Bài viết dưới đây là chia sẻ của Marian Schembari, một nhà văn sống ở Mỹ, về quan điểm khiến chị quyết định mình và bạn đời luôn duy trì tình trạng độc lập về tài chính và chia đôi mọi chi phí trong gia đình.
Tôi không biết việc chồng mình mua chiếc ô tô 17.000 USD cho tới khi anh ấy gửi cho tôi đường link tới trang web bán chiếc xe. “Em xem này”, anh ấy nhắn cho tôi. “Đẹp đấy. Sao anh gửi cho em xem cái này làm gì”, tôi đáp lại. “Anh vừa mua xe này đấy”, chồng tôi nhắn tiếp.
|
Chị Marian Schembari và chồng là anh Elliot Speed trong ngày cưới. Ảnh: Cosmopolitan. |
Tôi đã có một chiếc xe riêng và vợ chồng tôi sống ở San Francisco, nơi chúng tôi chỉ cần một chiếc xe là đủ. Nhưng vài ngày sau, chúng tôi đã đến tậu chiếc xe màu xanh bóng loáng về cho anh ấy. Khi cài dây bảo hiểm cho tôi để lượn thử vài vòng trên xe, một nụ cười tươi nhưng có phần hơi áy náy nở trên gương mặt chồng, rồi anh ấy hỏi: “Cái này được không em?”, “Cái gì được cơ. Liệu em cũng cần hỏi anh về những việc như thế này ư?”, tôi đáp lại.
Lúc ấy, chúng tôi mới đính hôn được vài tháng và vẫn có cảm giác việc này là một vấn đề lớn. “Đó là tiền của anh, anh yêu. Anh có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với nó”, tôi nói với anh. Tôi nói hoàn toàn thật lòng, và tôi vẫn đang làm như vậy.
Hiện tại, Elliot và tôi đã cưới nhau được hơn một năm và chung sống với nhau gần 3 năm. Suốt thời gian đó, mỗi chúng tôi tự quyết định các vấn đề tài chính của mình và 100% tiền ai nấy dùng. Chúng tôi không có tài khoản ngân hàng chung và mọi chi phí đều chia đôi. Chúng tôi thậm chí còn yêu cầu người bán hàng chia đôi chi phí hóa đơn ngay lúc mua sắm thứ gì đó hoặc một người trả rồi sau đó người kia sẽ góp nửa tiền. Tiền thuê nhà, mua đồ đạc, các dịch vụ tiện ích, hóa đơn chăm sóc thú cưng luôn được đưa lên bảng tính và chia đôi để cả hai vợ chồng đều tránh được các hóa đơn nợ quá hạn.
Hiện tại, chúng tôi góp một số tiền bằng nhau cho khoản tiết kiệm nhưng phần còn lại thì mỗi người tự chi tiêu, tùy thuộc vào ngân sách và mong muốn của từng người. Chúng tôi không phán xét nhau. Chúng tôi tin tưởng rằng “nửa kia” là một người trưởng thành và có thể tự đưa ra quyết định đúng.
Khi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến bố mình hỏi mẹ tiêu bao nhiêu tiền mỗi ngày, ghi lại chi tiết trong cuốn sổ màu vàng của ông từng khoản: 3 USD cho cà phê, 15,95 USD tiêu ở hàng sách…
Tôi chưa bao giờ nghe thấy bố mẹ mình cãi nhau về tiền nhưng họ thực sự đã nói về nó rất nhiều. Với đôi tai của đứa trẻ là tôi hồi ấy, bất cứ khi nào bố mẹ nói với nhau về chuyện chi tiêu hằng ngày, tôi thấy ông giống như là bố của mẹ chứ không phải một người chồng. Lớn lên, tôi lại được nghe đi nghe lại rằng tiền là lý do số một khiến các đôi cãi nhau. Vì vậy, khi lấy chồng, chung tiền không phải điều tôi muốn. Tại sao tôi lại muốn chồng căn vặn lý do tôi mua đôi giày tận 200 USD? Tại sao tôi muốn anh ấy tiêu số tiền tôi phải vất vả kiếm ra, hoặc ngược lại?
Và thế là, tôi và chồng đã bàn bạc và đưa ra quyết định: đưa vấn đề tiền bạc ra khỏi những thứ cả hai chia sẻ và phải công khai với nhau. Đáng ngạc nhiên là, sự bất đồng lại đến từ bên ngoài mối quan hệ của chúng tôi: Bạn bè và gia đình không bao giờ hiểu được tại sao vợ chồng tôi lại riêng rẽ về tài chính. Họ cho rằng điều này khiến chúng tôi xa cách nhau và giống như không “chung một đội”. “Cậu nói rằng hai người thậm chí không có một tài khoản chung? Thế tiền thuê nhà thì sao?”, một người bạn hỏi tôi. “Thì chúng tớ đăng ký trả tiền thuê bằng tài khoản của Elliot và tớ sẽ trả cho anh ấy một nửa mỗi tháng”. “Cậu không thấy như vậy thật buồn cười và phiền phức à”, “Không”.
Thành thật mà nói, tôi cảm thấy phiền hơn khi chứng kiến Elliot tiêu tiền của tôi hay nghe anh ấy căn vặn tôi tiêu tiền của chồng vào những việc gì.
Năm ngoái, tôi chi tiền tiết kiệm của bản thân để một mình đi chơi Lodon. Tôi đã thuê nhà kiểu “ở ké” với chủ qua một trang mạng và lang thang trên những con phố ở đó. Vài tháng sau, Elliot đi du lịch đến Lào và dành hai tuần đi dọc đất nước này bằng xe máy cùng bạn bè anh ấy. Tôi vừa đăng ký tham gia một trại viết văn. Anh ấy đã mua một bộ áo giáp. Miễn là anh ấy vẫn chia sẻ các chi phí chung trong gia đình và góp số tiền để tiết kiệm cố định, tôi không hỏi han gì tới các khoản khác chồng chi và tôi hy vọng chồng cũng làm vậy với mình.
Cả hai chúng tôi đều khỏe mạnh, có công việc và kiếm tiền khá. Chúng tôi chưa có con và sống ở một thành phố có giá cả phải chăng. Tôi đã tưởng tượng khi chúng tôi khó khăn kinh tế, có con cái hay một trong hai vợ chồng mất việc hoặc bị đau ốm… Khi đó, chúng tôi sẽ không duy trì cuộc sống xa hoa độc lập như thế này nữa. Tôi cũng tưởng tượng đến lúc tiền của mình phải lo mua sữa, bỉm và gửi con đi trẻ… Chắc khi đó sẽ ít vui hơn khi góp với chồng 20 USD – một nửa chi phí cho bữa tối hẹn hò giữa hai đứa.
Cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn là hai người độc lập và chúng tôi có kế hoạch duy trì điều đó tới khi nào còn có thể.
Vương Linh (Theo Cosmopolitan)
Nguồn: VnExpress
Trong cuộc sống, hiện tượng đỏ mặt chỉ xảy ra khi đi nắng, uống rượu…
Trong cuộc sống có những thời điểm không thể tránh khỏi hơi thở có mùi…
Khuôn mặt mỗi người mang những nét đặc trưng riêng phản ánh tính cách và…
Quá trình nhai nuốt thức ăn hàng ngày không khí có thể đi vào cơ…
Hệ tiêu hóa bao gồm hệ thống các cơ quan đảm nhiệm vai trò quan…
Ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm của Việt Nam cũng như…