Categories: Tin tức

Thừa cân, béo phì dễ dẫn đến suy thận

Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mãn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người có cân nặng bình thường.

Chia sẻ tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thận thế giới sáng 9/3, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thừa cân béo phì là một vấn đề toàn cầu và tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Béo phì ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có thận.

Béo phì thừa cân làm tăng mức lọc cầu thận, tăng áp lực thành mao mạch cầu thận, tổn thương tế bào có chân dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Với người mắc bệnh thận mãn tính chưa lọc máu, tình trạng thừa cân, béo phì cũng làm tăng tiến triển bệnh.

Béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường, tăng huyết áp, dẫn đến bệnh thận mãn tính, suy thận giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện thay thận.

Bệnh nhân thận điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.L.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy béo phì có thể gây hại cho chức năng thận trước khi các tác động tiêu cực của huyết áp cao và tiểu đường lên thận được khẳng định. Nhiều bệnh nhân có mức albumin (chỉ số kiểm tra chức năng thận) vượt an toàn dù huyết áp, mức đường huyết bình thường. Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số khối cơ thể BMI càng lớn.

Theo bác sĩ Dũng, năm 2008 tỷ lệ bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo do đái tháo đường (liên quan nhiều đến thừa cân béo phì) chỉ khoảng 8% thì nay lên 14%. Ước tính đến năm 2025, béo phì ảnh hưởng đến 18% nam giới và hơn 21% phụ nữ trên toàn thế giới. Người thừa cân béo phì có nguy cơ suy thận mãn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần người có cân nặng bình thường.

Để phòng bệnh thận, bác sĩ Phan Thế Cường, Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo người đang thừa cân, béo phì cần cải thiện sức khỏe bằng cách giảm cân, càng gần với cân nặng bình thường thì càng có lợi cho sức khỏe. Nên tham vấn bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch giảm cân an toàn. Chế độ ăn kiêng cần đảm bảo giảm cân đều từ từ khoảng 0,45 kg một tuần. Tập thể dục đều đặn (đi bộ, chạy, bơi, khiêu vũ…); điều chỉnh thói quen, hành vi (ghi lại mọi thứ ăn, mua thức ăn theo danh mục và không mua khi đói…).

8 nguyên tắc vàng phòng bệnh thận gồm:

– Hoạt động thể lực phù hợp.

– Kiểm soát đường huyết.

– Theo dõi huyết áp.

– Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng.

– Uống lượng nước thích hợp.

– Không hút thuốc lá.

– Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

– Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.

Những người có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, gút, tăng huyết áp… cần lưu ý, tránh để biến chứng sang suy thận.

Chỉ số khối cơ thể BMI được tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. BMI từ 25 đến 30 được coi là thừa cân, BMI trên 30 được coi là béo phì.

Phương Trang

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Các loại đậu có tốt cho sức khỏe đường ruột không?

Nhìn chung, đậu và các cây họ đậu rất tốt cho sức khỏe, sức khỏe…

1 day ago

12 thực phẩm chứa enzyme tiêu hóa tự nhiên

Một số thực phẩm, bao gồm một số loại trái cây như dứa và thực…

1 day ago

Độc đáo hệ vi sinh đường ruột tác động đến tính cách con người

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột là tạo ra tính ổn định và…

1 day ago

Hiểu biết đầy đủ về bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa xảy ra ở khoảng 5% và tăng mạnh ở dân số phương…

6 days ago

Các bước cải thiện sức khỏe đường ruột

Sức khỏe đường ruột khỏe mạnh, bao gồm môi trường đường ruột cân bằng và…

7 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột bệnh vảy nến, bệnh chàm

Bệnh vảy nến là căn bệnh da liễu khá phổ biến với các biểu hiện…

7 days ago