Phương châm duy trì hạnh phúc của bà Lê Thị Bích Thủy chính là vợ chồng làm gì, đi đâu cũng có nhau. Từ những việc nhỏ trong nhà như giặt quần áo, đến những việc lớn như kiếm sống, từ đi du lịch hay xem ca nhạc trong những ngày còn trẻ đến khi phượt lúc về già, vợ chồng bà luôn song hành. Còn ông Nguyễn Thanh Long thì cho rằng, để sống được với nhau, vợ chồng cần biết hạ cái tôi xuống, hạ một lần chưa giải quyết được thì hạ tiếp lần hai, lần ba. Cả hai cùng biết vì nhau thì không có khó khăn nào mà không vượt qua.
Ông bà gặp nhau lần đầu khi “nàng” vừa tròn 17 tuổi còn “chàng” mới 21. Nhà bà ở quận 4 còn nhà ông ở quận 3. Vốn là bạn thân của anh trai cô gái, chàng trai Thanh Long coi Bích Thủy như một em gái nhỏ trong nhà. Bích Thủy cũng đối xử với chàng rất vô tư như em với anh trai.
Thời đó, người Sài Gòn đèo nhau trên xe gắn máy, người sau ngồi vắt cả hai chân sang một bên, chứ không để hai phía như bây giờ. Một lần chở Bích Thủy, Thanh Long nhắc: “Ôm eo anh đi không ngã đấy”, cô nàng hồn nhiên: “Ôm cũng được nhưng phải có chầu kem đấy nhé”. Chàng đồng ý, còn nàng thì háo hức nghĩ đến chiến lợi phẩm mà không biết rằng, chỉ có tình nhân đèo nhau mới ôm eo nhau, còn không các cô gái sẽ bám tay vào yên xe.
|
Một bức ảnh chụp thời họ còn chưa kết hôn – Ảnh: NVCC |
Từ tình cảm anh em chuyển sang tình yêu đôi lứa lúc nào không rõ. Năm 1977, mẹ chàng mong có cháu nội, cứ giục cưới, nàng đành đồng ý lên xe hoa ở tuổi 22. Chàng từng có nhiều người tình xinh đẹp, nàng thì chơi với bạn trai nhiều hơn bạn gái, họ thống nhất sẽ không ghen tuông vu vơ. Nếu cảm thấy không chịu được điều gì ở nhau thì nói thẳng ra, nếu cần thì có thể giải thoát cho nhau.
Tuy nhiên, chuyện giải thoát không bao giờ xảy ra mà cả hai ngày càng gắn bó. Cưới xong hai người đồng lòng lo cho gia đình bé nhỏ. Chàng hy sinh những thú vui thời trẻ, từ một thanh niên rất chịu chơi, đi bar nhảy đầm, trở thành người chồng đúng mực, thậm chí bỏ luôn nhậu. Nàng vốn là con gái duy nhất trong nhà, được cha mẹ và hai anh cưng chiều, chẳng mấy khi phải mó tay vào việc gì giờ sẵn sàng làm ngày làm đêm kiếm tiền, lo cho chồng con.
Là công nhân may, làm ở xí nghiệp chưa đủ, người vợ trẻ mang hàng về nhà may thêm. Có những đêm mệt quá, người vợ ngủ gục ngay trên bàn máy. Bà không dám nói gì với bố mẹ, sợ họ lo lắng. Thương vợ, chồng ban ngày đi làm cơ quan nhà nước, tối cũng về sắm thêm một máy may bên cạnh để phụ vợ. Chăm chỉ lại được chồng hỗ trợ, bà thường là người được nhận lương cao nhất tổ. Lương viên chức của ông chẳng đáng là bao, bà vẫn dúi thêm cho ông vài đồng uống cà phê mỗi sáng. May mắn được mẹ chồng giúp đỡ việc chăm sóc con cái, bà Thủy chỉ phải làm vài việc nhỏ, nhưng ông cũng không bao giờ để vợ làm một mình mà luôn xắn tay làm cùng.
