N
hững ngày cuối tháng 11, Hà Nội đón đợt gió lạnh đầu tiên của mùa đông. Sáng sớm, dọc con đường 70 của Hà Đông, Hà Nội, cánh cổng nhiều bệnh viện lớn vẫn tấp nập người ra vào. Cách đó không xa, Bệnh viện 09 nằm nép bên đường khá lạnh lẽo. Nếu không để ý, nhiều người không biết đó là nơi điều trị người nhiễm HIV, AIDS.
Bệnh viện 09 là cái tên nghe khá xa lạ với nhiều người ngoại trừ cộng đồng người nhiễm H. Đây là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt. Họ là những người nghiện ma túy, bệnh nhân bị nhiễm HIV và AIDS ở giai đoạn cuối.
Không khí đầu đông càng khiến nơi đây càng trở nên lạnh lẽo. Một, hai người đến liên hệ làm việc cũng đủ khiến bảo vệ tỏ ra ngạc nhiên. “Ở bệnh viện này, bệnh nhân không có ai đến chăm sóc, huống hồ là thăm”, ông giải thích.
Uống một ngụm trà đặc nóng sau khi từ phòng bệnh nhân trở về, như một cách làm ấm người trong tiết trời lạnh giá, bác sĩ Hoàng Hải Hà, khoa Nội, đăm chiêu: “Công việc của chúng tôi ở đây khác người lắm. Không phải ai cũng bám trụ được đâu”.
Đối với mỗi bệnh nhân, trong quá trình điều trị, bác sĩ Hà và đồng nghiệp phải cân nhắc để đưa ra phác đồ tốt nhất. Bệnh HIV vẫn chưa thể chữa khỏi. Do đó, nhiệm vụ của các bác sĩ là điều trị giảm thiểu lượng virus trong người bệnh nhân, đánh bại những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giúp những người có H sống khỏe mạnh.
Khó hơn cả trong quá trình chữa bệnh là tâm lý bất thường của bệnh nhân, đòi hỏi bác sĩ vừa phải tinh tế, vừa đủ bản lĩnh để đối phó. Trong quá trình điều trị, không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác. Bởi khi biết mình có H, đa số bệnh nhân đều rơi vào tâm trạng tồi tệ, muốn từ bỏ tất cả. Sự chán nản của bản thân và thái độ ruồng rẫy của xã hội đã đẩy họ vào đường cùng. Nhiều trường hợp nhảy lầu tự tử ngay trước mặt y bác sĩ.
Không vượt được qua cú sốc này khiến nhiều người có H mắc bệnh tâm thần. Và khi không kiểm soát được hành vi, họ lao vào tấn công y bác sĩ bằng dao, kim tiêm. Bác sĩ Hà từng phải điều trị phơi nhiễm HIV sau khi một đối tượng nghiện ma túy đâm xilanh chứa máu có HIV vào người. Anh cũng hơn một lần đứng trước mũi dao của bệnh nhân. Gần đây nhất, anh phải “ra tay” cứu một đồng nghiệp trẻ bị người nhà bệnh nhân dọa giết chỉ vì lên tiếng nhắc nhở họ trong lúc làm vệ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thủy, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, cho biết khi chấp nhận làm việc trong môi trường này, bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm từ bệnh nhân. Bởi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS mắc rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Điển hình là lao.
Mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, các bác sĩ đều phải đeo găng tay. Đối với phòng bệnh lao, họ phải đeo khẩu trang.
Điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, ngoài nguy cơ tai nạn nghề nghiệp, các bác sĩ còn phải chịu không ít sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Đó là câu chuyện về cô y sĩ từng bị gia đình người yêu từ hôn hay các cửa hàng từ chối phục vụ bác sĩ của bệnh viện.
Dù vậy, các y bác sĩ tại Bệnh viện 09 vẫn gắn bó với nơi đây. Khi được hỏi lý do, bác sĩ Hà cười: “Khó nói lắm, nhưng nếu bạn hay ai đó có thời gian, tiếp xúc nhiều với người bệnh, hiểu về họ, các bạn sẽ có tấm lòng để đối xử với họ như chúng tôi”.
Bệnh viện 09 có hơn 500 bệnh nhân ngoại trú. Đó là những người có H nhưng vẫn sống bình thường và được uống thuốc đều đặn.
