Trên thị trường hiện nay có nhiều loại hoá chất bảo vệ thực vật, phong phú về chủng loại, nhiều về số lượng sử dụng, kéo theo một thực tế là hoá chất BVTV càng được sử dụng rộng rãi thì càng dễ trở thành nguyên nhân gây ngộ độc.
Hoá chất bảo vệ thực vật là gì?
Hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) là bất kỳ chất hay hỗn hợp chất nào được dùng để phòng ngừa, khống chế và tiêu diệt bất kỳ sâu bọ hay vectơ truyền bệnh nào kể cả nấm… Tên gọi này cũng dùng để chỉ cả các hoá chất dùng để điều hoà sinh trưởng,làm rụng lá, làm khô, làm sai quả, phòng rụng quả, các chất dùng trong bảo quản hàng hoá thực vật.
Như vậy hoá chất bảo vệ thực vật có thể là:
– Thuốc trừ sâu, trừ nhện và côn trùng gây hại như muỗi, ruồi, ve, bọ chét.
– Thuốc diệt nấm, trừ bệnh, trừ vi sinh vật gây hại.
– Thuốc diệt cỏ, làm rụng lá, kích thích sinh trưởng.
– Diệt chuột và các loài gậm nhấm.
Về nguồn gốc và cấu trúc hoá học, Hóa chất bảo vệ thực vật có thể là:
– Hoá chất bảo vệ thực vật hữu cơ: chlor hữu cơ, phospho hữu cơ, carbamat, nereistoxin …..
– Hoá chất bảo vệ thực vật vô cơ: các hợp chất của asen, đồng, lưu huỳnh….
– Hoá chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc thực vật: các alcaloid, nicotin, pyrethroid, anabazin.
Hoá chất bảo vệ thực vật ngày càng phong phú về chủng loại, nhiều về số lượng sử dụng, kéo theo một thực tế là hoá chất bảo vệ thực vật càng được sử dụng rộng rãi thì càng dễ trở thành nguyên nhân gây ngộ độc. Sự có sẵn hoá chất bảo vệ thực vật cùng số lượng tăng cao của ngộ độc loại hoá chất này cũng phản ánh một thực tế rằng quản lý sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật ở nước ta còn bất cập, tạo ra nguy cơ cao cho trẻ em nói riêng, cộng đồng nói chung.
Nhiễm độc trong quá trình vận chuyển, tàng trữ, sử dụng (khuân vác, đi phun, bốc xếp trong nhà kho…).
Do tự tử (uống thuốc trừ sâu). Với các trẻ lớn tuổi vị thành niên dễ bị manh động, vì những lý do nhiều khi rất đơn giản như bố mẹ mắng, thi trượt v.v đã uống HC bảo vệ thực vật như là một sự giải thoát cho những uất ức của mình.
Do tai nạn (ăn phải các loại hoa quả , rau cỏ có lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư nhiều.
Các loại hoá chất thường gặp nhất là phospho hữu cơ, clo hữu cơ, pyrethroid, nereistoxin, carbamat, thuốc diệt chuột gây co giật, các hoá chất chống nấm.
Hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc đã từng bị phát hiện có chứa hoá chất bảo vệ thực vật, nho đỏ Trung Quốc có thể nhiễm difenoconazole Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc có màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vừa qua, có thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại và đựng các bọc có chứa thiram (dimetyl dithiocarbamate, rất độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Trẻ em có thể nhiễm HC bảo vệ thực vật từ thức ăn, từ nước uống, do uống nhầm, do dư lượng trong thực phẩm, hoặc do sự vô ý của người lớn: tẩm thuốc diệt chuột vào lạc rang, kẹo, khoai, bỏng ngô v.v.. và để trong nhà, ven đường đi và trẻ nhỏ đã nhặt ăn rồi bị bệnh…
Các dấu hiệu bất thường như:
Tiêu hoá: buồn nôn, nôn nhiều ra thức ăn và hoá chất bảo vệ thực vật. Đây là dấu hiệu gặp trong nhiều trường hợp ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật; ỉa chảy dữ dội: gặp khi ngộ độc phospho hữu cơ, nereistoxin, ỉa ra máu tươi gặp trong ngộ độc pereistoxin.
