Khám bệnh định kỳ để tầm soát ung thư (Ảnh minh họa).
Số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong đó phần lớn người bệnh đều được phát hiện muộn, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ung thư thực sự trở thành nỗi ám ảnh của không chỉ người bệnh. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam trong top 2 trên bản đồ ung thư thế giới, với bình quân mỗi ngày có tới trên 250 người chết vì ung thư.
Mỗi ngày có 250 người chết vì ung thư
Hội thảo Quốc gia phòng chống ung thư lần thứ XVIII do Hội Ung thư Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại BV K Trung ương ngày 6/10 thêm một lần nữa đưa ra nhiều cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng phát triển của căn bệnh ung thư tại Việt Nam.
Theo báo cáo của GSTS Bùi Diệu, nguyên Giám đốc BV K Trung ương, trong những năm gần đây, số bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ngày càng gia tăng.
Nếu như năm 2000, có khoảng 68.000 người mắc mới thì đến năm 2010, số này tăng lên gấp đôi, khoảng 126.000 người và dự báo đến năm 2020 con số này có thể lên đến trên 190.000 người.
Bình quân mỗi năm có khoảng hơn 90.000 người chết vì ung thư, tức mỗi ngày có đến 250 người chết vì ung thư… “Đây là những con số rất đáng báo động”, GS.TS Bùi Diệu nói.
Với các thống kê trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong top 2 của bản đồ ung thư (50 quốc gia đứng đầu xếp ở top1). Cụ thể, Việt Nam xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan.
Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới – ung thư vú, dạ dày, phổi. “Đây là hậu quả tất yếu do ô nhiễm môi trường, do tác hại của việc hút thuốc lá, sử dụng thuốc bảo vệ… cũng như việc thay đổi thói quen sống, ăn uống”, GSTS Bùi Diệu nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, sự xuất hiện các làng ung thư cũng như sự quá tải BV đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho thầy thuốc và người bệnh. Thực trạng này cũng cho thấy, gánh nặng ung thư đã và đang đè lên vai nhiều người, nhiều gia đình khiến nhiều người trong số họ khánh kiệt sau điều trị dù bệnh không qua khỏi.
Bệnh ung thư đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với người bệnh mà còn đối với cả xã hội. Nhiều người quan niệm mắc bệnh ung thư là dấu chấm hết, như bị “tuyên một bản án tử hình”.
Thống kê tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP năm này. Cụ thể, ung thư vú “ngốn” hết hơn 9.000 tỷ đồng, ung thư đại trực tràng tiêu tốn 8.573 tỷ, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ đồng. Tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ưng thư khoang miệng…
Ung thư không phải là dấu chấm hết
Theo PGSTS Trần Văn Thuấn-Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, phần lớn số người mắc bệnh ung thư đều được phát hiện muộn và việc này khiến tỷ lệ tử vong do căn bệnh ung thư ở Việt Nam tăng cao. Nghiên cứu của Bệnhviện K Trung ương cho thấy có đến 71,4% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên, khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém và giảm hẳn hiệu quả.
“Có nhiều loại ung thư phổ biến nhưng tỉ lệ phát hiện sớm cũng rất thấp. Như với ung thư vú có tỉ lệ phát hiện sớm nhiều nhất, với 50% ca bệnh ở giai đoạn sớm. Các bệnh còn lại như ung thư đại trực tràng khoảng 32% phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung phát hiện sớm khoảng 46% ca bệnh… Một số ung thư tỉ lệ phát hiện muộn như ung thư gan chiếm tới 87,8%, ung thư dạ dày 86,9%, phế quản phổi 84,3%, vòm họng 80%, thực quản 71%, tuyến giáp gần 70%”, PGSTS Thuấn dẫn chứng.
Vì thế, dù những kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam không thua kém gì các nước nhưng tỉ lệ chữa khỏi (sống trên 5 năm) ở nam giới chỉ đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%”.
“Ung thư không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ ung thư và được chữa trị. Con số 70-80% bệnh nhân ung thư ở các nước được chữa khỏi cho thấy, nếu phát hiện sớm, ung thư sẽ không là cửa tử”, PGSTS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Ứng dụng kỹ thuật mới điều trị ung thư
GSTS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thời gian qua công tác phòng chống ung thư nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Chúng ta đã đưa được nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến cũng như có sự phối kết hợp giữa các chuyên ngành khác nhau như: Ngoại khoa, mô bệnh học, sinh hóa chẩn đoán…
“Trong khi đa số các bệnh ung thư khác đều đang có xu hướng gia tăng, thì có một điều đáng mừng là ung thư cổ tử cung ở Việt Nam đang có xu hướng giảm, điều này cho thấy nỗ lực của chúng ta trong việc, tuyên truyền, điều trị, đặc biệt là việc tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung”, GSTS Nguyễn Chấn Hùng-Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ.
Cũng với tinh thần lạc quan trong điều trị ung thư, PGSTS Trần Văn Thuấn chia sẻ: “Hiện nay, cả về điều kiện máy móc, thiết bị và trình độ bác sĩ chúng ta không hề thua kém gì những nước trên thế giới”.
Tuy nhiên, ông lưu ý: “Kỹ thuật điều trị ung thư đang thay đổi theo từng ngày, vì thế chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng học hỏi”.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng lưu ý: Điều trị ung thư hiện nay đang được áp dụng 3 liệu pháp: Hóa trị, phẫu thuật và xạ trị. Tuy nhiên, việc phối kết hợp các liệu pháp này với nhau cho phù hợp, hiệu quả trên từng người bệnh vẫn là điều chưa được hoàn toàn như chúng ta mong muốn.
“Có những trường hợp lẽ ra phải nên xạ trị trước thì chúng ta “đè” bệnh nhân ra mổ khiến tốc độ lâm sàng ung thư thuần túy ở người bệnh vô tình bị “đẩy” nhanh hơn. Có những trường hợp nên mổ trước thì chúng ta lại cho bệnh nhân thực hiện hóa trị…”- ông nhấn mạnh.
Vì thế, ông hy vọng qua cuộc hội thảo này, ngành y tế nước ta sẽ cập nhật thêm được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới góp phần hỗ trợ người bệnh hiểu quả hơn. Ông cam kết Bộ Y tế sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các thầy thuốc, các nhà khoa học tham gia làm tốt trong lĩnh vực này.
Trần Ngọc Kha
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…