BS Hoàng Chí Cương trong một lần hiến máu.
Năm 2003, khi còn là sinh viên đại học, cũng giống như nhiều người, anh chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người. Nhưng, không may người bạn thân của anh bị bệnh, cần máu truyền gấp. Kho máu bệnh viện, nơi bạn anh điều trị cạn kiệt nhóm máu AB – một nhóm máu hiếm. Nhìn người bạn ngày càng yếu đi vì thiếu máu truyền, anh vén tay áo xin bác sĩ: “Hãy lấy máu tôi truyền cho bạn tôi”.
Bác sĩ ái ngại bởi trông anh lúc đó gầy còm lắm. Nhưng anh vẫn cương quyết: “Tôi nhóm máu AB. Máu tôi đủ để cứu người”. Rất nhanh chóng, các bác sĩ lấy máu và xét nghiệm, kết quả đúng như anh nói, nhóm máu của anh trùng với nhóm máu của người bạn thân kia. Họ reo lên sung sướng. Người bạn anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc nhờ được truyền dòng máu ấm nóng chảy từ trái tim người thanh niên giàu lòng nhân ái này.
Mãi sau này, anh Cương mới tiết lộ với mọi người, lúc đó, nhìn thấy bạn ốm thì thương mà không e ngại, nói “rắn” vậy thôi, chứ lúc nhân viên y tế chuẩn bị chọc kim vào người, anh run lắm. Lúc đầu anh cứ nghĩ hiến xong có khi… chết luôn vì thiếu máu. Nhưng khi nghe, bác sĩ giải thích về cơ chế sinh máu của cơ thể, hiến máu không có hại cho sức khỏe mà mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh; rồi hiến máu chính là mang lại nguồn máu cho bác sĩ yên tâm hơn trong quá trình chữa trị cho bệnh nhân… và anh Cương đã chủ động tăng cường hiến máu cứu người.
Cuộc sống như một cơ duyên, khi tốt nghiệp y khoa ra trường, BS Cương may mắn được công tác tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Có cơ hội tiếp xúc và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân tại đây, anh càng thấm thía hơn sự cần thiết của máu trong điều trị. Cũng từ đó, anh tham gia hiến máu đều đặn, thường xuyên. Vì là người có nhóm máu AB, nên anh được “liệt” vào diện “để dành”. Phần lớn những lần đi hiến của BS Cương đều là lúc người bệnh thực sự cần truyền máu. “Mỗi lần như vậy, tôi có cảm giác rất hăm hở!” – BS Cương chia sẻ.
Nhưng với “thói quen” hiến máu, bên cạnh việc giúp đỡ cho người bệnh trực tiếp lúc cần, anh cũng muốn chia sẻ nhiều hơn nữa cho người bệnh khác. Nên định kỳ, anh luôn nhớ đi hiến máu đúng ngày, và do nhiều khi chỉ hiến để lấy một số thành phần trong máu nên thường là khoảng 4 – 6 tuần BS Cương hiến máu nhắc lại một lần. Đến thời điểm này, BS Cương đã hiến máu 66 lần và anh luôn nhủ thầm mình sẽ tiếp tục hiến máu còn nhiều hơn nữa.
Không chỉ có vậy, BS Cương còn vận động vợ cùng hiến máu cứu người và đặc biệt là anh mong cô con gái bé bỏng (hơn 1 tuổi) Bí Ngô sau này tiếp tục nối gót mình trong tương lai cũng sẵn sàng đi hiến máu và trở thành tuyên truyền viên tích cực cho việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Hôm nay (27/2), Ngày Thầy thuốc Việt Nam, sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt ý nghĩa mang tên “Blouse trắng vì bệnh nhân cần máu”, hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng 2016 của đội ngũ hàng trăm cán bộ y tế tại các BV ở Hà Nội. Vốn tâm huyết với việc thiện cứu người, BS Cương bày tỏ rất hào hứng được tham gia chương trình và hy vọng sẽ có nhiều người tin tưởng, quan tâm tới việc hiến máu cứu người hơn nữa. Từ tấm gương của BS Cương sẽ nhân lên niềm tin trong mọi người, rằng hiến máu là việc làm tốt cho sức khỏe như thầy thuốc đã, đang và sẽ làm…
Lý Hảo
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…