Thần kinh:
Lơ mơ, hôn mê gặp trong các ngộ độc HC bảo vệ thực vật nặng
Co giật : ngộ độc cấp chlor hữu cơ, thuốc diệt chuột các loại , thuốc diệt cỏ (??).
Liệt cơ: phospho hữu cơ, chlor hữu cơ, nereistoxin, pyrethroid làm cho trẻ không đi lại được hoặc không đứng được, liệt cơ hô hấp làm cho trẻ không thở được, thở rất yếu, nhanh, kèm theo xanh tím do thiếu oxy.
Hội chứng bệnh lý thần kinh ngoại vi cấp: tăng cảm giác đau ở bàn chân bàn tay, đau tăng khi đụng chạm đến, kèm rụng lông, liệt gặp khi ngộ độc các HC có thuỷ ngân, thalium, asen.
Hô hấp: suy hô hấp rất thường gặp và là nguyên nhân trực tiếp gây chết trong ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt suy hô hấp do tăng tiết đờm dãi và co thắt phế quản trong hội chứng muscarin gặp khi ngộ độc phospho hữu cơ hoặc carbamat. Trẻ khó thở, thở khò khè hoặc thở rít, thở nhanh nông hoặc ngược lại thở chậm, rời rạc; da xanh tím, vã mồ hôi, co kéo hõm ức, phập phồng cánh mũi,
Tuần hoàn: Mạch chậm gặp khi ngộ độc phospho hữu cơ, carbamat. Mạch nhanh có thể gặp ở ngộ dộc tất cả các loại HC bảo vệ thực vật nhưng thường gặp với ngộ độc các HC bảo vệ thực vật gây co giật và gây độc với tim như các thuốc diệt chuột nhóm fluoroacetamid và fluoroacetat
Tụt huyết áp có thể gặp ở tất cả các ngộ độc nặng: mạch nhanh nhỏ khó bắt hoặc không bắt được, huyết áp tụt hoặc không đo được.
Tiết niệu: Đái ra nước tiểu thẫm màu (đỏ để dần chuyển thành đen) gặp trong ngộ độc các hoá chất gây co giật, tiêu cơ vân dẫn đến đái ít, hoặc suy thận vô niệu có thể gặp trong ngộ độc HC diệt chuột fluoroacetate và fluoroacetamid, Nereistoxin, thuốc trừ sâu chlor hữu cơ.
Hội chứng cường cholinergic: gặp trong ngộ độc cấp HC bảo vệ thực vật phospho hữu cơ, carbamat: trẻ nôn mửa, kêu khó thở tức ngực, da tái lạnh, vã mồ hôi, run toàn thân hoặc co giật. Da tái, vã mồ hôi, tăng huyết áp: phospho hữu cơ, nicotin.
Ngộ độc thuốc BVTC thường có bệnh cảnh và diễn biến phức tạp, tiên lượng khó lường, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, các bệnh nhân ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật cần được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được điều trị kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi xin giới thiệu những công việc sơ cứu mà các cộng tác viên hoặc chính gia đình bệnh nhân có thể và phải thực hiện khi phát hiện trẻ ngộ độc hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật
Việc đầu tiên là nên gọi điện thoại đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai hoặc đến trung tâm y tế gần nhất hoặc trạm vận chuyển cấp cứu 115 để được hướng dẫn và hỗ trợ. Sau đó tuỳ điều kiện và hoàn cảnh có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
Hạn chế hấp thu độc chất
– Ngộ độc đường hô hấp: đưa ngay bệnh nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc, đặt nằm nơi thoáng gió. Nếu trẻ suy hô hấp, ngừng thở thì cho thông khí nhân tạo (bóp bóng). Nếu thổi ngạt phải hết sức thận trọng để tránh cho người cấp cứu bị nhiễm độc, nên thay người thổi ngạt sau vài ba phút.
