Người bệnh có biểu hiện: sốt ít, sợ lạnh, sợ gió, nhức đầu, có hoặc không có mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Nếu kèm thêm thấp thì người và các khớp xương đau nhức. Phương pháp chữa: Phát tán phong hàn (dùng các thuốc tân ôn giải biểu), nếu kèm theo thấp thì thêm thuốc trừ phong thấp. Tùy theo triệu chứng bệnh mà lựa chọn các bài thuốc sau:
Bài 1: Hương tô tán: hương phụ 80g, tử tô 80g, trần bì 40g, cam thảo 20g. Tán bột. Ngày uống 12g, uống với nước ấm hoặc nước hãm với 3 – 5 lát gừng tươi. Trị cảm mạo, đau đầu, sốt, ngực bụng đầy trướng, ợ hơi, không muốn ăn.
Bài 2: Ma hoàng thang: ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, quế chi 4g, cảm thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang. Dùng cho người nhức đầu, phát sốt, sợ gió, người và xương khớp đau mỏi, không có mồ hôi, thở khó (suyễn thở).
Bài 3: Quế chi thang: quế chi, sinh khương, thược dược mỗi thứ 12g; đại táo (xé nát) 12 quả, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày 1 thang. Dùng cho người sợ gió, sợ lạnh, người hâm hấp sốt, mồ hôi tự ra, thở mạnh, nôn khan.
Bài 4: lá tía tô, cà gai leo, hương phụ mỗi thứ 80g, trần bì 40g. Tán bột. Mỗi ngày uống 20g, hãm với nước sôi.
Nồi lá xông là bài thuốc dân gian trị cảm mạo.
Bài 5: Kinh phong bại độc tán: sài hồ, tiền hồ, chỉ xác, xuyên khung, khương hoạt, độc hoạt, phục linh, cát cánh, kinh giới, phòng phong mỗi thứ 40g, cam thảo 20g. Tán thành bột. Ngày uống 12 – 20g hoặc sắc uống. Chữa cảm phong hàn kèm theo người và các khớp xương đau nhức (có thấp).
Bài 6: Cửu vị khương hoạt thang: khương hoạt, cam thảo, phòng phong, thương truật mỗi thứ 6g; tế tân 4g; xuyên khung, bạch chỉ, sinh địa, hoàng cầm mỗi thứ 8g. Sắc uống, ngày 1 thang. Chữa cảm phong hàn kèm đau nhức các khớp xương (có thấp).
Bài 7: nồi nước xông gồm có: lá chanh, lá bưởi, tía tô, kinh giới, bạc hà, sả, tràm, đài bi là các dược liệu có chứa tinh dầu sát trùng đường hô hấp; hành, tỏi, cúc tần… có tác dụng kháng sinh; lá tre, lá duối có tác dụng hạ sốt.
Kết hợp chân cứu hoặc xoa bóp các huyệt: phong môn, hợp cốc, khúc trì; nếu nhức đầu, châm thêm bách hội, thái dương; có ho, châm xích trạch, thái uyên; ngạt mũi, châm nghinh hương…
Vị trí huyệt :
– Phong môn: dưới mỏm gai đốt sống lưng 2 ra ngang 1,5 tấc.
– Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
– Khúc trì: Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.
– Bách hội: Gấp 2 vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy 1 khe xương lõm xuống.
– Thái dương: phía sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt ước 1 tấc, nơi chỗ hõm sát cạnh ngoài mỏm ổ mắt xương gò má đè vào có cảm giác ê tức có khi thấy rõ mạch máu nổi lên.
– Xích trạch: Gấp nếp khuỷu tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.
– Thái uyên: Trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.
– Nghinh hương: Điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi – miệng.
BS. Tiểu Lan
Nguồn: SKDS
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…