Ong đốt kể cả ong độc và không độc đều gây phản ứng cơ thể, sớm nhận dạng ong độc là rất quan trọng.
– Nước ta có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Các loại ong vò vẽ, ong bắp cày và một số loại ong vùng rừng núi rất độc và nguy hiểm.
– Hàng năm, thường vào cuối mùa hè và sang thu, ở tất cả các vùng miền, đặc biệt vùng rừng núi có nhiều trường hợp bị ong đốt và nhiễm độc nặng nề, chữa trị phức tạp, tốn kém, nằm viện kéo dài, thậm chí tử vong.
Nhận dạng ong độc và biểu hiện nhiễm độc:
2.1. Ong mật:
– Đốt bàn chân sau cùng (chân thứ 3) to lên và mang theo cục phấn hoa (giỏ phấn), khi đốt để lại ngòi, tổ có mật.
– Ong khoái (ong gác kèo) làm tổ to trên cành cây cao, vách đá, tổ treo xuống như bọng nước, ong to, rất dữ tợn.
– Nước ta hiện có 5 loài ong bản địa (ong nội, ong khoái, ong ruồi đỏ, ong ruồi đen và ong đá) và ong nhập từ nước ngoài. Nói chung ong mật hiền (trừ ong khoái).
Biểu hiện bệnh sau khi bị đốt:
– Tại vết đốt đau, sưng nề.
– Đốt các vị trí nguy hiểm (đầu, mặt, cổ): có thể gây khó thở, tổn thương mắt.
– Dị ứng: mẩn ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở, sốc do dị ứng (mạch nhanh, yếu, tụt huyết áp).
2.2. Ong vò vẽ, ong bắp cày:
– Nhận dạng: ong vò vẽ (ong bồ vẽ, ong mặt quỷ) làm tổ trên cây, mái nhà, cột,…tổ có hoa văn như vân gỗ, hình bầu nậm hoặc hình khối lớn chỉ có một lỗ để ong ra vào, hung dữ. Ong bắp cày (ong mặt ngựa, ong đất, ong bù trình) làm tổ dưới mặt đất, thường dùng tổ mối đã bỏ đi, hốc đất, người đi rừng dễ dẫm phải. Ong rất to, có thể cỡ ngón tay, rất hung dữ. Các ong này khi đốt không để lại ngòi và một con có thể đốt nhiều nốt.
– Độc tính: rất độc, gây tổn thương da và để lại vết thương, sẹo ở vùng bị đốt, độc với cơ, thận, máu. Dễ tử vong, gia súc lớn bị đốt nhiều nốt cũng có thể chết.
Sơ cứu ong đốt:
– Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong. nhận dạng ong độc
– Dùng kẹp nhổ tóc để nhổ, hoặc dùng cạnh sắc của miếng bìa, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại,…để gạt và lấy ngòi ong ra (nếu là ong mật, số lượng vết đốt ít).
– Cho bệnh nhân uống đủ nước.
– Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám.
– Gọi cấp cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu:
+ Số lượng vết đốt nhiều (từ 10 nốt trở lên).
+ Ong vò vẽ, ong bắp cày, ong rừng đốt.
+ Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt).
– Bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, ví dụ:
+ Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt.
+ Mẩn ngứa.
+ Khó thở.
+ Mệt nhiều.
+ Đái ít.
+ Vàng mắt, vàng da.
– Bệnh nhân khó thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có.
– Không- tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không cố tìm vôi để bôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
Phòng tránh bị ong đốt:
– Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.
– Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới), không chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn.
– Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng (ong dễ đến làm tổ).
– Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4).
– Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.
– Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.
– Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).
– Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).
– Cách loại bỏ tổ ong: dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng.
(Theo CĐ BV Bạch Mai)
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…