Không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, bệnh nổi mề đay khi trời lạnh còn có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng như ngất, sốc, thậm chí là tử vong.
Khốn khổ vì mề đay
Hơn 2 tháng nay, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh cũng là lúc anh Nguyễn Công Tình (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khổ sở với chứng nổi mề đay. Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, hễ trời rét là các mảng mẩn đỏ trên da lại “bung nở” trên khắp cơ thể anh kèm theo những trận ngứa “chết đi sống lại”.
Còn nhớ, năm đầu mắc chứng bệnh này, anh vô cùng hốt hoảng khi thấy toàn thân ngứa râm ran, căng tức. Vạch áo kiểm tra thì thấy mề đay nổi khắp cơ thể. Quái ác hơn, cả “vùng kín” của anh cũng trong tình trạng sưng vù, ngứa ngáy. Vợ anh khi biết chuyện, không những không thông cảm mà còn nghi ngờ anh bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vừa khổ sở xoa xoa, gãi gãi, vừa đau đầu, bực tức vì vợ ngồi cạnh cứ nước mắt ngắn dài tra hỏi, lúc đó, anh Tình đã trộm nghĩ: “Hay cô ấy vừa ăn cướp, vừa la làng? Đã lây bệnh cho mình rồi còn giả vờ trách móc này nọ?”.
Thế là, thay vì đến bệnh viện chữa trị ngay lập tức, vợ chồng anh đã cãi nhau om sòm cả buổi sáng. Cuối cùng, hai người quyết định cùng đến bệnh viện để làm rõ ngọn ngành, phân rõ trắng đen. Và khi nghe kết luận cuối cùng của bác sĩ: nổi mề đay do dị ứng với thời tiết lạnh, hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm. “Vừa mừng vì đấy không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, vừa lo vì bệnh này không trị được tận gốc”, anh Tình chia sẻ lại cảm xúc khi ấy.
Ảnh minh họa |
Giống như anh Tình, chị Hồ Thị Trang (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang sống dở, chết dở với chứng nổi mề đay. Chỉ vào đôi môi đang bị sưng vù, chị khó nhọc nói từng câu: “Tôi bị như thế này 2 năm rồi. Cứ trời lạnh là mồm miệng lại sưng vù, chả ăn uống được gì. Bạn bè lúc đầu không biết cứ tưởng đó là hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều người ác mồm còn bảo tôi bị chồng đánh”.
Vẫn theo lời chị Trangkể, có lần, chị còn bị sưng cả lưỡi và họng, rất khó thở vì hầu họng bị phù nề. Đi khám, chị được bác sĩ dặn phải hết sức cẩn trọng với những biểu hiện này, nếu thấy nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó thở… phải ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất, nếu không dễ bị sốc dẫn đến tử vong.
Chính vì thế, những lần mặt mũi “dở chứng”, chị Trangchẳng dám đi đâu mà chỉ nằm nhà cầu mong đừng có triệu chứng xấu và lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng lên bệnh viện. Điều đáng buồn là chẳng có thuốc nào có thể trị bệnh tận gốc, và như vậy có nghĩa là chị đành phải chịu cảnh “sống chung với lũ”.
Phòng bệnh cách nào?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nổi mề đay khi giá rét là kiểu cơ địa quá mẫn cảm với sự thay đổi nhiệt độ của thời tiết. Theo đó, khi tiếp xúc với khí lạnh, cơ thể người bệnh sẽ giải phóng ra histamin và các chất trung gian khác, gây nổi mề đay, mẩn ngứa. Điều này giống như các phản ứng dị ứng của cơ thể với thực phẩm, phấn hoa, lông chó, mèo…
Đặc trưng của bệnh nổi mề đay là các mảng sẩn đỏ trên da với nhiều loại kích thước, kèm theo là ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa. Thông thường, các dấu hiệu khó chịu này sẽ tự biến mất và không để lại dấu vết gì (trừ những vết xước do gãi), song cũng có trường hợp gây ra nhiều biến chứng như khó thở, nhịp tim nhanh, phù não… Bởi thế, trong những tình huống bất thường, bạn cần đi khám ngay lập tức. Đặc biệt, để hạn chế nguy hiểm trên đường như mất kiểm soát do ngứa ngáy, khó chịu, bạn không nên đi một mình. Nếu không có ai đi cùng thì nên di chuyển bằng taxi.
Vì không có thuốc chữa dứt điểm bệnh này, thế nên, phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất cho những người bị nổi mề đay khi trời lạnh. Theo đó, bạn nên kiêng ăn các chất cay, nóng, thức ăn nhiều gia vị, các loại hải sản và không uống rượu…, đặc biệt vào mùa đông, vì đây đều là các yếu tố thuận lợi cho bệnh nổi mề đay xuất hiện hoặc tái phát.
Ngoài ra, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà rồi mới đi ra ngoài, tránh ở những nơi có gió lùa, tránh tiếp xúc với nước lạnh… Nếu đã bị nổi mề đay, để hạn chế nhiễm trùng da do những vết xước, bạn không nên gãi mà chỉ xoa để bớt cảm giác ngứa. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ hàng ngày để không bị bội nhiễm, mưng mủ.
Nổi mề đay khi trời lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào, thế nên, nếu muốn kiểm tra cơ thể mình có bị dị ứng với thời tiết kiểu như thế này hay không, bạn chỉ cần để viên đá lên tay từ 4-5 phút, sau đó quan sát vùng da đó trong 10 phút. Nếu thấy nổi mề đay và mẩn ngứa, nghĩa là bạn thuộc nhóm người có cơ địa kiểu như thế này. Khi đó, biết cách phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát là việc rất cần thiết.
Phân loại mề đay: Cơn mề đay cấp tính: Bệnh biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, thể hiện trên những nốt sần, phù nề, ngứa dữ dội. Cơn xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hẳn hoặc có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở… Cơn mề đay mạn tính: Đó là khi mề đay kéo dài trên 8 tuần, không kể nhiều hay ít, có khi ngắt quẵng nhiều ngày, có thể gặp các dạng sau: + Mề đay thành vệt dài, thành vòng – mề đay xuất huyết. + Mề đay sần ở trẻ em – mề đay mụn nước, phỏng nước. + Mề đay khổng lồ – đó là phù nổi đột ngột làm sưng phù mặt, mí mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục, thường sau vài giờ thì lặn, không ngứa chỉ gây cảm giác căng tức khó chịu. Mức độ nguy hiểm của dạng phù này có thể làm phù đường hô hấp, gây hẹp thanh quản dẫn đến khó thở. + Mề đay cấp tiết Cholin: Xuất hiện khi đi ra nắng, vận động thể lực, xúc cảm hay gặp ở người trẻ tuổi. Mề đay nổi đột ngột rầm rộ khắp người, gây cảm giác rất ngứa. |
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…