Chị Chu Thị Thoa (27 tuổi, quê Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin cả bố mẹ và anh phải nhập viện do ăn phải nấm độc.
“Khi nhận được điện thoại của họ hàng báo tin bố mẹ và anh trai ăn nấm và bị ngộ độc phải đưa xuống bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tôi rụng rời cả chân tay. Anh trai Chu Văn Vinh là người bị ngộ độc nặng nhất. Khi xuống cấp cứu tại bệnh viện, độc tố đã phân hủy các cơ quan nội tạng như (gan, thận…). Sau 5 ngày điều trị, tình trạng anh tôi không tiến triển. Ngày 27/3, gia đình thấy anh không qua khỏi đã xin cho anh về để lo liệu hậu sự”, chị Thoa xúc động nói.
Chị Thoa chia sẻ: “Không ngờ chỉ vì mấy cây nấm anh tôi đi hái mang về ăn mà giờ nhà tôi mất người, hao của”.
Mẹ chị Thoa hiện đã tỉnh táo tiên lượng điều trị rất khả quan (ảnh nhân vật cung cấp).
Theo chị Thoa tình trạng của bố chị (ông Chu Văn Mai) vẫn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, tiểu tiện không tự chủ. Còn mẹ chị (bà Hà Thị Cúc) tiến triển tốt, khả năng có thể cứu sống khoảng trên 50%.
Nỗi đau đớn khi sự ra đi đột ngột của anh trai chưa nguôi thì giờ đây chị Thoa là phải gánh trên vai trọng trách lo chi phí điều trị cho bố và mẹ.
Gia đình chị Thoa có 6 người, chị gái và em gái đã đi lấy chồng. Kinh tế gia đình chị Thoa chỉ trông vào mấy sào ruộng trồng lúa và nương trồng ngô, sắn. Những năm được mùa thì đủ ăn đủ tiêu, mất mùa thì phải chịu đói. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị Thoa đã xin bố mẹ xuống Bắc Ninh làm công nhân.
Điều kiện kinh tế đã khó khăn, chi phí chữa bệnh lại quá cao. Khi anh trai còn sống, mỗi ngày tiền điều trị của 3 người mất gần 100 triệu. Hiện nay, chi phí điều trị của bố và mẹ chị Thoa mỗi ngày từ 20-30 triệu/ngày/ người.
“Bố mẹ tôi không có bảo hiểm hỗ trợ vì vậy số tiền điều trị mỗi ngày quá lớn. Tôi không đủ sức đểlo được. Họ hàng, làng xóm chỗ nào vay được tiền, tôi đã đều nhờ để vay mượn. Bố mẹ tôi vẫn còn có cơ hội sống nếu được điều trị tiếp vì vậy tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng”, chị Thoa chia sẻ.
Ths.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách trung tâm Chống độc cho biết, thời tiết mùa xuân có những sự thuận lợi cho nấm phát triển. Các ca ngộ độc nấm thường xảy ra ở vùng núi.
Loại nấm mà 3 bệnh nhân ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Độc tố có thể phá hủy các cơ quan nội tạng trong cơ thể nhất là gan.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện muộn từ 6 giờ – 40 giờ như buồn nôn, tiêu chảy sau đó bệnh nhân có thể tự khỏi. Hiện tượng giả khỏi bệnh này làm cho người bệnh chủ quan và dễ nhầm đã khỏi bệnh. Nhưng thực chất chất độc đang âm thầm tàn phá cơ thể. Bệnh nhân sẽ xuất hiện nôn mửa trở lại, đi ngoài mất nước, rối loạn điện giải, trụy mạch, vô tiểu, tổn thương gan suy đa tạng và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: “Tuyệt đối không hái nấm trên rừng ngoài đồng ruộng về ăn. Rất khó có thể phân biệt được nấm độc hay không độc qua hình dạng và màu sắc”.
Ngọc Minh
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…