Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) lý giải, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thiếu thốn văcxin và tỷ lệ tiêm chủng thấp là bùng nổ dân số. Ở những nước đông đúc bị hạn chế về về kinh tế và y tế, trẻ em vùng xa xôi khó có thể hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tiếp đến là do thiếu giáo dục và xung đột xảy ra triền miên.
Ngoài ra, nhiều quốc gia chưa có kỹ năng bảo quản và quản lý văcxin đồng thời không đưa ra kế hoạch chuẩn bị trước. Một số loại văcxin mới như văcxin viêm phổi và văcxin rotavirus vẫn còn tương đối đắt đỏ, kể cả với nhóm nước có mức thu nhập trung bình.
Tiêm chủng là một trong những thành tựu sức khỏe lớn nhất của nhân loại, đã cứu sống nhiều trẻ em hơn bất cứ hình thức can thiệp y tế nào khác trong 50 năm qua. Thế nhưng, UNICEF thống kê, thế giới vẫn còn 1,5 triệu trẻ chết mỗi năm vì không được tiếp cận với văcxin. 70% số trẻ này sống tại 10 quốc gia là Congo, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Nigeria, Pakistan, Philippines, Uganda và Nam Phi. Việt Nam nằm trong danh sách những nước có tỷ lệ trẻ dưới một tuổi không được tiêm 3 liều văcxin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) cao nhất.
|
Ảnh: France 24. |
France 24 dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn dược phẩm đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) là Telma Léry, số bệnh nhân ho gà tăng đột biến vào năm 2012 và 2013 khiến 17 quốc gia trong đó có Mỹ, Ấn Độ và Australia khuyên phụ nữ mang thai sử dụng văcxin DTP3 vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Điều này dẫn đến sự hao hụt lớn về nguồn dự trữ.
Cùng với đó, văcxin được điều chế theo quy trình sinh học, phải trải qua 2 giai đoạn với các pha khác nhau, đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu để kiểm soát mọi biến đổi có thể xảy ra. “Chúng ta không thể dự đoán dịch bệnh, cũng không thể chắc chắn cần bao lâu mới có thể tung ra thị trường một lô văcxin mới”, phát ngôn viên này nói. Thêm nữa, chi phí sản xuất quá tốn kém trong khi phải đảm bảo giá thành bán ra ở mức thấp khiến ngày càng ít tập đoàn, công ty dược phẩm muốn sản xuất văcxin.
Yếu tố tâm lý cũng góp một phần không nhỏ vào thực tế trên. GSK đã tung ra loại văcxin thay thế cho DTP3 nhưng 10% phụ huynh Pháp không đồng ý tiêm cho con bởi lo ngại giá tiền và nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị từng quốc gia lập kế hoạch cụ thể và quản lý văcxin chặt chẽ. Hợp tác quốc tế cần được đẩy mạnh để hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng dưới 80%. UNICEF cho biết sẽ tập trung vào các mục tiêu bao gồm mở rộng vùng tiêm chủng, mua thêm văcxin, nâng cao kỹ năng bảo quản, tuyên truyền về tác dụng của văcxin và giới thiệu các loại văcxin mới ở những quốc gia đang phát triển. Nếu như mọi trẻ em đều được tiêm văcxin, loài người sẽ cứu được 25 triệu mạng sống vào năm 2020.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Trong cuộc sống, hiện tượng đỏ mặt chỉ xảy ra khi đi nắng, uống rượu…
Trong cuộc sống có những thời điểm không thể tránh khỏi hơi thở có mùi…
Khuôn mặt mỗi người mang những nét đặc trưng riêng phản ánh tính cách và…
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…