Khó quản lý nguồn gốc, chất lượng dược liệu
Với khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại được tiêu thụ tại nước ta mỗi năm nhưng số có nguồn gốc xuất xứ chỉ vỏn vẹn 1.400 tấn, còn lại khoảng 80%-85% dược liệu được sử dụng hiện nay là nhập từ Trung Quốc. Hầu hết đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ các đường tiểu ngạch, không chính thống… PGS.TS Phạm Vũ Khánh Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền – Bộ Y tếcho biết, hiện nay, do lợi nhuận của việc buôn lậu dược liệu rất cao, nên tình hình buôn lậu dược liệu diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là vận chuyển qua đường mòn, lối mở trái phép qua biên giới và xuất hiện tình trạng trộn lẫn giữa dược liệu nhập lậu với dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dược liệu không đảm bảo chất lượng với dược liệu đảm bảo chất lượng đưa vào các cơ sở khám chữa bệnh.
Do không có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền; dược liệu lưu hành chưa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chung nên dẫn đến tình trạng một số dược liệu không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn trúng thầu vào bệnh viện công lập nhờ có giá rẻ. Có những trường hợp doanh nghiệp làm giả hồ sơ, chứng từ để hợp thức hóa dược liệu không có nguồn gốc, kém chất lượng. PGS.TS Phạm Vũ Khánh cho biết thêm, mỗi dược liệu sử dụng cho mục đích khác nhau nên được kiểm soát theo cách khác nhau. Dược liệu trong sản xuất thuốc tây y có hoạt chất cụ thể nên có thể định lượng trong hàm lượng hoạt chất của dược liệu khi sản phẩm lưu hành. Tuy nhiên, dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc cố truyền thì rất khó có thể định lượng được hàm lượng các hoạt chất trong thành phần dược liệu. Do vậy, yêu cầu phải kiểm soát được chất lượng ngày từ nguồn dược liệu đầu vào. Đối với dược liệu sử dụng trong kê đơn, bốc thuốc thang lại càng khó trong kiểm soát chất lượng, ngoài việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng bằng kinh nghiệm, phải kiểm soát tất cả các quá trình từ khâu tạo giống, chăm bón, nuôi trồng, thu hái, bảo quản, lưu thông, sử dụng dược liệu. Điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các bộ, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh đông dược.
Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, mỗi năm, Viện lấy khoảng 7.000 mẫu đông dược để kiểm nghiệm, trong số này tỷ lệ nghi ngờ chất lượng có vấn đề chiếm 9 – 10%, khoảng 1% mẫu dược liệu không đạt hàm lượng hoạt chất, có thể đã bị chiết xuất, đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo quy trình nuôi trồng, thu hái. Đáng lo ngại hơn như TS. Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, có thực trạng phát hiện thuốc đông dược trộn cả tân dược. Trước đây, có loại đông dược trộn 1 loại thuốc tây y, nhưng gần đây qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có thuốc trộn đến 3 đến 4 loại thuốc tây y. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì khi dùng thuốc tân dược phải theo chỉ định của bác sỹ, sử dụng theo liều lượng nhất định. TS. Nguyễn Đăng Lâm nhận định, người dân từ trước đến nay đều cho rằng sản phẩm đông dược có nguồn gốc từ thiên nhiên, gần gũi nên không độc hại, hiệu quả điều trị đã được lịch sử chứng minh, ít tác dụng phụ nên nhu cầu sử dụng rất lớn, giá thành cũng rẻ hơn tân dược. Cùng với đó, tâm lý nhiều người muốn khỏi bệnh nhanh, trong khi thuốc đông dược có hiệu quả chậm nên thường phải uống nhiều thang, do vậy, một số đối tượng làm thuốc giả đã trộn lẫn tân dược vào nhằm đẩy nhanh tác dụng của thuốc.
Tăng cường giải pháp nuôi trồng dược liệu trong nước
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã đề xuất một số giải pháp như tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu tại các cơ sở kinh doanh dược liệu; nâng cao vai trò của Hội đồng Kiểm nhập thuốc; phối hợp cung cấp thông tin, công khai danh tính các đơn vị kinh doanh dược liệu giả cho khối các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, kịp thời cung cấp thông tin cho báo đài nhằm tăng cường truyền thông phòng chống nạn buôn bán dược liệu giả, đặc biệt, là nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu tại Việt Nam.Tham gia Hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu”, tổ chức ngày 14/9/2016, tại Hà Nội, với vai trò Chủ tọa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, có điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi nên có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng, do vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng dược liệu. “Trước đây, nước ta đã từng phải nhập khẩu lúa gạo nhưng nay chúng ta đã xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhất, nhì trên thế giới. Nay chúng ta có thể đặt mục tiêu từ nước nhập khẩu dược liệu sang thành đất nước xuất khẩu dược liệu hoặc chí ít là đáp ứng đủ nhu cầu trong nước” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ quan quản lý y, dược cổ truyền cần nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách nhằm khuyến khích hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu, đồng thời, thu hút nguồn đầu tư của cac doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu; phát huy vai trò của Ủy ban Nhân dân xã, phường trong giám sát, quản lý nguồn gốc của dược liệu theo địa chỉ nuôi trồng; tăng cường nghiên cứu khoa học hộ trợ nuôi trồng dược liệu; phát triển các hội nghề nghiệp giúp đỡ cho các thành viên, tăng cường hợp tác giữa 3 nhà (nhà nông – nhà khoa học – doanh nghiệp) nhằm xây dựng ngành nuôi trồng dược liệu. Đặc biệt, cần bảo tồn nguồn các gien để phục vụ phát triển ngành nuôi trồng dược liệu bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…