Tư vấn dùng thuốc an toàn cho người dân.
Dùng đơn cũ mua thuốc mới
Thói quen mua thuốc mà không có đơn thuốc, tư vấn của bác sĩ không còn là vấn đề mới lạ ở Việt Nam. Có mặt tại một hiệu thuốc trên đường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội trong khoảng 2 giờ đồng hồ chúng tôi thấy duy nhất một người đến mua thuốc mang theo đơn.
Một số người cao tuổi vì không nhớ tên thuốc hoặc cẩn thận thì mang theo vỏ hộp thuốc hoặc vỉ thuốc cũ ra quầy mua cho cẩn thận. Người ta có thể mua được ở đây từ các thuốc đơn giản như vitamin C, vitamin B1 đến cả thuốc kháng sinh như ampicillin, ammoxicilin, cephalexin, azithromycin…
Một bé gái khoảng 9-10 tuổi chạy vào hiệu thuốc hồn nhiên đưa một mẩu giấy nhỏ bằng bàn tay cho cô bán thuốc trên đó ghi khá rõ ràng tên 4 loại thuốc, số lượng mua gồm thuốc kháng sinh, thuốc long đờm, thuốc ho, men tiêu hóa. Ngay lập tức “đơn thuốc” được phục vụ với giá gần một trăm năm mươi ngàn đồng.
Theo cháu bé về nhà trong con ngõ nhỏ cách hàng thuốc khoảng 60-70 mét, dù ngạc nhiên với sự đường đột nhưng mẹ cháu bé- chị Thủy thật thà cho biết: Vài năm nay tôi thường mua thuốc cho con ở tiệm thuốc gần nhà. Trước đây, lúc cháu còn nhỏ, mỗi lần con ho, tôi vẫn thường cho cháu đi khám ở bệnh viện hay các phòng khám. Dù đông mấy cũng kiên nhẫn chờ, nhiều hôm khám xong cho con mất cả nửa ngày. Sau này, ngại đông, mỗi lần con ho trở lại tôi lại mang đơn cũ ra mua, kể tuổi và cân nặng cho người bán thuốc nhờ họ tăng liều. Tôi vẫn giữ các đơn thuốc cũ, rồi sau này tôi cứ ước lượng theo cân nặng của con mà tự ghi vào giấy rồi đi mua. Uống 3 ngày không hết, tôi mua thêm ba ngày nữa là khỏi.
Hỏi sao lại quyết định thế, chị Thủy bảo lần nào đưa con đi khám lại cũng thấy bác sĩ làm thế cả, cũng có lần đổi sang thuốc kháng sinh khác, nhưng ít thôi. Cũng có lần mua theo đơn nhưng nhân viên bán thuốc bảo không có loại trong đơn mà bán cho loại có tính chất tương tự, thì cũng được có sao đâu.
Đến phòng khám mà chị Thủy bảo vẫn thường khám cho con lúc nhỏ ở trên đường Bạch Mai chúng tôi thấy phía trong là phòng khám gồm một bác sĩ rất già và một phụ tá trẻ cũng mặc trang phục blouse trắng. Bà bác sĩ khám và đọc thuốc cho tên thuốc cho phụ tá ghi vào đơn. Phía ngoài là quầy thuốc tây. Bệnh nhân khám xong ra quầy thuốc phía ngoài mua theo đơn. Nhưng cũng có nhiều người khách vãng lai đến mua không đơn, ai mua thuốc gì cũng bán. Có cả những bà mẹ mang theo đơn cũ ở phòng khám này đến mua thuốc, nhân viên bán thuốc còn nhiệt tình hỏi có cần pha chế sẵn không?…
Trò chuyện với một số phụ huynh tự đi mua thuốc, đặc biệt là kháng sinh vể điều trị cho con, thì đa số đều không hề biết gì về dược lý của thuốc. Ít người đọc hết tờ hướng dẫn sử dụng về thành phần thuốc hay những cảnh báo về tác dụng phụ khi sử dụng quá liều, quá ngày… Quầy thuốc bán sao, họ sử dụng vậy, chỉ cần hết bệnh là được.
