Chuyện dâu con đúng là lắm rắc rối và thật khó dung hòa.
Nhà chỉ có hai chị em dâu, thế mà nhà cửa chẳng lúc nào yên chuyện, không vấn đề này xảy ra thì lại tới vấn đề khác – Bà Liên với gương mặt âu sầu ngồi than thở với chị bạn. Bà đã từng mong, con cái yên bề gia thất, có con dâu, có cháu nội ẵm bồng thế là thỏa ước nguyện của tuổi già. Thế mà giờ đây bà đang phải đau đầu trong việc giải quyết những chuyện nhỏ nhặt mà hai nàng dâu tự tạo ra vì tị nạnh nhau. Đúng là chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào!
Ảnh minh họa |
Con trai cả của bà lấy cái Hường, tính tình chân chất thật thà, về nhà làm dâu trước một năm nhưng việc gì trong nhà cũng biết hết và làm một cách không nề hà. Ngược lại, vợ thằng út là cái Hiền thì là dân học thức, tính tình hoạt bát, việc gì làm cũng phải có tính toán một cách cẩn trọng. Chính vì sự trái ngược tính tình giữa hai nàng dâu mà bà Liên đang phải đối diện với một “cuộc chiến tại gia.” Bà không biết nên phân xử thế nào cho công minh, vì cô con dâu nào cũng có lý lẽ riêng của mình và nghe ra chúng cũng khá thuyết phục.
Như hôm cái Hường có chút việc bận nên trễ việc cơm nước cho cả nhà, khiến mọi người phải ăn muộn. Thật ra, cơm nước chẳng phải là nghĩa vụ của một mình cái Hường, chẳng qua là con bé quen tay quen chân hơn một năm làm rồi, nên vì thế công việc cứ thế mà tiếp diễn. Hai ông con trai và bà Liên đôi lúc cũng phải đợi cơm như thế nên chẳng coi đó là chuyện to tát. Nhưng cái Hiền đi làm về mệt mỏi, mà không có sẵn cơm ăn như mọi hôm liền tỏ ra bực bội, nói xiên nói xỏ: “Có mỗi bữa cơm mà ai cũng phải ngồi chờ ăn mầm đá”. Nghe thế, sẵn đang bực mình chuyện cơ quan, chuyện mệt mỏi khi về trễ, chuyện cơm nước chưa xong, cái Hường liền đốp lại: “Có tay có chân sao không xuống mà làm, tôi đâu phải là osin!”.
Vốn là gia đình nề nếp nên chuyện lời qua tiếng lại như thế không phải là thói quen của gia đình bà Liên. Hai anh con trai đứng lên đi về phòng, để mặc bà Liên ngồi nghe hai cô con dâu xách mé nhau cho đến tận giờ cơm. Thật ra chuyện có lẽ sẽ không có gì ầm ĩ khi cái Hường cho rằng bà Liên bênh cái Hiền: “Mẹ để em nó nói hỗn với con thế mà được à?”. Cái Hường cho rằng một mình nó quán xuyến mọi việc trong nhà xưa nay, nào có ai phải đụng chân đụng tay việc gì, mà sao cái Hiền đã không giúp, lại còn là em, lại có quyền mỉa mai hay trách móc.
Bà Liên không thương Hường thì thôi chứ sao lại ngồi im nghe mà không bênh vực một tiếng. Cái Liên cũng than thở: con đi làm vất vả, tiền đưa mẹ cơm nước cho cả nhà nhiều hơn, con sắm sửa vật dụng tivi, tủ lạnh, máy giặt… hiện đại cho cả nhà bằng với người ta. Mỗi người một cách đóng góp, con đâu có ăn không ngồi rồi, thế mà về nhà chỉ cần có một bữa ăn đúng giờ mà chị dâu lớn cũng không làm được.
Rồi mỗi khi nhà có cúng giỗ, lễ tết thì cái Hiền bao giờ cũng “bận túi bụi” ở công ty không thể nghỉ ở nhà. Hiền cũng rối bời lắm, phải tỉ tê để mẹ thông cảm, rồi khéo léo đưa cho bà một khoản tiền để chuẩn bị mua sắm. Bà ít khi kêu ca, chỉ thương cái Hường một tay quán xuyến hết. Họ hàng bên nội lúc nào cũng khen Hường đảm đang, tháo vát, nhưng cũng nhiều người xì xầm to nhỏ, ngầm so sánh cô dâu cả với dâu út. Người ta nói bóng gió là gái quê tốt tính hơn, chăm chỉ hơn, rước dân tri thức về chỉ tổ phải hầu hạ. Thỉnh thoảng Hiền chạnh lòng khi nghe họ hàng góp ý, lên tiếng “dạy dỗ” phận làm dâu. Và sự tị nạnh, ganh ghét vô hình chung bủa vây, đẩy hai cô con dâu ngày một xa nhau hơn.
Ngẫm ra, mỗi người đều có cách suy nghĩ và làm việc cũng như có danh có phận khác nhau, ai đều có thế mạnh và đóng góp riêng theo khả năng của mình, không nên so sánh. Bà Liên cảm thấy đau đầu vì con dâu nào cũng có lý lẽ, cái Hường thì chân chất có sao nói vậy, cái Hiền thì khôn ngoan làm việc gì cũng cẩn thận trước sau. Cái khó là bà Liên chẳng tìm được cách nào dung hòa hai cô con dâu.
Còn hai anh con trai thì lại cho rằng đó là chuyện của đàn bà, nên cũng chẳng xía vào làm gì cho gia đình thêm phần rắc rối. Mỗi khi không khí gia đình “căng như dây đàn” là hai cậu con trai lại bỏ ra ngoài, để mặc bà với hai cô con dâu đang xích mích. Bà chỉ chép miệng, chờ hai con nguôi giận thì dặn dò sau.
Cuộc chiến giữa hai cô chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc. Có chăng giải pháp duy nhất là tách chúng ra ở riêng cho yên chuyện.
Bình Nguyên
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…