Categories: Tin tức

Bệnh nhân thủng dạ dày do viêm loét nặng

Anh Huy (51 tuổi) đau bụng dữ dội hơn 5 tiếng đồng hồ nhưng chủ quan không nhập viện sớm.

Cơn đau bụng đột ngột như dao đâm ở vùng thượng vị bắt đầu lúc 4h, nhưng anh Huy vẫn cắn răng chịu đựng. Đến 9h, người nhà mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ thủng dạ dày do biến chứng từ bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Triệu chứng điển hình gồm đau bụng dữ dội khắp ổ bụng; đau liên tục; các cơ thành bụng co cứng như gỗ. Ngoài ra, có thể nôn, sốt, bí trung đại tiện…

Kết quả chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng và làm xét nghiệm, phát hiện thấy hình liềm hơi dưới vòm hoành. Các bác sĩ xác định thủng ổ loét trước hành tá tràng, đường kính 8mm, yêu cầu mổ cấp cứu ngay.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quang Hà – Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Thu Cúc cho biết: “Nguyên tắc điều trị thủng dạ dày – tá tràng là phải mổ càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được mổ trước 12 tiếng, tỷ lệ tử vong 0-0,5%; sau 12 giờ tử vong đến 15%. Vì vậy, toàn bộ ekip của bệnh viện phải nhanh chóng chuẩn bị để có thể tiến hành xử lý ngay trường hợp nguy cấp này”. 

Thủng dạ dày – tá tràng là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa phổ biến, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể đe dọa tính mạng.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng, rửa sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Thể trạng anh Huy vốn yếu, mắc nhiều bệnh phối hợp, sức đề kháng lại suy giảm. Ổ loét đã xơ chai, khó khâu, khâu rất dễ bục, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn và giàu kinh nghiệm xử lý. Suốt một giờ, toàn bộ ekip gây mê – hồi sức – phẫu thuật – điều dưỡng phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

“Nhờ phối hợp ăn ý trong công tác chuẩn bị, gây mê hồi sức và phẫu thuật mà chúng tôi đã cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân hồi phục tốt, tỉnh táo, bụng mềm, vết mổ khô“, bác sĩ Hà cho biết.

Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt sau mổ. 

Bệnh nhân thủng dạ dày – tá tràng cần được chăm sóc đặc biệt sau mổ, nhất là người có thể trạng yếu, mắc nhiều bệnh phối hợp. Những ngày đầu, đội ngũ y tá và điều dưỡng viên phải theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe liên tục cho tới khi ổn định hoàn toàn.

Người bệnh được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Khi đã có nhu động ruột, thì bắt đầu bắt đầu cho bệnh nhân uống, sau đó cho ăn từ lỏng tới đặc. Thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa trong ngày (6-8 bữa). Dần dần cho ăn giảm dần số bữa, tăng dần về lượng để tránh hội chứng dạ dày bé. Thực đơn ăn uống hàng ngày phải đảm bảo vừa cung cấp đủ dinh dưỡng, vừa hỗ trợ phục hồi hệ tiêu hóa sau mổ nhanh chóng.

Hiện anh Huy vẫn tiếp tục theo dõi thêm tại bệnh viện. Bác sĩ đánh giá, với tốc độ phục hồi sức khỏe ổn định, tiên lượng tốt, bệnh nhân sẽ sớm được ra viện.

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo, đau là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có vấn đề bất thường diễn ra. Tuyệt đối không nên chủ quan, cần đến bệnh viện thăm khám sớm,, tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm như anh Huy.

An San

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Mối liên hệ giữa bệnh suy tim và hệ vi sinh đường ruột

Bệnh suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, là tình…

1 hour ago

Các loại đậu có tốt cho sức khỏe đường ruột không?

Nhìn chung, đậu và các cây họ đậu rất tốt cho sức khỏe, sức khỏe…

2 days ago

12 thực phẩm chứa enzyme tiêu hóa tự nhiên

Một số thực phẩm, bao gồm một số loại trái cây như dứa và thực…

2 days ago

Độc đáo hệ vi sinh đường ruột tác động đến tính cách con người

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột là tạo ra tính ổn định và…

2 days ago

Hiểu biết đầy đủ về bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa xảy ra ở khoảng 5% và tăng mạnh ở dân số phương…

1 week ago

Các bước cải thiện sức khỏe đường ruột

Sức khỏe đường ruột khỏe mạnh, bao gồm môi trường đường ruột cân bằng và…

1 week ago