Categories: Tin tức

VN có 9 tấn hóa chất diệt muỗi nghi gây bệnh đầu nhỏ

Tại VN hóa chất này được sử dụng cho nước thải và công trình xây dựng. Ở Brazil, chất này dùng diệt ấu trùng muỗi trong nước sinh hoạt và bị nghi gây ra bệnh đầu nhỏ chứ không phải virus Zika.

Dịch bệnh do virus Zika tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước khu vực châu Mỹ, vùng Caribe. Mối liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ ở trẻ và thuốc diệt muỗi là quan ngại mới gần đây. Loại hóa chất được sử dụng là pyriproxyfen có tác dụng diệt ấu trùng muỗi, được cho gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh chứ không phải virus Zika.

Phát biểu tại buổi họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới nổi ở Hà Nội sáng16/2, ông Tony Mount, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ tại Việt Nam cho rằng vấn đề này đang được tiến hành điều tra và chưa có kết luận rõ ràng. Việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng thời gian khá dài ở vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét.

Trong dịch bệnh do virus Zika, Brazil đã ghi nhận hơn 600 trẻ sinh ra mắc chứng đầu nhỏ. Ảnh: AP. 

Theo chuyên gia này, 2 vấn đề nổi cộm có thể liên quan đến virus Zika hiện nay là hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ thần kinh đang tiếp tục được điều tra. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng nhưng vẫn chưa thể khẳng định virus Zika liên quan đến 2 hội chứng này.

Hóa chất pyriproxyfen được dùng ở nhiều quốc gia, không riêng Brazil. Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nói: “Tôi không cho rằng việc sử dụng hóa chất diệt muỗi ảnh hưởng đến sức khỏe cũng giống như Brazil đã tuyên bố”.

Đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam cho phép nhập khẩu hóa chất trên từ năm 2010, năm 2012 bắt đầu nhập đến tháng 4/2014 tổng cộng hơn 9 tấn, tuy nhiên mới chỉ bán hơn 2 tấn. Đây là hóa chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong nước sinh hoạt. Tại Việt Nam, hóa chất này được sử dụng phạm vi hẹp, không sử dụng trong nước ăn uống, nước sinh hoạt mà dùng diệt ấu trùng muỗi trong nước thải, nước công trình xây dựng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) nhấn mạnh virus Zika xuất hiện rất lâu, có lẽ phân chia theo sinh thái, cùng là muỗi Ades truyền nhưng sống ở mỗi châu lục có thể truyền bệnh khác nhau.

“Chúng ta không nên quá mải mê với virus Zika mà quên các bệnh khác như tay chân miệng ảnh hưởng đến não rất nhiều. Nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là không cao vì rất ít người Việt đi lại các quốc gia đang có dịch, nếu có chỉ là nhân viên các đại sứ quán”, tiến sĩ Kính nói.

Để phát hiện virus Zika trong cộng đồng, chuyên gia này đề nghị hệ thống sản khoa khi siêu âm cho các bà mẹ nếu thấy não nhỏ hơn so với tuổi thai, nghì ngờ thì cho xét nghiệm luôn. Trường hợp cần thiết phải chỉ định đình chỉ thai nghén.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế cho rằng việc truyền thông cần đúng tính chất, đúng mức độ; không đến mức khiến người dân thêm hoang mang trong khi đang còn các bệnh khác. Hiện nay khá nhiều bệnh viện sản khoa, bệnh viện nhi tiến hành sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Vụ sẽ tập huấn sớm cho các cán bộ sản khoa kiến thức về virus zika, cũng như mối liên quan đến hội chứng đầu nhỏ, trước mắt tập trung vào các điểm quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu ngay tuần sau tiến hành tập huấn; đồng thời mở rộng hơn nữa đối tượng giám sát, không chờ bệnh nhân vào viện. Những người đi từ vùng có dịch trở về dù có hay không có triệu chứng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đến các cơ quan y tế lấy mẫu để có thể chủ động giám sát sớm.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Môi trường Y tế rà soát, tăng cường quản lý việc sử dụng hóa chất diệt muỗi, nếu có mối liên quan thì lập tức dừng ngay.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến nay đã có 33 quốc gia ghi nhận nhiễm virus Zika, một số ca bệnh xâm nhập là người du lịch về từ châu Mỹ, vùng Caribe như Thái Lan, Đức, Hà Lan, Australia, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc… Giai đoạn 2015-2016 tốc độ lây lan rất nhanh, dịch hiện tại lưu hành chính tại châu Mỹ.

Một số quốc gia bước đầu ghi nhận các ca tử vong do virus Zika như Venezuela, Brazil. Tại Mỹ cũng có 2 thai phụ bị sảy thai sau khi nhiễm virus Zika, có tiền sử đi du lịch đến khu vực châu Mỹ đang có dịch. Về đường truyền, ngoài muỗi, một số quốc gia ghi nhận một số đường lây truyền khác nhưng vẫn cần xác minh. Tại Brazil ghi nhận ca bệnh lây truyền qua máu, Mỹ lần đầu tiên xác nhận lây qua đường tình dục.

Hội chứng đầu nhỏ: Giai đoạn 1999-2014 Brazil ghi nhận rải rác khoảng 10 trường hợp nhưng đến năm 2015 thì lại có sự gia tăng đột biến với hơn 600 trường hợp trẻ sơ sinh bị đầu nhỏ, có liên quan bà mẹ nhiễm virus Zika. 6 quốc gia khác cũng báo cáo ghi nhận hội chứng này như Venezuela, Colombia, El Salvador, Suriname, French Polynesia.

Tỷ lệ trẻ sinh ra bị hội chứng đầu nhỏ giai đoạn 2010-2014 rất nhỏ, chỉ là 1/1.000 trường hợp đẻ ra sống; giai đoạn 2015-2016 tăng lên là 45-100/1.000 ca đẻ sống.

Viêm đa rễ thần kinh – hội chứng Guillain-Barré: Năm 2015 Brazil ghi nhận 1.700 ca có tiền sử nhiễm virus zika, tăng 19% so với năm 2014. Từ tháng 1 đến nay El Salvandor cũng có 46 trường hợp mắc bệnh, 2 người tử vong.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

1 day ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

3 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

4 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

4 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

4 days ago