– Ngộ độc đường da: cởi bỏ quần áo nhiễm độc chất, rửa vùng da tiếp xúc độc chất với xà phòng và nước sạch. Gội đầu nếu tóc nhiễm hoá chất độc.
– Ngộ độc đường tiêu hoá: Gây nôn nếu phát hiện sớm và bệnh nhân còn tỉnh, không có nguy cơ sặc vào phổi: cho bệnh nhân uống 1 hơi nhiều nước sau đó dùng tăm bông hoặc tay ngoáy họng gây nôn.
+ Những bệnh nhân nhiễm độc nặng thường tự nôn. Nếu không tỉnh thì không gây nôn vì nguy cơ sặc vào phổi.
+ Cho BN uống than hoạt: loại nhũ tương (Antipois BMai) đóng týp sẵn hoặc loại bột với liều 1-2g/kg cân nặng kèm theo sorbitol 2-4g/kg cân nặng.
Nếu bệnh nhân co giật nhiều, cho trẻ các thuốc an thần cắt giật nếu có thể
Benzodiazepam ống 10 mg tiêm tĩnh mạch chậm 1/3 – 1 ống mỗi lần, nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật.
– Hoặc thiopental tiêm tĩnh mạch 2 mg/kg cân nặng nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật.
– Hoặc midazolam ống 5 mg, pha loãng tiêm tĩnh mạch chậm đến khi cắt cơn giật.
hoặc các loại thuốc an thần khác …
Nếu có ngừng tuần hoàn (bệnh nhân hôn mê, ngừng tim – không bắt được mạch, ngừng thở, tiến hành hồi sinh tim phổi: ép tim và thổi ngạt. Duy trì thổi ngạt 2 lần ép tim 15 lần cho đến khi tim đập lại, trẻ tự thở được, kể cả trên xe vận chuyển cấp cứu. Tuy nhiên, khi thổi ngạt cần tránh nhiễm độc cho người cấp cứu bằng cách tránh hít phải khí thở ra của bệnh nhân, thay người thổi ngạt sau mỗi vài phút.
Nếu bệnh nhân hôn mê để bệnh nhân nằm tư thế an toàn: nằm nghiêng, ngửa cổ tối đa, đầu thấp, trong quá trình vận chuyển đến bệnh viện.
Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu có thể. Chú ý mang theo các tang vật: thức ăn nước uống nghi nhiễm độc, vỏ chai lọ hoặc chất trừ sâu trẻ đã uống hoặc có trong gia đình…để giúp cho việc chẩn đoán nhanh chóng chính xác độc chất.
Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc cất giữ, vận chuyển, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật.
Các hoá chất bảo vệ thực vật cần được để tại những nơi kín đáo, ở nhà kho riêng biệt hoặc trong các hộp riêng, có khoá. Không để các HC bảo vệ thực vật gần các nơi để thức ăn, nước uống. Không dấu thuốc diệt chuột lên mái nhà, mái bếp.
Các loại chai lọ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật cần có đầy đủ nhãn hiệu. không đựng thuốc bảo vệ thực vật trong các vỏ chai lọ nước giải khát (ví dụ vỏ chai lavie)
Không để bất cứ loại hoá chất bảo vệ thực vật nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.
Không để các mồi bả chuột như lạc rang, bỏng ngô, khoai…có tẩm thuốc diệt chuột ở những nơi trẻ có thể nhìn thấy và lấy được.
Không để trẻ lại gần nơi người lớn đang chuẩn bị các hoá chất trừ sâu, diệt chuột. Nếu đang chuẩn bị thuốc trừ sâu diệt chuột mà có việc khác, cần thu dọn cất thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định, đúng cách an toàn tránh việc trẻ thấy và lấy ăn nhầm, hoặc nghịch chơi …
Không lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thu hái đúng thời gian cách ly sau phun thuốc (bình quân 20-25 ngày trở lên).
Cần để ý các diễn biến tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, giải quyết các khúc mắc của trẻ, không đánh chửi, không gây sức ép quá mức cho trẻ trong việc học hành
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…