Những người đến điều trị tại viện đều là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối trên nền tảng suy giảm miễn dịch nên mang rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội. Bệnh nhân dễ mắc lao phổi (chiếm 70%), suy mòn suy kiệt (trên 50%), nhiễm nấm miệng – họng – thực quản (trên 80%).
Hòa (39 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) vừa được chuyển vào khoa Hồi sức Cấp cứu. Sau 11 năm nhiễm HIV, anh chia sẻ mình may mắn hơn những bệnh nhân khác vì vẫn có vợ con bên cạnh. Điều tuyệt vời là cả hai đều không bị lây bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh khiến sức khỏe anh yếu không thể phụ giúp nhiều cho vợ. Khi vào viện điều trị, vợ anh vẫn phải bươn trải ngoài kia để nuôi sống gia đình.
Ở buồng kế bên, Khoa (34 tuổi) đang cặm cụi làm hoa giấy. Trên cánh tay người đàn ông này xăm hai chữ “Cha Mẹ”. Vết xăm được thực hiện vào 6 năm trước, ngay sau khi Hòa biết tin mình mắc HIV.
Bởi không có người đến thăm, nên hàng ngày Khoa cặm cụi làm hoa giấy để giết thời gian trong căn phòng lạnh lẽo.
Tú và Minh là một cặp vợ chồng cùng bị AIDS đang điều trị tại đây. Người vợ vẫn còn khỏe mạnh hơn nên chịu trách nhiệm ra vào mua đồ ăn cho cả hai. Nhưng nhìn cảnh đó, chẳng ai nói họ may mắn hơn những người bạn cùng phòng.
Hòa lướt xem hình ảnh con trong điện thoại, trong khi Khoa vẫn đau đáu nỗi niềm mỗi khi nhìn thấy hình xăm trên cánh tay mình.
Tại khoa Nội, thời điểm cao nhất có tới 64 bệnh nhân điều trị. Nhiều người điều trị nội trú ở bệnh viện 3-4 năm nhưng không người thân tới thăm nom.
Có bệnh nhân sống những ngày cuối cùng trước khi ra đi, ánh mắt lúc nào cũng khát khao, đau đáu ngóng chờ người thân nhưng ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn không một ai đến bên cạnh. Và rồi, chính các bác sĩ lại là ở bên họ những phút cuối, cúi đầu trước linh cữu, thắp cho họ nén nhang và hoàn thành mọi thủ tục hậu sự.
“Khi ở ngoài xã hội, họ bị kỳ thị, cô lập, thậm chí xua đuổi. Khi vào viện, họ lại cô đơn. Mỗi khi chứng kiến cái chết của người đồng bệnh khiến họ không khỏi xót xa, trăn trở sau này, linh hồn của mình sẽ đi đâu về đâu, vất vưởng không nơi hương khói”, bác sĩ Hà nói.
Thấu hiểu nỗi lòng đó, cách đây 10 năm, các bác sĩ quyết định lập một bàn thờ trong khuôn viên bệnh viện. Mỗi lần có bệnh nhân qua đời, họ lại đến đây để thắp hương cho người đã khuất.
“Họ thắp hương cho người khác rồi thầm an tâm rằng lúc mình ra đi, sẽ có người cũng nhớ đến mình như vậy. Coi như cũng có một nơi để nương tựa”, bác sĩ Hà ngậm ngùi chia sẻ.
Theo các bác sĩ, khi dương tính với HIV, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm nếu không được điều trị, còn khi được điều trị ARV, họ có thể sống đến cuối đời và ra đi vì các căn bệnh tuổi già chứ không phải do HIV. Khó khăn nhất đối với người có H là sự hòa nhập với cộng đồng
Khi bước chân vào cánh cửa Bệnh viện 09, ngay lập tức họ bị đối xử như tầng lớp cặn bã của xã hội. Bị người thân ruồng bỏ, xã hội kỳ thị, nhiều người không còn nơi bấu víu, nên chọn bệnh viện làm chốn nương thân dù bản thân không cần nằm viện. Để rồi, hàng ngày, họ lại đau đáu nhìn ra phía bên kia cánh cửa, mong ngóng bóng dáng một người thân.
Quỳnh Trang – Hà Quyên
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…