Categories: Sức khoẻ

Xử trí đúng khi bị đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp luôn là nỗi phiền toái của nhiều người, nhất là người cao tuổi, béo phì, người phải lao động nặng, làm việc sai tư thế…

Đau nhức xương khớp luôn là nỗi phiền toái của nhiều người, nhất là người cao tuổi, béo phì, người phải lao động nặng, làm việc sai tư thế… Người bệnh cần biết cách xử trí đúng để giảm đau và hạn chế tình trạng biến dạng khớp, cứng khớp… gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, vận động, giảm chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp là nguyên nhân gây đau nhức.

Nguyên nhân gây đau xương khớp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp trong đó chủ yếu do tuổi tác: Tuổi càng cao, khớp xương càng lão hóa. Do bệnh tật, viêm nhiễm dẫn đến tình trạng thoái hóa nhanh chóng, xảy ra sau viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do nhiễm khuẩn (do vi khuẩn lao, vi khuẩn mycoplasma, vi khuẩn lậu…). Chấn thương vùng xương khớp như: tai nạn lao động, tai nạn trong chơi thể thao, té ngã. Thiếu hụt canxi gây loãng xương cũng làm đau nhức khớp. Do thừa cân, béo phì: trọng lực của cơ thể có tác động mạnh vào xương, khớp xương gây đau. Ngoài ra, làm việc quá sức, lao động nặng kéo dài, nằm ngủ sai tư thế cũng làm ảnh hưởng đến quá trình phát bệnh đau nhức khớp xương.

Chườm ấm vùng khớp có tác dụng giảm đau.

Một nguyên nhân gây tái phát và tăng các cơn đau xương khớp là thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể làm cho mạch máu co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, do đó các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức.

Ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh

Biểu hiện ban đầu chỉ có một vài khớp bị đau, rồi từ từ nhiều khớp và có thể toàn thân bị đau nhức. Cơn đau thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi và tạm thời không cử động đến các khớp xương. Thế nhưng khi bệnh phát nặng thì nhiều khớp cùng bị đau một lúc và dù chỉ với những cử động nhẹ cũng bị đau, thậm chí có khi nghỉ ngơi không làm gì nữa cũng bị đau.

Cơn đau thường tăng lên về đêm và sáng sớm khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ. Nhiều trường hợp cứng khớp thường gặp vào buổi sáng sớm lúc vừa ngủ dậy làm cho việc co, duỗi, đi lại khó khăn. Đến buổi chiều bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi rã rời. Bệnh hay tái phát gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và lao động.

Làm gì khi có biểu hiện đau khớp?

Khi có biểu hiện đau nhức xương khớp, người bệnh cần xử trí như sau:

Đi khám chuyên khoa cơ xương khớp càng sớm càng tốt để các bác sĩ xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị hiệu quả. Không tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà có thể gây nhiều tác dụng phụ. Bên cạnh đó nếu dùng thuốc không đúng sẽ làm bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.

Người bị đau xương khớp nên ăn rau quả như cam, cà chua và đi bộ hàng ngày phòng tránh đau khớp.

Có thể giảm đau bằng cách chườm ấm bằng khăn thấm nước nóng vùng khớp (nếu có điều kiện thì ngâm trong bồn tắm có nước ấm để cho người ấm lên, sau đó lau người khô và mặc quần áo). Hoặc xoa, bóp nhẹ nhàng vào khớp làm cho nóng lên. Nếu thấy có hiện tượng cứng khớp thì cần tập co, duỗi (khớp gối, cổ chân), mát-xa cho mạch máu lưu thông, làm cho các bắp thịt quanh khớp xương giãn ra, làm giảm cơn đau nhức.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết. Nên ăn các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 (thường có trong các loại hạt); các loại quả như cam, ớt đỏ, cà chua… chứa nhiều vitamin C cũng có thể giúp làm giảm, ngăn chặn sự mất sụn và giảm đau. Đối với bệnh nhân bị thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp cần cung cấp lượng đạm nhiều hơn, sử dụng dầu thực vật, dầu cá. Nên ăn thịt lợn, thịt gà, vịt, cá biển, tôm, cua, sò… ăn nhiều rau và trái cây tươi như đu đủ, dứa, chanh, bưởi… Hạn chế các món ăn béo ngọt, chiên xào. Uống đủ nước. Nên uống thêm sữa vì sữa giàu canxi rất cần thiết cho người bệnh xương khớp. Không dùng các đồ uống có cồn như rượu, bia, không hút thuốc lá. Cần giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì bằng chế độ ăn kiêng từ từ để nhằm giảm lực tác động lên sụn khớp. Chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển sang lạnh. Khi nằm ngủ nên nằm đúng tư thế tránh đau khớp và tê bì chân tay.

Bác sĩ Nguyễn Nhật Minh

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa đau nhức xương khớp , cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Duy trì thói quen tập luyện, vận động phù hợp, tránh các động tác mạnh, đột ngột. Đi bộ hằng ngày là phương pháp dễ thực hiện nhất. Trong quá trình đi bộ, do bàn chân tiếp xúc với mặt đất tạo ra những kích thích có tác dụng tăng cường sức sống ở các tế bào xương, khả năng vận động ở các khớp, làm cho cơ bắp mạnh lên. Đối với người cao tuổi, hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. Phòng ngừa mọi nguy cơ bị chấn thương khi lao động, tham gia giao thông, hoạt động thể thao… Khi có hiện tượng nghi ngờ có bệnh về khớp cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Nguồn: SKĐS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago