm cháu vào lòng, hỏi han cả đêm… Cháu mới thú nhận, dù học thêm rất nhiều, nhưng rồi điểm số của cháu cũng chỉ lẹt đẹt, vì tới tối, lúc lê mình tới trung tâm, cháu chỉ còn đủ sức để gục đầu và ngủ mê mệt dưới bàn…
Cháu không muốn sống nữa, vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã.
Nay, tôi viết đơn này, trước hết xin nhận mọi khuyết điểm về phần mình khi quyết định cho cháu nhà là học sinh dốt, không giỏi, không tiên tiến. Chắc chắn điều này sẽ làm thành tích thi đua của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng, bằng trái tim người mẹ, tôi muốn cứu con mình ra khỏi vòng xoáy của thứ áp lực học hành.
Những đứa trẻ đó, chúng chỉ cần mang ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện nào của gia đình hay dòng tộc.
Những đứa trẻ đó, có ưu khuyết, cần được định hướng để lựa chọn thứ phù hợp với bản thân, không cần phải trở thành một siêu nhân để giỏi đều tất cả các môn học. Điều mà tôi tin rằng ngay cả thầy cô cũng không thể làm được.
Những đứa trẻ đó, là con người… không hoàn hảo, nhưng sự không hoàn hảo đó nhắc nhở chúng phải tự hoàn thiện mỗi ngày dài trong đời.
Vì lẽ đó, tôi tha thiết xin cho con mình được thành học sinh dốt.
Kính đơn…
Mộc Miên
Nguồn: VnExpress
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…