Người nhà thai phụ N.T.S. cho biết, chị S. mang thai khoảng 4 tháng nhưng không có triệu chứng nôn ói, sốt, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt… Do đó, chị nghĩ bị rối loạn kinh nguyệt, chứ không mang thai.
Đến tháng thứ 4 của thai kỳ, chị thấy lạ nên đến một phòng mạch tư gần nhà để khám. Tại đây, bác sĩ phát hiện chị mang thai được 15-16 tuần. Vì chị S. đã ly dị chồng và có hai con nên xin phá thai.
Bác sĩ đã mổ lấy thai chui ngay tại phòng mạch. Do thai quá to, ca mổ thất bại. Bệnh nhân đau quằn quại, bác sĩ ngưng gắp thai và cho ra về.
Ngày hôm sau, chị S. lại tiếp tục đau. Cơn đau bụng càng lúc càng nặng nên chị tự tìm đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Khi các bác sĩ ở Đồng Nai ghi nhận thai phụ bị lấy thai 16 tuần thất bại đã chuyển vội đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
Thai phụ nên đến bệnh viện chuyên khoa Sản để khám sức khỏe.
Trao đổi với PV, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chuyển lên cũng chỉ ghi nhận phá thai thất bại, không biết bệnh nhân đang rơi vào nguy hiểm. Khi chúng tôi siêu âm thấy ổ bụng bệnh nhân bị chảy máu và viêm phúc mạc. Nếu không nhập viện sớm, bệnh nhân sẽ đối diện với tử vong”.
Vì phản ứng viêm phúc mạc càng lúc càng nặng, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ, các bác sĩ đã cho sử dụng kháng sinh tích cực và đưa bệnh nhân lên bàn mổ.
Khi tiến hành mổ lấy thai, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã ghi nhận khoảng 300 ml máu đang chảy trong ổ bụng do lấy thai thất bại trước đó. Bệnh nhân còn bị thủng tử cung, đồng thời dụng cụ gắp thai đã gắp trúng trực tràng nên trực tràng bị rách khoảng 5 cm, khiến phân rơi vào trong bụng gây nhiễm trùng. Buồng tử cung có mùi hôi, nhiễm trùng nặng nên đã cắt bỏ tử cung.
Cùng lúc, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng được điều đến Bệnh viện Từ Dũ để tiến hành đưa đoạn ruột già ra bên ngoài (làm hậu môn tạm) cho bệnh nhân, để chờ vết thương phía dưới lành lặn.
Dự kiến khoảng 2-3 tháng sau khi vết thương lành, bệnh nhân mới được đưa ruột già vào lại cơ thể để thông với hậu môn phía dưới.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn – chuyên về sản khoa – cảnh tỉnh: “Bác sĩ phòng mạch chỉ được bỏ thai bằng thuốc khi thai dưới 7 tuần tuổi, còn thai lớn phải được thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa sản. Nếu phòng mạch làm như vậy là sai và lỗi này do phòng mạch gây ra”.
Việc phá thai to rất nguy hiểm vì đây là thủ thuật khó. Mổ không có chuyên môn, kinh nghiệm, dụng cụ đầy đủ dễ gây ra biến chứng và tai biến thường rất nặng. Ngay cả những người trẻ cũng phải cắt bỏ tử cung, mất khả năng làm mẹ về sau.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, những chị em khỏe mạnh khi mang thai thường ít hoặc không bị “thai hành” nên không biết mình mang thai. Ngoài ra, những phụ nữ có tuổi thì thành bụng thường dày nên khó phát hiện hơn.
Đặc biệt khi phát hiện mang thai ngoài ý muốn, phụ nữ thường e ngại đến các bệnh viện công đông người, sợ người khác biết mình đi phá thai nên tìm đến các cơ sở phá thai chui.
Theo Văn Thanh/Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…