Trong y học cổ truyền có rất nhiều món ăn, bài thuốc để bồi bổ sức khỏe và có tác dụng chữa bệnh giúp quý ông có sức khỏe dũng mãnh. Tuy nhiên, không nên tự ý áp dụng tuỳ tiện mà phải đến cơ sở có uy tín để được chẩn trị và sử dụng một cách có hiệu quả. Sau đây là một số bài thuốc hỗ trợ, nâng cao sức mạnh đàn ông.
– Dâm dương hoắc: Có tác dụng tăng cường dục năng, kích thích tình dục rất cao. Theo bản thảo Kinh tập chú, các mục tử thời xưa nhận thấy dê đực sau khi ăn lá cây này sẽ động dục mạnh, số lần và thời gian giao phối tăng lên rất nhiều. Dâm dương hoắc vị cay đắng, giúp bổ can thận, tráng dương, ích tinh, kích thích sinh dục, chuyên trị liệt dương. Dùng 4-12g/ngày dưới dạng ngâm rượu hoặc sắc. Muốn có hiệu quả cao, nên lấy 250g mỡ dê rán cháy, vớt bỏ tóp rồi cho 1kg dâm dương hoắc đã thái nhỏ vào, đảo đều cho thấm hết mỡ. Dùng dược liệu đã sao tẩm để ngâm rượu hoặc sắc uống.
– Rau hẹ: Lá và hạt hẹ đều tính ôn, vị cay, không độc giúp bổ thận, ích can, tráng dương, cố tinh. Người liệt dương, suy yếu tinh dục do thận suy dùng rất tốt (lấy thịt dê trắng thái mỏng, nhúng nước sôi cho tái rồi ăn với rau hẹ).
– Ngài tằm: Vị mặn, tính ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, cường tinh, dùng cho người liệt dương, di tinh, tiểu đêm. Cách dùng ngài tằm 7 con (bỏ đầu, chân, cánh) sao vàng, tôm he bóc vỏ 20g. Hai thứ giã nát, trộn đều với 2 quả trứng gà rồi rán hoặc hấp ăn thường xuyên
– Tôm: Có tác dụng bổ thận, kiện vị, hưng dương. Dùng phối hợp với tắc kè, hồi hương, hồ tiêu (tất cả sấy khô, tán thành bột) chữa yếu sinh lý. Hoặc sử dụng phối hợp với phấn hoa để cải thiện khả năng sinh dục của người yếu sinh lý.
Rượu tắc kè. |
– Tắc kè: Vị mặn, tính ôn, dùng bổ thận, ích tinh, trợ dương có thể ngâm rượu tắc kè khô hoặc tươi. Nếu ngâm tắc kè tươi: Trước hết, làm sạch tắc kè, bỏ hết phủ tạng, nên nhớ phần đuôi là quý nhất của con tắc kè. Dùng bông thấm cồn 70 độ lau sạch máu và dùng rượu 30 độ ngâm với gừng tươi giã nát, bóp đều vào tắc kè, ủ 30 phút để khử mùi tanh. Lấy ra, để khô và tiến hành theo cách sau:
Tắc kè thường ngâm theo đôi, một con đực, một con cái. Con đực thường có kích thước to và dài hơn. Thường ngâm nhiều đôi, tùy điều kiện (thông thường 5 đôi). Cho tắc kè đã chuẩn bị như trên vào bình có dung tích thích hợp. Dùng rượu 45 – 50 độ đổ ngập tắc kè (một phần tắc kè, 5 – 8 phần rượu), ngâm 100 ngày, chiết lấy rượu lần đầu, rồi ngâm tiếp 1-2 lần nữa. Những lần sau có thể dùng rượu 35 – 40 độ, số ngày ngâm cũng giảm dần (60 ngày, 30 ngày). Gộp rượu ngâm của ba lần lại để pha với rượu thuốc gồm hà thủ ô đỏ 200g, ba kích 200g, nhục thung dung 100g, đẳng sâm 200g, huyết giác 20g, đại hồi hoặc tiểu hồi 10g, trần bì 10g, đường trắng 200g, rượu trắng 35 – 40 độ 4 lít.
Có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu tắc kè, một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Rót từ từ rượu tắc kè vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều để tránh rượu bị kết tủa. Sau cùng thêm đường trắng, quấy đều cho tan. Bổ sung rượu cho đủ 4 lít. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50 ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Rượu bổ tắc kè rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, suy yếu sinh lý, trí lực, thần kinh suy giảm. Lưu ý không nên lạm dụng, uống rượu tắc kè như một thứ rượu “thực phẩm” để khai vị.
Bác sĩ Thanh Lan
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…