Thấy con gái làm may cực quá mà thu nhập không cao, mẹ đẻ cho bà ít vốn để kinh doanh. Khi bà làm gỗ, ông nghỉ hẳn việc cơ quan nhà nước về hỗ trợ vợ: đêm đưa vợ đi mua gỗ, ngày coi sóc công nhân để bà lo việc tài chính. Sau thời gian kinh doanh gỗ, vợ chồng bà chuyển sang mở cửa hàng cho thuê băng, đĩa rồi cửa hàng máy tính, dù làm gì, ông bà cũng luôn có nhau. Không được đào tạo bài bản, ông đều mày mò tự học để hỗ trợ vợ về kỹ thuật, từ đánh véc ni gỗ đến sửa chữa máy tính…
Bao nhiêu năm sống với nhau, ông bà chưa hề cãi nhau lần nào. Đôi khi cũng có những bất đồng nho nhỏ, thường là ông nhường bà. Một mâu thuẫn lớn nhất mà đến giờ bà vẫn còn nhớ là chuyện nuôi dạy con. Bà chiều con bao nhiêu thì ông lại khó tính, nghiêm khắc bấy nhiêu. Bà không hài lòng, muốn ông cười và nô đùa với con nhiều hơn, ông chỉ nhẹ nhàng: “Trong nhà, phải có người đánh người xoa. Nếu cả hai vợ chồng cùng chiều con, khó dạy bảo con nên người. Anh đã chịu thiệt, đóng vai ác thì em càng phải thông cảm cho anh”.
Bà nghe xong chỉ thấy thương chồng nhiều hơn. Sau này, khi con lớn và biết nghĩ, ông mới bớt nghiêm khắc. Chính vì vợ chồng thống nhất trong nuôi dạy mà con cái của ông bà lớn lên đều thành đạt. Hai người con trai, không cần sự hỗ trợ của bố mẹ đều mua được nhà riêng, người con gái chưa có nhà thì sống cùng ông bà.
|
Cặp vợ chồng già hạnh phúc bên cô cháu nội – Ảnh: NVCC |
Quan niệm cho con kiến thức là quan trọng nhất, tiền kiếm được ông bà dành cho văn nghệ giải trí, đi du lịch và làm từ thiện. Có bà nội chăm cháu, nhiều khi chỉ cần thích, hai vợ chồng liền đóng cửa hàng, xách ba lô và lên đường. Bà là người sôi nổi, thích hát, thích đi du lịch từ thời trẻ. Khi còn là một cô bé con, bà vẫn thường theo cha – một tài xế lái xe đường dài – du ngoạn nhiều địa phương… Ông hiểu những đam mê đó của vợ và luôn sẵn sàng sát cánh bên bà. Thời trẻ, vợ chồng ông bà đi xem ca nhạc không dưới ba lần mỗi tuần. Bây giờ, bà tham gia vài hội âm nhạc, ông lại tháp tùng đến nghe vợ và các bạn hát.
Những chuyến đi đến vùng sâu vùng xa, mang quà trao tận tay người nghèo là những lần duy nhất mà bà không có ông đi cùng. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ ông thì bà chẳng thể nào đi được, ông đã ở nhà thay bà ngày xưa là chăm sóc con, bây giờ là trông cháu ngoại. Ngoài duy trì các chuyến đi tặng quà từ thiện suốt 20 năm qua, hiện giờ bà tham gia một hội từ thiện của người Công giáo, chuyên nhận nuôi các cụ già neo đơn hay và giúp đỡ chỗ ăn ở cho những người nghèo ở tỉnh xa về TP HCM chữa bệnh. Hàng tháng, ông lại cặm cụi cân gạo, đóng gói quà giúp vợ, sẵn sàng làm “xe ôm” đưa quà đến đúng địa chỉ.
|
Cặp vợ chồng già cùng ngồi ôn lại những kỉ niệm thời trẻ – Ảnh: Kim Anh. |
Vài năm gần đây, cả hai ông bà thường hào hứng tham gia những nhóm phượt cùng các bạn trẻ, vừa tìm hiểu cuộc sống xung quanh vừa kết hợp làm từ thiện. Dù sáng nào hai vợ chồng cũng đi bộ để rèn thể lực, ông vẫn lo bà đi xe máy đường trường không vững. Ông gia nhập các chuyến phượt để đảm bảo an toàn cho bà. Chiếc xe Dream mười mấy năm bà đi, đều một tay ông chăm sóc, giờ vẫn còn mới và tốt, trở thành phương tiện đồng hành cùng hai người trên những cung đường.
Những chuyến phượt của cặp vợ chồng già
Sau vài lần làm xế và thợ ảnh riêng cho vợ, càng ngày ông càng hào hứng với phượt. Ông bà vô cùng tâm đắc với một dòng chữ mà bạn phượt viết lên Facebook tặng mình: “Đi đâu cũng được, miễn là ta có nhau”.
Kim Anh
Nguồn: vnexpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…