Quan điểm “có bệnh thì vái tứ phương” đã khiến người Việt có những thói quen chữa bệnh nguy hiểm, thậm chí rước họa vào thân.
1. Có bệnh tra ngay Google
Thấy con có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng vợ chồng anh Phan Minh Thảo (Trần Duy Hưng, Hà Nội) vội search trên google tìm loại men tiêu hóa cho con dùng. Hậu quả là bé đi ngoài kéo dài nhiều ngày dẫn đến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Thực chất con đi ngoài phân lỏng là do sốt mọc răng.
Việc tìm kiếm thông tin về bệnh trạng trên Google không có gì sai, nhưng thông tin đó chỉ có ý nghĩa tham khảo và không có tác dụng chữa bệnh. Vì triệu chứng mô tả áp dụng với bản thân bạn sẽ không đúng với tình trạng bệnh của bạn và dẫn tới điều trị sai.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc áp dụng điều trị từ google rất nguy hại, vì nguy cơ chẩn đoán bệnh sai lên đến 90%. Tất yếu điều trị sai 100%. Sốt do mọc răng, sốt do nhiễm khuẩn tiêu hóa và sốt do viêm amidan rất giống nhau. Nếu như mọc răng mà cứ cho uống kháng sinh như viêm amidan thì coi như bạn đã cõng rắn “thuốc” cho con bạn, nhờn kháng sinh chỉ là thời gian mà thôi”, BS. Phúc trao đổi.
Bệnh tật là phải đi khám bác sĩ, dù bệnh nặng hay nhẹ. Những ý kiến trên Google đều chỉ mang tính chất tham khảo, không nên mang tính mạng con người ra để đặt cược.
Ảnh minh họa |
2. Tin dược sĩ, khỏi cần bác sĩ
Người Việt có thói quen khi bị bệnh không đi khám bác sĩ mà đơn giản là ra hiệu thuốc, trình bày triệu chứng và mua thuốc về tự điều trị theo sự tư vấn của dược sĩ. Chị Lâm Thị Hiền (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Tp.HCM) cho biết: “Mỗi lần sốt hay thấy chóng mặt, tôi hay ra cửa hàng thuốc tây gần nhà để mua thuốc uống. Chỉ cần nói sơ qua triệu chứng tôi đã có thuốc uống, hoặc khi tôi yêu cầu nhân viên bán loại thuốc mình từng uống họ vẫn bán”.
Việc mua thuốc không cần khám bác sĩ là thói quen rất nguy hiểm. Theo BS. Cao Hồng Phúc(Giảng viên Học viện Quân y 103): Dược sĩ và bác sĩ có vai trò rất khác nhau trong việc điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm khám bệnh và kê đơn thuốc. Còn dược sĩ sẽ chịu trách nhiệm về thuốc, đặc biệt là tên thuốc, tác dụng phụ và những biến chứng không mong muốn.
Không thăm khám bác sĩ kỹ càng mà chỉ dựa vào một vài triệu chứng để tự kê đơn có thể dẫn đến sử dụng sai thuốc. Ví dụ, cùng một triệu chứng đau đầu, nhưng đau đầu do tăng huyết áp khác với đau đầu do căn nguyên mạch. Nếu uống thuốc điều trị đau đầu do căn nguyên mạch thì không những cơn đau đầu không dứt mà còn làm huyết áp tăng cao, có thể gây ra đột quỵ não, một biến chứng gây liệt nửa người rất hệ trọng.
Khi có bất cứ triệu chứng nào, đừng chạy ra hiệu thuốc kể lể rồi tự mua thuốc về uống. Hãy chịu khó đến bác sĩ khám bệnh kỹ càng rồi dùng thuốc theo đơn được kê.
3. Vài ngày không đỡ, “chê” ngay
Với tâm lý muốn khỏi bệnh thật nhanh, nhiều người khi điều trị ở bác sĩ này một thời gian ngắn không thấy tiến triển gì thì chuyển ngay sang bác sĩ khác.
“Có lần con tôi bị sốt cao co giật phải đưa vào viện cấp cứu. Sau 2 ngày ở viện tình trạng của cháu giảm co giật nhưng vẫn sốt ly bì kèm ho. Mẹ chồng tôi thấy vậy nên cũng sốt ruột, bảo tôi đưa thằng bé đi tiêm bác sỹ ngoài. Nghe nhiều người nói bác sĩ này tiêm nhanh khỏi, tôi vốn cũng sốt ruột nên nghe lời mẹ chồng, cho con xuất viện rồi đưa con đi tiêm ngoài. Sau khi tiêm 2 mũi thì con tôi đỡ sốt hẳn. Nhưng tôi để ý sau đó bé rất dễ bị ho, dù mỗi lần ho đều đưa cháu đi tiêm và cũng nhanh khỏi nhưng chẳng bao lâu lại tái phát”, chị Nguyễn Thị Hồng (Hưng Hà, Thái Bình) cho biết.
