Nhiều người cho rằng, việc vợ chồng xưng hô với nhau như thế nào không quan trọng, miễn là hai người hiểu nhau. Nhưng mọi người lại không biết rằng, cách xưng hô của vợ chồng trong cuộc sống hàng ngày cũng giống như liều vitamin đặc biệt, nếu biết cách sử dụng nó sẽ khiến hạnh phúc gắn kết hơn.
Chị em chúng tôi lớn lên, lấy vợ lấy chồng gọi nhau bằng đủ thứ “mật danh”: Nào là chồng ơi, vợ à, nào là ông xã, bà xã, hay gọi thẳng bằng tên… Chẳng ai chú ý đến cách xưng hô giữa vợ chồng, miễn là hiểu nhau trong cuộc sống hàng ngày. Ấy vậy mà, bố mẹ tôi lại bảo: Vợ chồng có hạnh phúc hay không một phần nhờ vào cách xưng hô với nhau.
Bố mẹ tôi năm nay người xấp xỉ 70 tuổi, người mấp mé 80, vẫn giữ thói quen xưng hô “anh em”. Những ngày còn trẻ, chuyện xưng hô ấy chẳng ai thắc mắc, bởi cũng có nhiều cặp vợ chồng gọi nhau như thế. Đến khi lên chức bố, chức mẹ, hay thành ông, thành bà, đa số người chuyển sang cách xưng hô khác để tương xứng với vai trò mới. Thay vì gọi nhau “anh ơi, em à”, họ chuyển sang dùng “bố cu Tít, mẹ cái Bống” hay “bà nó, ông nó”… nhưng bố mẹ tôi vẫn “thủy chung” với hai tiếng “anh em” mỗi lúc gọi nhau từ lúc trẻ cho đến lúc già.
Bố tôi kể, mẹ tôi có một kiểu xưng hô với chồng rất đặc biệt. Dù giận dỗi, tức giận chồng đến mấy khi xưng hô với ông, bà cũng không bao giờ thay đổi ngữ điệu, luôn nhẹ nhàng, dịu dàng. Giận thế nào, mẹ vẫn cứ “anh ơi, anh à, em bảo cái này, em muốn thế kia” chứ không bao giờ đổi ngôi sang “ông – tôi”, hay “lão này, lão nọ”… Rồi bà mặc định luôn cho ông cũng phải làm giống mình.
Những lúc ông chuyển ngôi, hay gọi trống không, bà xem như mình không nghe thấy và chỉ đối thoại trở lại khi ông “em ơi, em này…”. Hiểu được tính bà, bao năm nay ông luôn trân trọng cách xưng hô ấy. Mẹ tôi bảo, nhờ vậy mà vợ chồng ít khi to tiếng với nhau, lúc nào cũng cảm thấy gần gũi, gắn kết. Ở tuổi xế chiều, mỗi lần gọi nhau “anh ơi, em ơi”, ông bà có cảm giác như vẫn như vợ chồng son. Hay nói cách khác, họ chẳng già đi trong mắt nhau nhờ tiếng “anh”, tiếng “em” ấy.
Tôi còn nhớ, một lần làm công tác tư vấn, hòa giải cho cặp vợ chồng trẻ có hôn nhân đang bên bờ vực. Chỉ trong mấy chục phút, họ đổi cách xưng hô liên tục, và mỗi lần đổi xưng hô là mâu thuẫn được đẩy thêm một nấc, cho đến khi dồn cuộc nói chuyện vào bế tắc.
Theo cô vợ thì thỉnh thoảng chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay chỉ vì cách gọi nhau. Có lần anh chồng đi làm về đang bực bội chuyện cơ quan, về đế nhà gọi vợ “lấy cho anh cốc nước”. Cô vợ cũng đang mệt mỏi vì cả ngày vật lộn với con nhỏ, chồng đi cả ngày về chẳng chút quan tâm hỏi han còn trịch thượng sai bảo, bèn cấm cẳn lại: “đi mà rót, đây không rảnh”.
Nghe thấy thế, anh chồng sừng sỏ: “Này, cô đang ‘đây’ với ai đấy”, “tôi ‘đây’ với nhà ông đấy, tôi không phải nô lệ của ông đâu nhá”. Cứ thế, từ “đây”,”ông”, “cô” cứ như bình dầu đổ thêm vào lửa. Kết quả chiến tranh nổ ra, vợ chồng giận nhau cả tuần, thậm chí cả tháng. Hôn nhân của họ đi vào bế tắc từ lúc nào không hay chỉ vì cái cách gọi nhau không đúng mực.
Lại có cặp vợ chồng, êm ấm thì ngọt ngào “anh-em” nhưng hễ có chuyện là lập tức gọi nhau bằng “mày, tao”, “bố mày, mẹ mày…”. Anh chồng từng là “thủ phạm” bạo lực gia đình bị gọi lên cơ quan chức năng để nhắc nhở, răn đe, thú nhận nguyên nhân khiến anh vung tay bạo lực với vợ là do các xưng hô không đúng mực của vợ với chồng.
Những lúc nhà có khách hay chốn đông người, cô vợ không bao giờ xưng hô với chồng đúng ngôi thứ mà luôn gọi trống không, rất coi thường chồng. Góp ý bao nhiêu cô cũng không sửa, khiến anh luôn cảm thấy bị xúc phạm nên dùng bạo lực để lấy lại “uy danh”.
Hàng xóm nhà tôi có anh làm nghề buôn bán ở chợ, tính nóng như lửa. Bà con lối xóm, anh em bạn bè nhiều lần điêu đứng vì cái sự nóng nảy ấy của anh. Ai cũng nghĩ cô vợ của anh chắc phải sống khổ sở với anh chồng đụng một chút là “băm chém” ấy. Nhưng bao nhiêu năm qua, mỗi lần ai hỏi tới, cô đều bảo vợ chồng chẳng mấy gây gổ với nhau.
Anh nóng tính thật, nhưng đều biết kiềm chế trước vợ con. Hỏi cô bí quyết gì không, cô cười bảo, bí quyết nằm ở cách vợ chồng gọi nhau hàng ngày. Cái từ “mình ơi, mình à” ấy giống như cốc nước mát hạ nhiệt sự nóng nảy, mất bình tĩnh trong anh. Ngược lại, cô vợ cũng nhờ cái tiếng “mình” ấy mà luôn biết bổn phận của mình ở đâu.
Mỗi lúc vợ chồng giận dỗi nhau, dù cho anh thay đổi xưng hô thế nào cô vẫn có một điều “mình”, hai điều “mình”. Cũng có lúc, anh chồng không kiềm chế được vung tay lên nhưng rồi ngừng ngay lại trước tiếng “mình ơi, mình à…” tha thiết của vợ. Ngược lại những lúc vợ mất bình tĩnh, anh chồng vẫn ngọt ngào tiếng “mình” đầy yêu thương. Bao nhiêu năm qua, họ giận nhau đầu giường rồi lại làm lành cuối giường nhờ vào tiếng “mình” đầy đơn giản.
Hóa ra những từ vợ chồng dùng để gọi nhau không chỉ đơn thuần là từ định danh mỗi khi xưng hô với nhau. Nó còn là một liều vitamin đặc biệt trong tình cảm vợ chồng. Liều vitamin đó sẽ có tác dụng rất lớn để vợ chồng yêu thương gắn kết nhau hơn, tạo sự đầm ấm trong gia đình nếu được sử dụng đúng cách.
Nguồn: PN&GĐ
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…