Vào bệnh viện khám vừa chờ đợi mệt mỏi, vừa tốn tiền, nhiều khi bị bắt làm đủ thứ xét nghiệm, mỗi lần con cảm sốt thông thường thì lấy đơn cũ ra mua, nếu không cứ kể tình trạng bệnh, nhân viên bán thuốc cũng bán cho đủ cả. Uống vào thấy đỡ là ổn rồi, chị Diệp ở Đê La Thành chia sẻ. Theo chị Diệp, bản thân chị và những người trong gia đình chẳng may đau đớn nặng phải mổ xẻ mới phải đến bệnh viện, chứ cảm sốt, đau đầu, đau răng, nhức mỏi chân tay…thì ra hiệu thuốc mua là xong. Người bán thuốc sẽ tư vấn cho mình dùng thuốc phù hợp.
Đến nhiều quầy thuốc rải rác ở các đường phố, khu dân cư, ngõ ngách trong khắp thành phố, trừ các quầy thuốc ở bệnh viện, chúng tôi đều chứng kiến được cảnh vô tư mua các loại thuốc mà không cần đơn. Về phía các nhà thuốc thì nhân viên thường ít hỏi đơn, gần như không hỏi người mua về tiền sử dị ứng thuốc, không tư vấn cho bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khi bệnh nặng hơn. Nhiều nhân viên bán thuốc cho biết họ thường bán thuốc theo kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì thường đúng cả.
Không cần biết hậu quả
Nói về sự nguy hiểm của việc sử dụng đơn cũ mua thuốc, GS.TS Lê Ngọc Trọng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mỗi đơn thuốc chỉ dùng cho 1 lần khám và điều trị duy nhất, không nên sử dụng ở các lần mua thuốc tiếp theo cho trẻ em vì cơ thể trẻ thay đổi nhanh, liều thuốc trước không thể đáp ứng kịp và không mang lại hiệu quả điều trị tốt cho lần sau. Có thể ở một số bệnh có các triệu chứng giống nhau, tuy nhiên bệnh lý khác nhau thì sẽ có các loại thuốc đặc trị khác nhau.
Về lo lắng này, bác sĩ Bùi Văn Khánh- Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Việc tự ý mua và bán các loại thuốc điều trị có thể dẫn tới các tai biến nguy hiểm. Ngay cả với những loại thuốc đơn giản, thông thường cũng có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Người bệnh nên dành thời gian đi khám để được biết chính xác tình trạng bệnh của mình. Bình thường người dân rất xem nhẹ việc khám lại, thấy đỡ là dừng thuốc. Khi đi khám lại bác sĩ sẽ cho biết có nên đổi thuốc hay không.
Theo các bác sĩ, người dân vì thiếu hiểu biết nên vẫn thường tự ý mua thuốc để chữa bệnh. Còn với những cơ sở bán thuốc, họ quá hiểu nguy cơ này nhưng vẫn vô tư bán thuốc là điều cơ quan chức năng cần rà soát và chấn chỉnh. Để tình trạng này kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến việc kháng thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
Về tình trạng kháng thuốc gia tăng trong cộng đồng, cuối năm 2015, tại buổi họp báo về “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc” do Bộ Y tế tổ chức, ông Cao Hưng Thái- Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết theo một khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị phía Bắc, thì có 88-91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn. Những bệnh thường mua kháng sinh nhiều nhất là ho (gần 32%) và sốt (gần 22%).
Theo ông Nguyễn Việt Cường- Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, tại khoản 1 Điều 40 của Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt trên thực tế là rất ít ỏi.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để giảm thiểu tình trạng mua bán thuốc không kê đơn, các thành phần cần vận động là: thầy thuốc, cán bộ y tế, bệnh nhân, người bán thuốc. Trước mắt thầy thuốc và cán bộ y tế bắt buộc phải chỉ định kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý.
Mai Hương
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…