Categories: Tin tức

Qùa vặt cổng trường

Ở Hà Nội không khó để bắt gặp những quán ăn vặt tại các cổng trường với đa dạng món ăn như bánh, kẹo, ô mai, thạch, xúc xích, lạp xưởng, nem rán, thịt nướng, cùng vô số loại nước giải khát… Những món ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ này đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại về vấn đề an toàn sức khỏe đối với con em.

Ảnh minh họa.

Quà vặt- sở thích của học trò?

Khảo sát một vòng các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp các loại bánh, kẹo, sản phẩm màu sắc sặc sỡ, bắt mắt được đựng trong các thúng, mẹt của các gánh hàng rong hay trong tủ kính của những cửa hàng gần trường. Tuy nhiên, khi được hỏi đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ thì người bán hàng ậm ừ.

Nhìn chung các loại bánh, kẹo bên ngoài đều có màu sắc lòe loẹt, bao bì có mang hình ảnh những nhân vật quen thuộc với các em nhỏ rất bắt mắt như Tôn Ngộ Không, Pokemon… và nhiều loại hoạt hình khác. Bên trong thì bánh, kẹo có đủ các vị ngọt, cay, mặn… lẫn lộn, dầu mỡ nhớp nháp và hầu hết đều bị ẩm nhưng lại rất đắt khách.

Trước mỗi cổng trường thường có khoảng 3 đến 4 hàng rong, bán các món quà mà trẻ nhỏ yêu thích như: nem chua rán, xúc xích, chả viên, cóc dầm, xoài dầm, bánh kẹo, trà sữa Thái Lan các loại nước giải khát… với các mức giá từ 2 đến khoảng 20 nghìn đồng/món.

“Mùa hè, chị bán nước giải khát, cóc dầm, trà sữa, mùa đông thì bán nem chua rán, xúc xích. Mùa nào cũng bán được ”- chị Hòa, chủ quán hàng rong cạnh Trường tiểu học Trung Hiền (Ngõ Trung Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Trước cửa ngách cổng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường có một phụ nữ với chiếc xe đạp và mẹt hàng phía sau đon đả chào mời học sinh đủ loại bánh, kẹo có nhãn mác là tiếng nước ngoài như tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… mà không có thêm bất kỳ nhãn phụ tiếng Việt nào cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng. Giờ ra chơi, học sinh không được ra khỏi trường thường đứng phía trong cổng í ới gọi và đưa tiền, còn người phụ nữ này thì phục vụ không xuể.

Ngoài ra, tại cổng trường còn có các cửa hàng bán chè, bánh bao hoặc bánh mì phục vụ cả ngày. Bất kể thời tiết nóng hay lạnh, các em rất chuộng món thịt xiên nướng 5-6 nghìn đồng/xiên. “Thấy cháu ăn ngon miệng nên tôi cũng hay mua cho cháu”- bà Nguyễn Thị Năm giải thích.

Chị Minh Tú- phụ huynh học sinh cho biết: “Quà vặt ngồi ngay cổng trường thì được cái tiện. Nhiều khi đón con, chúng mè nheo đòi ăn cái này cái kia, mua cho xong chứ không để ý nhiều đến chất lượng. Nhưng gần đây thấy báo chí nói nhiều về nguy cơ của các mẹt quà vặt cổng trường cũng thấy sợ”. Một phụ huynh khác lại chia sẻ rằng chị cũng đã dặn con không mua quà vặt tạp nham ngoài cổng trường nhưng không hiểu vì sao thỉnh thoảng vẫn thấy vài gói ô mai hay thạch của Trung Quốc trong trong cặp.

Hỏi chuyện một chủ hàng rong, chỉ xởi lởi kể: Tuần một lần tôi lên Lương Văn Can, Hàng Buồm lấy hàng. Hàng gì ở đây cũng có hết. Những mặt hàng có hình mấy con picachu, siêu nhân hay quà tặng, con quay thì chạy lắm.

Thanh Hà, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước cổng trường em có rất nhiều người bán đồ ăn, đông học sinh. Có hôm em thấy xúc xích rơi xuống đất, bác bán hàng nhặt lên khoắng vào chậu nước lại rán tiếp rồi bán cho các bạn. Thấy sợ, từ đó em và các bạn chuyển vào quán trong ngõ, xa trường hơn nhưng thấy sạch hơn ”.

Thức ăn đường phố thì mất vệ sinh, nhưng không ít các bậc phụ huynh lại tỏ ra khá dễ dãi trong việc chiều theo sở thích, nhu cầu của con. Nhiều người có thói quen dúi vào túi con một ít tiền lẻ để khi tan học trong lúc chờ đợi bố mẹ tới đón hoặc tan giữa ca học, con ăn tạm món gì đó cho đỡ đói, việc này đã khiến các em nhỏ mua phải đồ ăn mất vệ sinh. Hậu quả của các loại thực phẩm bẩn này có thể chưa phát tác ngay nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, thậm chí là trí tuệ và sự phát triển của trẻ sau này.