Chữa bệnh với tốc độ “siêu tốc” thực sự rất không tốt. BS. Phúc cho biết, việc chữa bệnh mà tốc độ quá nhanh có thể do: dùng thuốc liều cao đến mức không cần thiết, dùng thuốc dập tắt triệu chứng mà nguyên nhân không hết, dùng thuốc đường tiêm thay vì đường uống. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ chạm liều tối đa do dùng liều cao, tai biến do thuốc tiêm và lần sau cứ phải tiêm. Thậm chí, lạm dụng kháng sinh hoặc tự do truyền dịch có thể tử vong không cấp cứu được do sốc phản vệ.
Hãy để cho bác sĩ bình tĩnh khám và điều trị. Hiệu lực điều trị bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi, đừng quá vội vàng.
Ảnh minh họa |
4. Nhẹ “khinh”, nặng mới chữa
Rất nhiều người Việt thích cơ thể tự chữa bệnh và kệ nó không chữa. Đợi đến bao giờ bị nặng chữa một thể, cho nó chắc và ít phụ thuộc thuốc.
“Bình thường tôi chẳng bao giờ đi khám sức khỏe định kỳ. Những bệnh nhẹ như cảm cúm, nhức đầu, thỉnh thoảng đau bụng (chắc do dạ dày) thì tôi đều ra hiệu thuốc mua thuốc về uống. Nhưng gần đây tôi thường bị đau bụng nhiều hơn, lại hay ợ hơi và khó tiêu nên tôi quyết định đi khám. Kết quả bác sĩ chẩn đoán tôi bị loét dạ dày”. Chị Phan Thị Hằng (Phủ Lý, Hà Nam) vừa nói vừa thở dài.
Khi bệnh mới bắt đầu, chúng ta chỉ cần khám bệnh và chữa bệnh ngay thì chỉ cần dùng liều thuốc rất thấp và ngắn ngày là khỏi. Nhưng nếu để bệnh nặng thì việc chữa bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn, bệnh khó khỏi hoặc có nhiều biến chứng và phải dùng thuốc liều cao, dài ngày.
“Bệnh viêm mũi của bé con, chỉ cần điều trị 3-4 ngày là đã có thể thành công. Nhưng bạn chần chừ, viêm mũi sẽ biến chứng thành viêm phế quản phổi thì việc điều trị rất hệ trọng và nguy hiểm với trẻ con. Đó là tai hại của việc đợi nặng rồi chữa một thể”, BS. Phúc nhấn mạnh.
Hãy khám và chữa bệnh ngay khi bệnh có biểu hiện, đừng ngần ngại và đợi nặng để đi chữa một thể.
5. Đơn kê không uống, uống theo “mách”
Nhiều người Việt chúng ta có một thói quen rất kỳ lạ, bác sỹ khám bệnh thì không tin, nhưng lại tin tuyệt đối vào lời đồn và đơn thuốc của người khác.
Ông Phạm Tiến Nhật (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Vì thấy vợ gần đây hay bị chóng mặt và đau đầu, nhiều khi đi không vững, bị ngã nên tôi rất lo lắng. Nghe hàng xóm nói có thể là do thiếu máu, uống vitamin 3B là đỡ vì ông ta cũng đang dùng và thấy đỡ nhiều. Thấy vậy, tôi cũng đi mua cho vợ một hộp. Kết quả uống chưa được mấy bữa thì vợ tôi bị ngất, tôi vội vàng đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu. Kết luận: vợ tôi bị khối u ở não.
Chữa bệnh theo kinh nghiệm là một trong những cách để thành công, nhưng kinh nghiệm phải dựa trên cơ sở khoa học. Bác sĩ Phúc cho biết: “Thực tế, có rất nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau. Nên chúng ta không thể tự chữa bệnh theo kiểu triệu chứng của ông ấy/bà ấy mang máng giống của mình nên ông ấy/bà ấy chữa khỏi thì cứ thế mà chữa theo. Chữa theo đơn thuốc mách này, “hỏng” lúc nào không hay. Tôi khuyên, không nên làm như thế”.
Không nên tự đánh giá triệu chứng của mình với người khác và tự chẩn đoán, chữa bệnh theo kiểu áp dụng đơn. Nên đi khám và điều trị bệnh một cách cẩn thận.
>> Thu Hà
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…
Muối rất cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên thừa muối gây ra nhiều…
Theo thống kê của WHO đến thời điểm hiện tại toàn cầu có hơn 300…
Gan đảm nhiệm vai trò thanh lọc và đào thải độc tố trong cơ thể…