Tiềm ẩnchất độc hại

Các chuyên gia về thực phẩm cho biết, thực phẩm đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường, gần như không kiểm soát được các loại hóa chất, phụ gia độc hại. Hiện có tới 70 đến 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli- loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Ngoài ra, thức ăn đường phố thường sử dụng phẩm màu, hóa chất công nghiệp để tạo ra sản phẩm, đây là nguy cơ gây bệnh mãn tính lên gan, thận, thần kinh, gây ung thư.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) các loại bột dẻo, bột mì được sử dụng để sản xuất bim bim khi làm nóng ở nhiệt độ trên 120 độ sẽ tạo thành chất acrylamide, gây nguy cơ mắc ung thư cao. Chất tạo ngọt Sodium Cyclamate có trong bim bim là chất cấm, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, chất acrylamide phổ biến trong tất cả bim bim được cho là nguyên nhân gây ung thư thận, ung thư phổi, ung thư gan,…

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. GS.TS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, việc sử dụng thực phẩm không an toàn dù chưa thể mắc bệnh ung thư ngay. Nhưng nếu dùng trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể con người thì nó sẽ gây bệnh.

Đặc biệt, dầu rán trong quá trình đun nhiệt sẽ tạo ra chất rất độc hại, vì vậy người ta khuyến cáo dầu không nên dùng rán nhiều lần và rán ở nhiệt độ thấp chứ không nên rán ở nhiệt độ cao. Tất cả các món nướng, món rán đều có nguy cơ gây bệnh cho con người, khả năng gây ung thư rất cao, nhất là với trẻ nhỏ.

Theo phân tích của các chuyên gia thực phẩm, lượng dầu mỡ nhiều trong quy trình sản xuất bim bim là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường. Ngoài ra, trong bim bim còn có hàm lượng đường, muối nhân tạo dễ khiến trẻ bị mắc tiểu đường hoặc làm giảm insulin, hạn chế sự phát triển cơ thể của trẻ. Ăn nhiều bim bim với hàm lượng rất lớn các chất béo có hại dễ khiến trẻ bị béo phì, đầy bụng, chán ăn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa.

Vẫn theo PGS Thịnh, rất nhiều xúc xích, nem chua được bán rong có nguồn gốc không rõ ràng, được chế biến từ thịt ôi thiu trong những cơ sở tư nhân thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồ chiên rán như nem chua rán thường dùng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần gây biến chất vì tạo thành axit béo dạng xấu không có lợi cho sức khỏe, gây đầy bụng, khó tiêu, nguy hiểm khiến người ăn sẽ bị béo phì và bị bệnh tim mạch.

Xúc xích, nem chua thường phải sử dụng chất bảo quản tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Ăn nhiều xúc xích, nem chua rán, trẻ có thể lâm vào tình trạng thừa năng lượng dẫn đến béo phì, dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt, nếu các bé ăn nhiều, ăn trong thời gian dài, các chất độc có thể tích tụ lại, gây nên bệnh ung thư, thậm chí tử vong…

Cô Nguyễn Thu Hảo- Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Yên (Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại việc các em học sinh tiểu học thường ăn những món quà vặt không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo cô Hảo, trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường thường đề nghị các bậc phụ huynh không nên cho các con tiền để tiêu vặt. Không có tiền thì các con cũng không thể mua được quà vặt ngoài cổng trường. Bên cạnh đó, các địa phương có các trường tiểu học đóng trên địa bàn cần phải tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và kiên quyết xóa bỏ các hàng rong trước cổng trường.

Lan Minh

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

3 cách để cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa theo ý kiến chuyên gia

Cải thiện sức khỏe đường ruột giúp nâng cao sức khỏe toàn thân 1. Xem…

10 hours ago

Loại đồ uống lên men tốt cho hệ vi sinh đường ruột

Những loại đồ uống được tạo nên bằng phương pháp lên men có tác dụng…

16 hours ago

Gelsectan, Viên uống đường tiêu hóa chữa hội chứng ruột kích thích

Viên uống Gelsectan hộp 30 viên, giúp giảm và phòng ngừa triệu chứng hội chứng…

2 days ago

Lợi ích của bánh mỳ chua đối với hệ vi sinh đường ruột

Bánh mỳ chua hay còn gọi là bánh mì lên men dễ tiêu hóa mang…

3 days ago

Nhóm thực phẩm lên men tốt cho hệ vi sinh đường ruột

Thực phẩm lên men chứa nhiều sinh vật có lợi được tạo ra thông qua…

6 days ago

Ô nhiễm kim loại nặng trong nước gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột

Ô nhiễm kim loại nặng trong nước là vấn đề đáng báo động hiện nay…

6 days ago